“Chiến thần review”, “thánh ăn đâu chê đó”, “reviewer xéo xắt” là biệt danh được đặt cho một số TikToker đang vướng vào tranh cãi với chủ hàng quán ăn trên mạng xã hội.

Sau các clip lời qua tiếng lại, một số nhà hàng thậm chí cấm cửa những nhân vật này.

Sự việc cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu các TikToker có đang ảo tưởng sức mạnh khi tự cho mình là chuẩn mực, cố tình đánh giá tiêu cực để gây náo loạn thay vì luôn nhận xét công tâm?

Trên thế giới, TikToker mảng review cũng là nỗi đau đầu của nhiều chủ hàng quán ăn.

Nhiều TikToker đang ảo tưởng sức mạnh quyền lực mạng-1
Blogger ẩm thực đến từ Mỹ quay clip review đồ ăn tại nhà hàng cho người theo dõi TikTok của mình. Đây là công việc ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh: Natachi Onwuamaegbu/The Washington Post.

Quấy rầy, đòi ăn miễn phí

Lần đầu ghé nhà hàng chuyên về phô mai tại thành phố New York (Mỹ), cây viết Ryan Sutton của Eater New York đi cùng Steph - TikToker review đồ ăn.

Khi phục vụ mang món khai vị ra, Steph lập tức bật thiết bị chiếu sáng và liên tục di chuyển điện thoại quanh đĩa thức ăn. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian. Cô còn dẫn theo bạn, là sinh viên kỹ thuật, với nhiệm vụ chiếu đèn.

Vài phút sau, quản lý tiến đến và yêu cầu Steph giảm ánh sáng để tránh làm phiền khách hàng khác. Cảm thấy ái ngại, Sutton lui vào quầy đồ uống.

“Chúng tôi không thấy xấu hổ đâu”, Steph nhún vai nói.

Chờ quay xong xuôi, cả nhóm mới bắt đầu thưởng thức đồ ăn. Sau một lần ghé thăm nhà hàng nữa, Sutton mới hoàn thành bài đánh giá 1.000 từ.

Trong khi đó, Steph đã kịp tung clip 30 giây trên TikTok để kết luận địa điểm này có đáng lui đến hay không. Cô thu hút hơn 5 triệu lượt xem nhờ những nhận xét nhanh chóng như vậy.

Đó là sự chuyển đổi trong lĩnh vực food review hiện nay, khi các bài đánh giá kiểu cũ dần nhường chỗ cho video dạng ngắn trên TikTok. Điều này khiến một thế hệ nhà sáng tạo nội dung mới nổi lên, nắm trong tay quyền lực điều hướng sự lựa chọn địa điểm ăn uống của người xem.

Nhiều TikToker đang ảo tưởng sức mạnh quyền lực mạng-2
Steph, food reviewer trên TikTok, dành nhiều thời gian quay video trước khi thưởng thức đồ ăn, Ảnh: Alex Staniloff/Eater New York.

Tất nhiên, các clip không phải luôn tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả.

Như trường hợp của Steph, cô thường thẳng thắn chê hơn là tấm tắc khen các nhà hàng được nhiều reviewer lui tới. Bởi lẽ, không ít được trả tiền để nói lời tâng bốc.

Vì tự trả tiền cho 70% bữa ăn của mình, Steph gần như không bao giờ đến một nhà hàng lần thứ 2 hoặc quay lại để xem sự thay đổi của địa điểm nào sau khi bị đánh giá tiêu cực.

Theo The Take Out, sức ảnh hưởng của TikToker đối với hàng quán ăn là khá lớn. Kết quả khảo sát do công ty MGH Advertising công bố vào năm ngoái cho thấy 36% người dùng TikTok ghé đến hoặc đặt món ăn từ một nhà hàng sau khi xem video trên nền tảng.

Các thương hiệu lớn cũng chuyển sang TikTok để khởi động chiến dịch quảng bá và bắt kịp xu hướng. Tuy nhiên, đó cũng là mặt trái đối với một số doanh nghiệp.

Gần đây, The New York Post đưa tin nhiều nhà hàng ở thành phố New York tràn ngập yêu cầu dùng bữa miễn phí từ người có ảnh hưởng trên TikTok.

Không ít chủ nhà hàng, đầu bếp, nhân viên phục vụ phát ngán với những cá nhân tự nhận là food reviewer với thái độ hách dịch. Một số thậm chí còn mua lượt theo dõi trên mạng xã hội để đi lừa đảo.

