Tối 6/12, trong trận đấu giữa Việt Nam - Lào tại AFF Cup, đơn vị tiếp sóng là Next Sport đã tắt tiếng ca khúc Tiến Quân Ca để phòng tránh việc mất doanh thu vì bản quyền. Việc Quốc ca không được vang lên ở một trận đấu giao đấu quốc tế khiến khán giả bức xúc. Ngay cả giới chuyên môn âm nhạc cũng bày tỏ sự không đồng tình với việc tắt Quốc ca vì e ngại vấn đề bản quyền.

Bộ cần có quy định hướng dẫn về quyền bản ghi

Nhạc sĩ Thế Hiển, thành viên của Hội nhạc sĩ TP.HCM đưa quan điểm: "Với tư cách là một nhạc sĩ tôi nghĩ việc tắt ca khúc Quốc ca trong trận bóng giữa đội Việt Nam và nước bạn là sự xúc phạm, không chấp nhận được. Quốc ca có trước hay YouTube, các công ty sản xuất có trước? Tiến quân ca đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng Tổ quốc và nhân dân, không có nghĩa ai muốn làm gì cũng được".

Nhạc sĩ Thế Hiển cho rằng khi ca khúc được hiến tặng cho Nhà nước, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có thẩm quyền quản lý. Vì vậy, ông cho rằng cơ quan quản lý văn hóa cần có bộ quy tắc hướng dẫn, quy định về việc sử dụng Tiến Quân Ca cũng như tác phẩm của các nhạc sĩ khác để đảm bảo tác giả không bị xâm phạm quyền sở hữu.

Nhạc sĩ Thế Hiển: Tắt Quốc ca vì bản quyền là không chấp nhận được-1
Bài hát Quốc ca đã tắt trong trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Lào.

"Có quy định ở Luật Sở hữu trí tuệ hay nguyên tắc của YouTube về bản quyền nhưng làm thế nào cũng phải có tình, không gây phản cảm. Giới nhạc sĩ đều cảm thấy bức xúc khi ca khúc mình sáng tác có thể bị đánh bản quyền bởi một công ty nào đó. Trước đây, Bộ đã soạn thảo bộ quy tắc với giới nghệ sĩ khi họ xuất hiện nhiều scandal. Bây giờ, Bộ cũng nên có quy định về việc các công ty sản xuất sở hữu bản ghi", nhạc sĩ nói.

Theo nhạc sĩ Thế Hiển, việc một số đơn vị lách luật, lợi dụng khe hở của YouTube cũng như Luật Sở hữu trí tuệ để trục lợi đã tạo tiền đề xấu trong nghệ thuật và làm tổn thương người sáng tác. Ông cho hay thời gian qua, có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ lên tiếng vì bị xâm phạm quyền sở hữu thể hiện mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Ông cho biết bản thân cùng một số nhạc sĩ đã ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), làm việc với các chuyên gia để có những biện pháp phù hợp bảo vệ quyền tác giả.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho rằng Tiến Quân Ca, bài hát được sử dụng rộng rãi, phổ biến vì gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân. Các cá nhân, tổ chức được phép hát và có thể thực hiện làm bản phối, ghi âm, hình nhưng không được nhận quyền sở hữu.

"Tôi nghĩ nhạc sĩ cần phải tìm hiểu và nắm rõ luật, song song đó có thể tìm đến những đơn vị uy tín như Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) để giúp bảo vệ quyền lợi. Trung tâm hiện bổ sung nhiều kỹ thuật bảo vệ quyền tác phẩm. Nhạc sĩ nên ủy thác, ủy quyền để bảo vệ quyền lợi của mình. Mọi người cũng nên mạnh dạn lên tiếng khi bị xâm phạm bản quyền. Bài hát là tài sản, mang giá trị lâu dài, có đời sống lên tới 50 năm", anh nêu quan điểm.

Đơn vị, cá nhân có thể sử dụng bản ghi Tiến Quân Ca miễn phí

Ngay trong ngày 7/12, trên trang của Thông tin Chính phủ nêu rõ theo điều 13 Hiến phápQuốc ca là nhạc và lời của bài Tiến Quân Ca. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân đều có thể sử dụng bản ghi chính thức trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Đây là bản ghi Quốc ca chuẩn mà các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng miễn phí.

Trong khi đó lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có buổi làm việc với cơ quan ban ngành sau sự việc tắt tiếng Tiến Quân Ca trên YouTube trong trận Việt Nam - Lào vào tối 6/12. Theo lãnh đạo Bộ, pháp luật Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

Bộ Văn hóa yêu cầu tất cả cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Theo Zing