BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3, cho biết trong y học cổ truyền, sầu riêng được đánh giá là loại quả nhiều tác dụng chữa bệnh. Sầu riêng có vị đắng, tính ấm, công dụng tiêu thực, liễm hãn, ôn phế chỉ khái.

Nếu sao đen, sầu riêng có thể dùng để cầm máu. Tuy nhiên, những người có thể chất nóng và thể chất âm yếu nên thận trọng khi sử dụng loại quả này.

Theo bác sĩ Vũ, vỏ sầu riêng, tính ấm, vị cay nồng, ngọt ngào; tác dụng thanh nhiệt, thanh hỏa, dưỡng âm, dưỡng ẩm cho da khô, và bôi ngoài da để chữa ngứa. Lõi sầu riêng giúp bổ thận, bổ tỳ.

Rễ sầu riêng để chữa bệnh kiết lỵ kịch phát. Nhựa và lá cây sầu riêng: Giải độc, tiêu đờm, chữa bệnh vàng da. Bột khô của lá và vỏ cây có thể bôi vào vết thương để cầm máu, là phương pháp cầm máu sơ cứu hiệu quả.

Những bài thuốc trị bệnh từ sầu riêng bạn nên biết-1

Các bài thuốc từ sầu riêng

Bổ thận tráng dương: Dùng 200g sầu riêng sắp chín, xào với bầu dục lợn thái nhỏ ướp gia vị. Ăn nóng, mỗi ngày một lần, liên tục trong 5 ngày.

Chữa di tinh, liệt dương: Sầu riêng 50g, đường 20g (hoặc mật ong) đánh nhừ, thêm 100ml nước sôi để nguội, uống ngày 2 lần trong 10 ngày.

Thay hoàng kỳ: Vỏ sầu riêng được lương y ở Tịnh độ cư sĩ thành phố Cần Thơ dùng thay hoàng kỳ trong các bài thuốc nam trợ dương.

Bổ thận cứng gân cốt, kích thích tiêu hóa: Vỏ sầu riêng 15g, đậu đen sao 10g, tang ký sinh 12g, hà thủ ô chế 15g, đỗ trọng 15g, cốt toái bổ 15g, vỏ quýt 8g. Sắc uống.

Trị tiêu chảy: Vỏ sầu riêng 20g, vỏ măng cụt 20g. Sắc với 3 bát nước lấy 1 bát, chia làm 2 lần uống.

Sốt rét, đau gan vàng da: Rễ và lá sầu riêng 12g, cam thảo dây 12g, chi tử 12g sắc với 3 bát nước, lấy 1 bát uống làm 2 lần, dùng trong 5 ngày.

Cảm sốt, viêm gan vàng da: Lá và rễ sầu riêng 30-40g, lá và rễ cây đa 20-30g sắc uống. Có thể chỉ dùng lá và rễ sầu riêng sắc uống trong ngày. Lá nấu nước cho bệnh nhân viêm gan vàng da tắm rửa.

Các bệnh về gan: Rễ và lá sầu riêng 10-16g sắc với 600ml nước, còn 200ml chia 2 lần uống trong ngày.

Kinh nguyệt kéo dài: Vỏ sầu riêng sao 12g, rau má 12g, cỏ mực tươi 12g, ngải cứu 8g, trắc bá diệp sao 8g, cam thảo nướng 4g, củ sả 4g, hoa sen 3 cái. Sắc 3 lấy 1 rồi hòa với 4g lọ chảo gang để uống.

Bổ thận tráng dương: Hạt sầu riêng ninh hầm với các bộ phận của dê như thịt, bầu dục.

Lưu ý khí ăn sầu riêng

Bác sĩ Vũ chia sẻ, sầu riêng tuy tốt nhưng giống như bất kỳ loại thực phẩm nào khác trên thế giới, việc ăn quá nhiều sầu riêng sẽ có tác dụng phụ. Sầu riêng chứa nhiều chất xơ có thể gây tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi.

Một số người có thể bị dị ứng với sầu riêng, dẫn đến nổi mề đay, nôn mửa hoặc sổ mũi. Sầu riêng tính nóng, ăn quá nhiều có thể gây khô và khàn cổ họng. Đặc biệt sầu riêng giàu calo, ăn nhiều có thể tăng cân.

Một kg sầu riêng chứa khoảng 1350 calo. Nên ăn khoảng 2 đến 3 hạt mỗi ngày để kiểm soát lượng calo, tối đa 2 múi mỗi ngày và mỗi tuần chỉ ăn 1 đến 2 lần.

Vị bác sĩ lưu ý, việc sử dụng sầu riêng đúng cách và điều độ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý các tác dụng phụ và điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý để tránh những hậu quả không mong muốn. Trước khi sử dụng các bài thuốc từ sầu riêng, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều trị hiệu quả.

Theo VTC