Stratis Morfogen, chủ 2 nhà hàng ở quận Brooklyn, cho biết trong số khoảng 200 yêu cầu anh nhận được từ food reviewer mỗi năm, 1/3 là lừa đảo.

Nhiều TikToker đang ảo tưởng sức mạnh quyền lực mạng-3
Một số nhà hàng ở Mỹ đông khách hơn nhờ food reviewer tới trải nghiệm nhưng điều này cũng kéo theo rắc rối. Ảnh: Getty.

“Ngành nghề này đã bão hòa hơn rất nhiều so với thời điểm tôi bắt đầu mở kênh review từ năm 2014. Khi đó, những người đánh giá về ẩm thực thật sự làm việc trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và có hiểu biết nhất định.

Tôi nghĩ bây giờ nhiều người lập tài khoản chỉ để trục lợi từ sự phụ thuộc ngày càng lớn của hàng quán ăn vào reviewer”, Alexa Matthews, người chuyên đánh giá về các nhà hàng, nói.

Sabino Curcio, chủ nhà hàng ở quận Brooklyn, đồng tình hiện nay, bất kỳ ai không biết gì về ẩm thực cũng có thể lập tài khoản và luyên thuyên đủ thứ về chủ đề này. Anh thẳng thừng cấm cửa các “idol mạng” tới chỉ nhăm nhe đòi đồ ăn miễn phí.

Theo In The Know, trong bối cảnh các nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, nhiều chủ hàng quán ăn ở Vương quốc Anh cũng từ chối đòi hỏi ăn miễn phí hoặc mức giá “cắt cổ” để review từ KOL.

“Khách hàng luôn đúng” là dĩ vãng

Theo The Washington Post, mối quan hệ giữa TikToker ẩm thực và nhà hàng luôn phức tạp. Nhưng ở hầu hết trường hợp, đó là thỏa thuận kinh doanh. Trong khi reviewer nhận được đồ ăn miễn phí và tạo nội dung cho kênh của mình, nhà hàng có thể tiếp cận với nhóm khách là người trẻ dùng TikTok.

Tuy nhiên, Zackory Kirk, nhà giáo dục và food reviewer ở Atlanta (Mỹ), hy vọng một số tài khoản review nổi tiếng trên TikTok trung thực hơn, theo Narcity.

Zack giải thích việc lướt ứng dụng để tìm đề xuất mới khiến anh thất vọng.

“Tôi sững sờ khi thấy hầu hết clip review đều giả tạo. Họ xu nịnh, khen tấm tắc các nhà hàng trong khi thực tế đồ ăn ở đó không hề ngon như vậy”, anh châm biếm.

Zack cho rằng người xem xứng đáng với nội dung trung thực, đáng tin cậy và không bị chi phối bởi đồng tiền.

“Tôi hiểu đó là nghề nghiệp và reviewer phải kiếm tiền. Tuy nhiên, đi ăn nhà hàng vẫn còn là điều xa xỉ với nhiều gia đình, có khi mỗi tháng chỉ có một lần. Họ lên TikTok để tìm gợi ý nhưng lại bị lừa dối trắng trợn”, anh nói.

Nhiều TikToker đang ảo tưởng sức mạnh quyền lực mạng-4
Chính các food reviewer cũng kêu gọi một số “đồng nghiệp” của mình đưa ra đánh giá trung thực hơn. Ảnh: Getty.

Thực tế, clip chưa tới một phút trên TikTok có thể giúp một nhà hàng hay quán ăn vô danh trở nên đông khách nhưng cũng khiến địa điểm nào đó điêu đứng vì nhận “bão 1 sao”.

Theo Mashed, điều này có thể phá hủy các cơ sở kinh doanh ăn uống. Wowapps cho biết một đánh giá tiêu cực có thể làm giảm 30 thực khách, trong khi 3 đánh giá xấu có thể khiến 59% khách hàng tiềm năng không dùng bữa tại đó nữa.

Mọi người để lại đánh giá tiêu cực vì nhiều lý do: trải nghiệm dịch vụ không tốt, đồ ăn không hợp khẩu vị hoặc có thứ gì đó không mong muốn xuất hiện trong thức ăn. Dù đó là gì, việc danh tiếng của nhà hàng bị tổn hại là chắc chắn xảy ra.

Nhiều nhà hàng cho biết sau hơn 2 năm khó khăn vì đại dịch, họ hy vọng có thể nhận góp ý trực tiếp và thiện chí thay vì clip bêu xấu trên mạng xã hội. Lúc này, câu “khách hàng luôn đúng” chỉ là dĩ vãng.

Theo Zing