Nhìn lại chuẩn mực tác nghiệp sau vụ CSGT 'tung chân'

Người điều khiển phương tiện phạm lỗi, nhưng đó là một lỗi hành chính, chưa đủ để đối diện với một sự trừng phạt của luật pháp ở mức độ nguy hiểm tới tính mạng.

Ông Phạm Trung Tuyến (Phó giám đốc kênh VOV Giao thông Quốc gia) chia sẻ quan điểm với Zing.vn quanh vụ việc cảnh sát giao thông "tung chân" chặn bắt khiến người đi xe máy lao vào dải phân cách gây xôn xao cộng đồng mạng.

Ông Phạm Trung Tuyến.

Lại thêm một vụ cảnh sát giao thông quá đà khi ngăn chặn người vi phạm luật giao thông. Và như thường lệ, công chúng lại tranh luận về chuyện cảnh sát giao thông nên làm thế hay không. Nhưng, bản chất của vấn đề là chuẩn mực của hành vi, chứ không phải là nên hay không.

Hành vi đi xe máy ngược chiều của hai nạn nhân trong vụ việc ở Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) đương nhiên là nguy hiểm, và cần được ngăn chặn. Nhiệm vụ của cảnh sát giao thông là phải ngăn chặn những hành vi vi phạm luật giao thông, đảm bảo sự tôn nghiêm của luật pháp, và sự an toàn của người tham gia giao thông.

Xem những hình ảnh ghi nhận sự việc xảy ra ở Xã Đàn, không khó để khẳng định người cảnh sát giao thông đã có hành vi không chuẩn mực.

Cú “tung chân” của người cảnh sát, xét về mặt thẩm mỹ rõ ràng là không đẹp, và trong bộ quần áo cảnh sát, đại diện cho quyền lực luật pháp trên đường phố, cú “giơ chân” đó làm mất đi hình ảnh tôn nghiêm, đĩnh đạc cần phải có ở một người đại điện luật pháp.

Xét về khía cạnh đảm bảo sự an toàn của người tham gia giao thông, cú “tung chân” đó thực tế đã gây nguy hiểm cho hai người ngồi xe máy. Rất may không có hậu quả nghiêm trọng, song họ đã ngã trong một tình huống có khả năng nguy hiểm tính mạng. Người điều khiển phương tiện phạm lỗi, nhưng đó là một lỗi hành chính, chưa đủ để đối diện với một sự trừng phạt của luật pháp ở mức độ nguy hiểm tới tính mạng.

Cảnh sát tung chân ngăn chặn, người đi xe máy lao vào dải phân cách: Sau khi nam CSGT tung chân, chiếc xe máy cùng hai người vi phạm ngã nhào vào dải phân cách.

Người ngồi sau, về nguyên tắc chỉ là một nạn nhân thuần túy. Vì thế, hành động của viên cảnh sát ít nhất đã gây nguy hiểm trực tiếp cho hai người tham gia giao thông. Ngoài ra, nếu trong một diễn biến xấu hơn, sự việc hoàn toàn có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người cùng tham gia giao thông tại thời điểm và vị trí đó.

Cảnh sát giao thông có quyền được sử dụng những biện pháp ngăn chặn đối với những hành vi vi phạm. Song, đó phải là biện pháp đúng với chuẩn mực tác nghiệp, đảm bảo hai yếu tố quan trọng nhất là duy trì luật pháp và đảm bảo an toàn giao thông. Hành vi “tung chân” kể trên đã không đảm bảo hai yếu tố quan trọng đó, dĩ nhiên, không thể được coi là một hành vi tác nghiệp chuẩn mực.

Câu chuyện không cần, và không nên được tiếp tục tranh luận. Điều cần phải nói sau sự việc này là cần thiết phải ban hành và công khai các chuẩn mực tác nghiệp cụ thể của cảnh sát giao thông để người dân có thể giám sát, cũng như chấp hành với ý thức tôn trọng.

Khi những chuẩn mực tác nghiệp được thể chế hóa, có sự tham gia xây dựng của tất cả những ai chịu tác động, dẫu cho vẫn có thể xảy ra những điều đáng tiếc, song ít nhất thì sự tôn nghiêm của luật pháp cũng dễ dàng được bảo vệ.

 Theo Zing.vn


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao