"Có thực sự là cái bẫy chết người. Tôi phải trải qua những ngày tồi tệ nhất trong đời. Tôi tin chắc kể cả những người ưa mạo hiểm cũng khó thoát khỏi sự tàn phá ghê gớm của nó", Alexander (22 tuổi, ở Puducherry, Ấn Độ) lên tiếng sau khi thoát khỏi thử thách tự sát "Cá voi xanh".
Thử thách "Cá voi xanh" bắt người chơi phải thực hiện các nhiệm vụ tra tấn tinh thần như coi phim ma, tỉnh dậy giữa đêm và tiến tới tự sát ở bước cuối cùng.
Anh là một trong số ít nạn nhân may mắn thoát khỏi trò chơi nguy hiểm bậc nhất thế giới. Vì thế, Alexander hy vọng tiếng nói của mình có thể thức tỉnh một số bạn trẻ trước trào lưu này.
Những ngày tiến về phía địa ngục
Tháng 8/2017, Alexander nhận đường link về "Cá voi xanh" từ nhóm WhatsApp do đồng nghiệp lập ra. Sau đó, anh bỏ việc, về quê và bắt đầu thực hiện thử thách.
Người chơi khắc hình cá voi xanh lên tay. Ảnh: NDTV.
Alexander nói thêm đó không phải ứng dụng hay trò chơi cần tải về. Nó là một đường link do quản trị viên lập ra hướng tới người chơi. Họ đưa ra các nhiệm vụ, bắt buộc hoàn thành sau 2h sáng mỗi ngày. Trong ngày đầu tiên, người chơi đăng ảnh và thông tin cá nhân, số điện thoại, email của mình. Nhóm quản trị viên sẽ thu thập chúng.
Thử thách thứ hai anh nhận được là giải cứu một con cá voi nhỏ từ các mối nguy hiểm. Để làm được điều đó, người chơi lần lượt tự tổn thương bản thân về thể xác và tinh thần với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Trong ngày thứ 3, Alexander nhận yêu cầu xem phim kinh dị một mình trong nhiều giờ. Ngày kế tiếp, anh phải ra nghĩa địa lúc giữa đêm. Ngày thứ 4, quản trị viên yêu cầu anh khắc hình cá voi vào tay bằng vật sắc nhọn. Trong nhiều ngày liền, họ phải tự rạch cơ thể mình.
Khi thực hiện, người chơi phải chụp hình "tự sướng", đăng lên mạng làm bằng chứng. Trong chuỗi ngày ghê rợn đó, chàng trai 22 tuổi tránh nói chuyện với mọi người xung quanh và thường xuyên nhốt mình trong phòng. Anh âm thầm tiến tới gần hơn với tử thần.
Một sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật ở Kolkata (Ấn Độ) cũng bị lôi kéo thực hiện thử thách "Cá voi Xanh" thông qua nhóm trên WhatsApp. Chỉ trong 8 ngày, anh thực hiện không ít hành động điên rồ như rạch tay chân, tự khắc hình cá voi lên tay, cắt môi mình.
Trong khi đó, một nạn nhân khác của trò này ở Mỹ cũng phải trải qua những ngày kinh khủng đó. Từ đầu, cậu ta biết mình sẽ phải chết ở ngày thứ 50 nhưng vẫn chấp nhận thử thách. Những ngày đầu, nhiệm vụ khá đơn giản như thức đến 3h sáng, xem The Ring (phim ma), nói ghét bạn thân.
Đến ngày thứ 6, người chơi thực sự sợ hãi khi phải luồn dây thép quá má mình. Cậu từ chối thực hiện dù bị đe dọa. Ngày tiếp theo, quản trị viên vẫn gửi nhiệm vụ. Lần này, người chơi phải khắc dòng chữ "INSIDERPROJECT" lên tay.
Cậu nói sẽ báo cảnh sát và tưởng chừng mọi chuyện kết thúc. Nhưng quản trị viên vẫn gửi tin nhắn dọa dẫm. Khi thấy chó của mình bị giết và treo lên cây sau vườn nhà, thiếu niên thực sự lo sợ và đành thực hiện các thử thách còn lại.
Thử thách "Cá voi xanh" lan truyền qua WhatsApp. Ảnh: Millenniumpost.
