Những điều chưa kể về cha con 'người rừng' ở Quảng Ngãi

Lấy lá chuối làm khố, còn quần áo mang theo gói giữ cẩn thận suốt 40 năm; trừ muối ăn, cha con “người rừng” không bao giờ dùng đến các đồ vật người thân mang cho.

Giải mã nguyên nhân bỏ làng

Mấy ngày qua, câu chuyện về cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi, quê xã Trà Khê, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi) sống trong thâm sâu cùng cốc 40 năm được giải cứu trở thành đề tài bàn tán khắp nơi.

Nhiều người dân Tây Trà khẳng định nếu ông Thanh không bị ốm nặng nằm thoi thóp, thì chắc chắn sẽ không ai có thể đưa được 2 cha con "người rừng" về lại làng. Sự kiên quyết cắt đứt với cộng đồng của cha con ông Thanh khiến dư luận không khỏi thắc mắc.



Những dụng cụ cha con "người rừng" tự chế để sản xuất và sinh hoạt.


Theo lời giải thích của một số cán bộ ở xã Trà Phong, nguyên do chính là ông Thanh bị tâm thần nên ôm con trốn vào rừng sâu suốt 4 thập kỷ. Tuy nhiêu lời giải thích này khó thuyết phục. Bởi lẽ nếu là người tâm thần thì với những thứ mang theo quá ít ỏi (gồm ít thóc giống, 1 con heo nái, 1 cây xà gạc...) liệu ông Thanh có sống được chừng đó năm trong rừng sâu? Đó là chưa nói đến chuyện ông Thanh nuôi đứa con 1 tuổi (anh Hồ Văn Lang) trưởng thành, khỏe mạnh như bây giờ.

Ông Hồ Văn Tâm, cháu ruột của ông Thanh, khẳng định: "Lần nào tôi vào thăm cũng thấy trong nhà của 2 cha con bác Thanh đầy ắp thóc".

Ngoài ra chỉ bằng một vài thanh sắt, nhôm nhặt được, ông Thanh còn tự chế ra vô số đồ vật để sản xuất và sử dụng, như dao, rựa; làm lược để 2 cha con chải đầu; dùng lá, vỏ cây bện và đan thành tấm mặc thay quần áo và đi mưa cho khỏi ướt... Vì vậy, lời giải thích của ông Tâm rằng "do không chịu đựng nỗi ám ảnh trước cái chết của mẹ và con mình do bom đạn thời chiến tranh nên ông Thanh mới bỏ làng trốn vào rừng sâu" thuyết phục nhiều hơn.

Những hành động kỳ quái của "người rừng"

Người thân và nhiều cán bộ ở Tây Trà khẳng định việc ông Thanh và con sống trong rừng sâu họ đã biết cách đây hàng chục năm. Nhiều lần chính quyền và người thân vào vận động trở về lại làng, nhưng bất thành.


Chiếc lược của "người rừng"

Ngoài ông Tâm và một ít người bà con, không ai có thể tiếp cận được cha con ông Thanh. Nếu nghe có tiếng chân, hoặc thấy bóng dáng người lạ thì lập tức 2 "người rừng" liền bỏ chạy vào sâu trong rừng. Ông Hồ Văn Nguy (45 tuổi, ngụ xã Trà Phong), kể: "Cách đây khoảng 5 năm, khi vào khu vực này thì thấy thấp thoáng cha con ông Thanh đang làm rẫy nên vạch rừng đến hỏi thăm. Tuy nhiên lúc tới nơi thì không thấy ai cả. Vì tò mò, tôi đợi ở gần chòi cách mặt đất 6m của cha con ông Thanh, nhưng suốt đêm hôm đó và gần cả buổi sáng hôm sau vẫn không thấy họ về".

Còn anh Lê Văn Nguyên (46 tuổi), một thợ săn trầm đã giải nghệ ở Tây Trà, nhớ lại: "Một buổi trưa 7 năm trước, khi đi ngang qua chỗ ở của cha con “người rừng” thì thấy trên chòi có khói. Vừa định trèo lên xem thử thì bất ngờ nhiều khúc cây, thanh lồ ô từ trên chòi ném xuống tới tấp. Sợ bị thương nên tôi chạy ra xa đứng nhìn một lúc rồi bỏ đi".

Còn ông Tâm cho biết vào khoảng năm 1986, khi vào thăm bác thì thấy nương lúa chín vàng rụng đầy xuống đất nhưng không thu hoạch. Khi hỏi thì ông Thanh trả lời: "Lúa đó được gieo từ giống mang vào lần trước. Nhưng vì nó của người làng cũ, còn tao ở làng mới nên chỉ xem thôi, không lấy được".

Và điều làm nhiều người ngạc nhiên là dù phải mặc khố, áo bằng lá và vỏ cây, nhưng các bộ đồ của cha con "người rừng" mang theo từ 40 năm trước được gói giữ cẩn thận và còn nguyên vẹn như chưa được sử dụng bao giờ.



Anh Lang dần hòa nhập với cộng đồng. Anh đang làm quen với chiếc điện thoại di động.


Theo Tri Thức

Tin tức mới nhất