Bảy người lao động tại Ấn Độ chọn lựa tự cách ly trên cây vì lo ngại bản thân mang theo mầm bệnh và khiến người nhà lây nhiễm virus, theo New Indian Express.
Nhóm những người đàn ông trong độ tuổi 22- 24 này làm việc xa nhà tại tỉnh Chennai. Khi chính phủ Ấn Độ thiết lập lệnh phong tỏa toàn dân, họ quay trở về nhà ở làng Bangidiha, thị trấn Balarampur, phía tây tỉnh Bengal vào ngày 21/3.
Dù đã qua nhiều bước kiểm tra y tế trước khi về làng, nhóm người này vẫn được các bác sĩ yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Tuy nhiên, ngôi nhà truyền thống tại làng thuộc dạng nhà một gian, khiến họ không có phòng riêng để tự cách ly.
Sợ có khả năng mang mầm bệnh và lây nhiễm virus cho dân làng, nhóm 7 người lao động xa nhà quyết định tự cách ly trên cây. Ảnh: Indian Express.
“Không thể tránh tiếp xúc với những thành viên khác trong gia đình, chúng tôi chọn ra ngoài ở tạm trên thân cây đa và cây xoài ở ngoài ngôi làng”, người đàn ông tên Bijay Singh Laya nói.
Từ khi trở về, cả 7 người đều chưa đặt chân vào làng để đảm bảo an toàn cho người dân.
"Hiện tại, chúng tôi không có triệu chứng nhiễm bệnh nào. Nhưng trong trường hợp xét nghiệm dương tính với virus corona sau đó, ít nhất chúng tôi không lây nhiễm bệnh sang bất cứ dân làng nào”, Laya cho biết.
Sợ bị voi tấn công, 7 người chọn không nằm dưới gốc cây. Họ buộc võng vào các cành cây và dùng lưới chống muỗi để tránh bị cắn.
Hàng ngày, người thân mang đến đặt dưới gốc cây một số thực phẩm cần thiết, cùng các dụng cụ nấu ăn khác. Chờ người nhà ra về, những người này lại trèo xuống lấy đồ tiếp tế.
Nhóm những người đàn ông tự mắc võng trên cây, trèo xuống đất nấu ăn nhờ thực phẩm người thân tiếp tế mỗi ngày. Ảnh: India Times.
“Chúng tôi tự nấu nướng, ăn xong lại trèo lên cây”, Ranjit Singh Sardar, một người công nhân khác, cho hay.
“Chúng tôi thậm chí không cho người thân rửa những món đồ đã dùng. Chúng tôi tự rửa bằng xà phòng và để lại dưới mặt đất trước khi quay về chỗ nằm”, Sardar nói.
Ban đêm, dân làng chia ca gác với cung tên chuẩn bị sẵn để đảm bảo những người đàn ông không bị động vật hoang dã tấn công hay rắn độc cắn.
Tuy nhiên, sau vài ngày ở trên cây, nhóm người này bị chính quyền yêu cầu quay trở về làng.
Dhrubapada Shandilya, lãnh đạo thị trấn Balarampur, dành lời khen tặng cho nhóm bảy người lao động.
“Không có lời khen nào là đủ cho những người này. Chúng tôi đang tìm cách giúp đỡ họ tự cách ly mà vẫn đảm bảo an toàn”, ông cho biết.
Theo Zing