Trong thị trường âm nhạc hiện giờ, những sản phẩm chất lượng nhưng không được đầu tư quảng bá chưa chắc đã được khán giả chú ý. Bởi thế, chưa bàn đến nội dung, các ê-kíp khi chuẩn bị phát hành sản phẩm mới đều hết sức chú trọng vấn đề PR. Như cái lò đang gây chú ý là ví dụ điển hình trong số những ca khúc "hưởng lợi" từ việc quảng bá.
Ngoài việc là sản phẩm của Khắc Hưng, Như cái lò từ những ngày đầu được tung hình ảnh, video teaser đã luôn gắn liền với bản hit Ghen và 2 giọng ca Erik, Min. Nhờ đó, lượng khán giả chú ý tới ca khúc này ngày càng tăng.
Tuy nhiên, khi ra mắt, ca khúc gây thất vọng vì trong khi âm nhạc thiếu đột phá thì ca từ, tiêu đề, hình ảnh lại quá vô nghĩa, phản cảm. Thực tế, qua cách nhạc sĩ sinh năm 1992 hay các thành viên khác trong ê-kíp tuyên bố trên mạng xã hội, có thể thấy việc sáng tác ca khúc theo hướng đó cũng nằm trong kế sách quảng bá của ê-kíp này.
Bước đầu, chiến lược này giúp ê-kíp thành công trong việc thu hút đám đông. Nhưng đáng tiếc, đây cuối cùng lại là một bước đi phản tác dụng, ca khúc thậm chí còn khiến tác giả mất điểm và bị đánh giá là bước lùi đáng quên trong sự nghiệp sáng tác của anh.
Hòa mình giữa 'dòng chảy' thị trường
Như cái lò như giọt nước làm tràn ly, khiến cuộc tranh cãi về vấn đề "nhạc rác" bùng nổ. Thực tế, hầu hết năm nào, Vpop cũng có những ca khúc bị chỉ trích dữ dội vì lý do ca từ nhảm nhí, phản cảm.
Thế nhưng, dường như, những bài học đó chưa đủ sức nặng. Thậm chí, với mong muốn nổi tiếng một cách nhanh chóng trong thời điểm "vàng thau lẫn lộn", nhiều người trong nghề sẵn sàng "đánh đổi" mình.
Tác giả Sau tất cả trước khi nhận giải Cống hiến luôn được đánh giá cao khi dung hòa giữa yếu tố hàn lâm và thị trường. Tuy nhiên, với những sản phẩm gần đây, ca từ anh viết bắt đầu hòa mình vào số đông.
Đỉnh điểm gây thất vọng là Như cái lò. Với ca khúc này, ranh giới giữa một Khắc Hưng dung hòa được các yếu tố với một Khắc Hưng đại trà, "chạy theo" khán giả chính thức bị phá bỏ.
Nhạc sĩ sinh năm 1992 gây tranh cãi với sáng tác mới.
Trong khi đó, về phía Huyền Sambi, khi chia sẻ lý do từ một nhạc sĩ tiềm năng, nhận 11 giải Bài hát Việt lại chạy theo dòng nhạc thị trường, cô thẳng thắn thừa nhận: "Những ca khúc mang tính hàn lâm giúp tôi nhận nhiều giải thưởng nhưng không đem lại khán giả. Thực chất, để tăng lượng khán giả biết đến và nghe nhạc của mình thì cần thị trường hóa hơn".
Trước đó, Ô mai chuối (Sĩ Thanh), Nói dối (Phương My), Phiếu bé ngoan (Yanbi ft Mr. T), Mượn xe nhớ đổ xăng (Yuki Huy Nam), Da nâu (Phi Thanh Vân), Đừng yêu em (Lê Kiều Như) hay Tự sướng (Mai Khôi)… đã lần lượt ra mắt với nội dung nhảm nhí, thậm chí dung tục và khiến làng nhạc Việt được dịp xôn xao.
Phản hứng của người trong cuộc trước những tranh cãi
Thời điểm ca khúc Không quan tâm do Minh Như thể hiện trong chương trình X-Factor gây tranh cãi, Tùng Dương từng phát biểu: "Chức năng của văn học nghệ thuật là nâng cao nhận thức, giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ". Anh cho rằng ngôn từ của bài hát suồng sã, dễ dãi, không giúp ích gì, thậm chí có thể gây nguy hại cho khán giả trẻ.
Quan điểm của Tùng Dương nhận được nhiều bình luận ủng hộ, nhưng cũng không ít nhạc sĩ cho rằng anh quá khắt khe. Theo họ, xu hướng hiện giờ là thiên về giải trí nhiều hơn.
Có lẽ cũng bởi thế, những ca khúc nhảm nhí vẫn ra mắt đều đặn bất chấp tranh cãi. Và thậm chí, khi vấp phải chỉ trích, người trong cuộc cũng một mực bảo vệ "đứa con tinh thần".
