Nhiều câu hỏi được đặt ra, phổ biến nhất chính là: liệu những người tạo nên ca khúc và MV (gồm nhà sản xuất, đạo diễn, nhạc sĩ, ca sĩ, nhân viên hỗ trợ) có ý thức được sự tranh cãi của Như cái lò gây ra hay không? Câu trả lời là có, như tuyên bố của nhạc sĩ Khắc Hưng và thái độ dửng dưng của ca sĩ Sambi. 

Theo lẽ thường tình, bất cứ ai cũng có quyền tự hào về sản phẩm do mình làm ra. Chỉ khi nào nó gặp vấn đề nghiêm trọng như bị phát hiện đạo nhái hay thất bại nặng nề, khán giả mới được chứng kiến sự ăn năn, hối lỗi của họ trước truyền thông.


MV "Như cái lò"

Trong thời đại mạng xã hội, nhạc viral hay còn gọi là nhạc lan truyền, ngày càng dễ lan truyền hơn đúng với tính chất của nó. Một ca khúc chưa chắc hay nhưng nếu có tựa đề, lời bài hát, MV gây chú ý... cũng được xem là thành công thông qua hiệu ứng mạng xã hội và số lượt xem.

Như cái lò được thực hiện theo tiêu chí đó. Ca khúc với nội dung phản ánh tình trạng thời tiết quá nóng (vốn không có gì mới mẻ) tại một đất nước có khí hậu nhiệt đới. Còn về phần video, Như cái lò mang hơi hướm Âu Mỹ, với phần hình ảnh nóng bỏng, những điệu nhảy tiệc tùng đặc trưng.

Như cái lò: Thất bại ngay từ tên ca khúc-1
Huyền Sambi lột xác hoàn toàn. Ảnh: YouTube.

Mất nhiều hơn được

Sau bước đầu tiên - xây dựng nội dung, bước tiếp theo chính là chờ đợi phản ứng của dư luận. Đáng tiếc, Như cái lò đã không thể thuyết phục người xem công nhận đây là một sản phẩm đáng để thưởng thức. Tựa đề ca khúc được đặt theo cách "muốn hiểu sao thì hiểu", giữa nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, dung tục hay lành mạnh. 

Nếu có ai nghĩ bậy thì chắc hẳn lỗi thuộc về người đó, bởi có gì sai khi so sánh thời tiết nóng như cái lò? Tuy nhiên, chính suy nghĩ này đã khiến sản phẩm của Khắc Hưng và Sambi gặp thất bại trong việc gây cảm tình với người xem. 

Trên YouTube, sự thành công của một MV ngoài lượt xem còn được tính bằng lượt thích ngay bên dưới. Hiện tại, Như cái lò thu về 18.000 dislike, gần gấp đôi số like và vẫn không ngừng tăng.

Nhưng vì là một sản phẩm quảng cáo, MV ngày nay còn đại diện cho hình ảnh của một nghệ sĩ. Nhiều nhãn hàng thường tài trợ cho MV với tiêu chí làm bật lên thông điệp tích cực của sản phẩm. Hình thức hợp tác đôi bên cùng có lợi này giúp nghệ sĩ dần tự tin hơn khi đầu tư cho MV.  

Thế là đôi khi, sự tự tin ấy lại vượt khỏi khuôn khổ một sản phẩm chiến lược, trở thành cái gai trong mắt công chúng. Như cái lò chỉ lặp đi lặp lại một cách khó chịu những ca từ nhàm chán, hình ảnh ca sĩ và các vũ công quằn quại trong bộ trang phục ướt đẫm để minh hoạ cho việc "Nóng quá!".

Như cái lò: Thất bại ngay từ tên ca khúc-2
"Như cái lò" có MV giống "Bass Down Low". Ảnh: YouTube.

Thiếu sáng tạo, phản cảm

Tạm bỏ qua yếu tố gây sốc, Như cái lò vẫn là một ca khúc thiếu sáng tạo về mọi mặt. Lời bài hát khiến người nghe liên tưởng đến nhiều sản phẩm tương tự, được ra mắt cách đây 3-4 năm như Nóng (Big Daddy ft. Hạnh Sino), Oh my chuối (Sĩ Thanh)...

Đó là chưa kể về phần giai điệu và video, ca khúc còn dính nghi án đạo nhái Bass Down Low của Dev. Như cái lò thuộc thể loại electro, một xu hướng rất cũ từng là trào lưu giai đoạn năm 2008 - 2012. Bên dưới phần bình luận, thật khó để tìm ra những ý kiến ủng hộ MV. "Đáng thất vọng và nhạt nhoà như viên nước đá tan ra vì trời nóng" - trích ý kiến từ một khán giả.

Ngoài ra, việc chơi chữ ở tựa đề, đi kèm nội dung MV có nhiều cảnh nóng mà không có lời cảnh báo hay giới hạn độ tuổi cũng khiến Như cái lò gặp nhiều chỉ trích vì sự thiếu trách nhiệm của e-kíp sản xuất.

Ranh giới giữa phản cảm và quyến rũ thường khá mong manh, không phải cứ né tránh, muốn khán giả "hiểu thế nào cũng được" là sẽ thành công.

Phản tác dụng khi viral sai cách

Có hai loại hit: ca khúc mang lại cảm giác hứng khởi, phấn khích khi nghe và ca khúc vừa vang lên đã... thấy ghét. Và Như cái lò, được ví như bước thụt lùi của Khắc Hưng.

Nhiều người xem nhận xét, họ đã bị lừa khi sau khi xem xong vì nghĩ rằng đó là mảnh ghép còn lại của Ghen. Hai giọng ca trẻ từng được quảng bá rầm rộ là Min và Erik chỉ xuất hiện nhạt nhoà với mục đích câu kéo những khán giả tò mò.

Đây là một chiến lược thông minh, nhưng đáng tiếc lại không được thực hiện đến nơi đến chốn mà chỉ dừng lại ở công đoạn gây chú ý rồi thôi. Khán giả từ háo hức, mong chờ chuyển sang thất vọng và dồn mọi chỉ trích lên sản phẩm mới nhất. 

Viral là con dao hai lưỡi, hoặc là truyền tin tốt đi xa hoặc là càng nhân rộng những thông tin tiêu cực. Như cái lò đáng tiếc rơi vào trường hợp thứ hai, chỉ là một công cụ gây tranh cãi, bàn luận hơn là một sản phẩm giải trí (chứ chưa bàn đến tính nghệ thuật). 

Theo Zing