Ngoài việc tự tổn thương bản thân, cậu còn phải tham gia lan truyền trò chơi tự sát này, giao lưu với các "cá voi" khác. Đến ngày thứ 39, nạn nhân nhận yêu cầu thức đến 4h20 sáng và suy nghĩ về địa điểm cũng như công cụ để kết thúc mạng sống vào ngày thứ 50.
50 ngày thực hiện "Cá voi xanh" không đơn giản chỉ là chuỗi hành động tự tổn thương bản thân. 50 ngày này còn là quãng thời gian kinh khủng nạn nhân tự vật lộn để tìm kiếm cơ hội sống.
Muốn sống nhưng không thể thoát ra
Rõ ràng, nam thiếu niên người Mỹ đã cố giãy giụa thoát ra nhưng không thể. Vào ngày thứ 40 của trào lưu "Cá voi xanh", chàng trai người Mỹ tìm đến cảnh sát nhờ giúp đỡ vì lo sợ mối nguy hiểm đến từ nhóm quản trị viên nếu cậu từ bỏ trò chơi.
Thế nhưng, cảnh sát không tin. Họ cho rằng cậu bịa chuyện. Kết quả, cậu phải chịu đựng thêm 9 ngày đau đớn và rất có thể đánh mất mạng sống nếu người nhà không kịp thời can thiệp.
Thực tế, số nạn nhân thoát khỏi thử thách chết người này không nhiều và hầu hết họ đều không thể tự thoát ra. Alexander cũng nhiều lần loay hoay tự cứu bản thân nhưng "Cá voi xanh" cùng lời đe dọa từ quản trị viên như "gông xiềng" níu chân anh lại, kéo anh dần về phía tử thần.
Đồ vật trong phòng một nạn nhân thiệt mạng vì chơi "Cá voi xanh" cho thấy em vật lộn giữa tìm cách sống sót và chuẩn bị cho cái chết của bản thân. Ảnh: CNN.
May mắn, anh trai anh phát hiện điều bất thường, lại biết thông tin về những người thiệt mạng trò chơi nguy hiểm nên báo cảnh sát. Cuối cùng, cảnh sát đến nhà, hỗ trợ gia đình phá cửa phòng, cứu Alexander khỏi trào lưu "Cá voi xanh" khi anh đang thực hiện thử thách khắc hình cá voi lên tay.
Đương nhiên, trong quá trình chơi, anh cũng nhiều lần muốn bỏ cuộc nhưng lại nhận cuộc gọi đe dọa từ người nặc danh ở Nga nên không dám. Nếu không có sự hỗ trợ của người khác, chắc hẳn anh đã là một trong số những người đánh mất cuộc đời vì trò chơi quái ác.
Trong khi đó, cậu sinh viên ở Kolkata sống sót nhờ bạn bè phát hiện hình cá voi khắc trên tay và báo cáo lại giáo viên phụ trách. Hiểu rõ mức độ nguy hiểm của trò chơi, giáo viên liên lạc với gia đình, đồng thời nhờ sự can thiệp của cảnh sát.
Sau nhiều lần điều trị tâm lý, cuối cùng, nam sinh thực sự quay trở lại với cuộc sống bình thường. Với cậu, đây thực sự là lần thoát chết nhớ đời. Thực tế, sự can thiệp này cũng cần được thực hiện khéo léo. Quản trị viên có thông tin của người chơi. Do đó, họ có thể gửi lời đe dọa nạn nhân khi dừng chơi.
Trong trường hợp trên, cảnh sát che giấu thân phận, đóng giả làm cố vấn để tiếp xúc với nam sinh. Qua các lần tiếp xúc, cảnh sát hiểu rằng cậu sinh viên muốn thoát khỏi nhưng không dám vì sợ bị trừng phạt.
Sau khi được đảm bảo cảnh sát sẽ bảo vệ mình, cậu mới dám dừng các thử thách lại, đồng thời khóa số điện thoại.
"Tôi rất cảm kích bạn bè, gia đình, thầy cô và cảnh sát. Tôi cũng muốn nhắn nhủ các người chơi khác dừng lại trước khi quá muộn. Đây thực sự là trò chơi tự sát. Bạn bị buộc phải chọn cái chết", sinh viên ở Kolkata nói.
Theo Zing