Trở lại trường hợp Huyền Sambi, cô khẳng định sản phẩm của mình không hề dung tục. Ca khúc chỉ xoay quanh chủ đề thời tiết và tranh cãi nổ ra là do khán giả bị ám ảnh, suy nghĩ quá đà.
Tương tự trường hợp Khắc Hưng, "Nắng cực" cũng bị đánh giá là bước lùi của Phạm Toàn Thắng sau khi anh có nhiều sản phẩm được đánh giá cao.
Phạm Toàn Thắng cũng có những phản hồi tương tự khi ca khúc Nắng cực gây tranh cãi vào năm 2016. Bài hát này giống Như cái lò khi có tiêu đề nhạy cảm, dễ khiến người nghe liên tưởng tới từ ngữ được giới trẻ dùng nhiều trên mạng xã hội. Chưa kể, cả 2 đều có tiếng thở hổn hển bị đánh giá là dễ gây hiểu lầm.
Lên tiếng về tranh cãi xoay quanh ca khúc, anh chia sẻ: "Tôi nghĩ mọi người đang băn khoăn về tựa đề bài hát nhiều hơn bản thân tác phẩm. Mọi người có thể nghĩ nó là từ không trong sáng nhưng đó không phải là ý niệm của tôi khi sáng tác. Mọi người có thể bỏ qua không nghe nó nếu thấy tựa đề không phù hợp".
Riêng Sĩ Thanh, khi ca khúc Oh My Chuối bị chỉ trích, cô thậm chí còn tỏ ra thách thức. Cô cho biết đây chỉ là sản phẩm dành tặng fan, bởi vậy cô không quan tâm đến những lời khen chê.
Tuy nhiên, khi các sản phẩm được phát hành trên các phương tiện xã hội, đối tượng tiếp cận đã không chỉ còn là người hâm mộ. Hơn nữa, càng là quà tặng thì càng cần sự đầu tư và dồn nhiều tâm huyết.
Tuy nhiên, qua bài hát với ca từ, hình ảnh phản cảm, Sĩ Thanh chưa có thấy tình cảm mà fan đáng ra được nhận. Điều đó khiến nhiều người thực sự khó hiểu về ý nghĩa của 2 chữ "quà tặng".
Chiêu trò bị phản tác dụng
Thị trường âm nhạc Hàn Quốc luôn có những "bản án" rất nghiêm khắc với trường hợp ca khúc có ca từ phản cảm. Thậm chí, các ca khúc chỉ cần nhắc đến tên thương hiệu, chất kích thích hay có từ ngữ dễ khiến giới trẻ liên tưởng tới hành động tế nhị thì lập tức bị các đài truyền hình lẫn Ủy ban truyền thông Hàn Quốc "tuýt còi".
Ở Việt Nam, các quy định về âm nhạc chưa kịp thời và chặt chẽ đến thế. Thay vào đó, khán giả - những người trực tiếp đón nhận sản phẩm âm nhạc và bằng những tiêu chí, thẩm mỹ của mình là người quyết định số phận của mỗi ca khúc. Và may mắn, thời gian qua, khán giả Việt cho thấy họ đủ khắt khe để những bài hát có ca từ phản cảm không thể tồn tại dễ dàng.
Sau thảm họa Oh My Chuối, không nhiều người còn nhớ tới Sĩ Thanh như một ca sĩ.
Đương nhiên, tương tự Như cái lò, Oh My Chuối, Nắng cực, Nói dối… khi mới phát hành thì bằng sự "mới lạ" đã kích thích tâm lý tò mò của người nghe, nhờ đó nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhưng, rõ ràng, tuổi thọ của những ca khúc đó không dài.
Riêng trường hợp Khắc Hưng, sáng tác mới nhất không những không thể duy trì thành tích như những bài hát trước do anh sáng tác, mà còn khiến hình ảnh và cả giải thưởng Cống hiến anh nhận cách đây không lâu bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trong khi đó, Phi Thanh Vân, Sĩ Thanh sau những ca khúc thảm họa đã phải duy trì danh tiếng bằng câu chuyện đời tư, bởi không có sản phẩm âm nhạc thực sự chất lượng thì khán giả cũng nhanh chóng lãng quên họ.
Như nhạc sĩ Lê Minh Sơn từng nhận định, nhiều ca khúc hiện nay nổi lên trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng chìm xuống. Bởi thế, theo nhạc sĩ "Viết nhạc cũng như cuộc sống của mình, phải chăm chút, không được bông phèng, phải có tư duy nhất định. Ca từ rất quan trọng, đặc biệt với người Việt Nam vì ca từ thể hiện văn hóa".
Theo Zing