Kiếm tiền từ việc ăn

Ăn khỏe, làm khỏe là hai đặc điểm mà người dân trong vùng nhớ về ông Phùng Văn Lự. Bản thân ông không nhớ nổi mình đã nhận bao nhiêu lời thách đố chứng tỏ việc ăn nhiều từ người khác. Chỉ biết rằng, chưa bao giờ ông là người thua trong cuộc thi ăn.

Trong một lần đi dự đám cưới, khi thấy ông Lự ăn hết 6 bát cơm đầy lại gắp thức ăn liên hồi, có người thách đố rằng, nếu ông ăn thêm được đĩa xôi trên mâm và 1 đĩa xôi nữa thì mỗi người biếu ông 50.000 đồng. Trước lời thách đố đó, nhiều người can ngăn vì sợ ông bội thực.

Bỏ qua tất cả, ông Lự vui vẻ nhận lời thách đố. Ông cười và vừa gọi chủ nhà mang thêm hai đĩa xôi khác và ăn hết trong chớp nhoáng. Quan khách từ phương xa đến mừng đám hỉ chứng kiến đều tỏ ra kinh ngạc.
 


Ông Lự vẫn đu cây, lộn người để rèn luyện sức khỏe mỗi ngày. Ảnh: Ngọc Thi

Nói về việc mình vẫn lao động như thanh niên, ông bảo, con cái của ông đều lập nghiệp ở Tây Nguyên, duy có cô co gái út lấy chồng gần nhà, thỉnh thoảng ghé thăm ông bà. Ở quê chỉ có ông bà sớm tối có nhau.

Tham công, tiếc việc nên ông vẫn cày cấy, trồng trọt. Ông khoe, hai vợ chồng nuôi được 10 con lợn. So với mọi năm, giá lợn tụt dốc nên vừa rồi mấy anh em vừa thịt một con chia nhau làm thức ăn. Những việc nặng mà sức vóc thanh niên còn ngại ngùng như đập đá, đốn củi, ông vẫn làm phăng phăng và coi đó là một công việc nhẹ nhàng.

Với người khác, bằng tuổi ông Lự, họ sẽ nghỉ ngơi, an nhiên sống cuộc sống tuổi già. Thế nhưng, ngồi chơi là ông Lự cảm thấy khó chịu. Ông giải thích rằng, có thể do thể lực của mình quá khỏe, nên không thể chịu cảnh ngồi một chỗ. Càng lao động ông càng cảm thấy tinh thần, thể chất khỏe hơn.

Gia đình ông Lự sở hữu đầm nuôi cá rộng 9 sào, 1 cái ao rộng hơn sào gần nhà, rồi mảnh vườn 6 sào trồng đủ các loại cây ăn quả, mùa nào thức nấy chỉ để phục vụ cho sở thích ăn uống.

Điều lạ là nếu thích ăn một món gì đó thì ông Lự sẽ ăn trong một thời gian dài, ăn liên tục đến khi chán thì mới dừng lại. Từng có thời gian ông nuôi 200 con vịt ở đầm, loại vịt siêu trứng, để phục vụ sở thích ăn trứng của ông.

“Tôi đã thích ăn cái gì là phải ăn cho bằng no và ăn đến chán thì thôi. Khi đã chán món nào, thì ông lại chuyển khẩu vị sang món khác”.

Chưa bao giờ ốm đau

Theo lời ông Lự kể, từ bé đến giờ ông chưa biết đặt chân đến bệnh viện. Ngay cả những căn bệnh tuổi già như đau khớp, mỏi lưng, huyết áp cũng không “ghé thăm” ông.

Để có một sức khỏe như vậy, ông Lự phải sinh hoạt theo một khuôn mẫu nhất định. Bao năm qua, cứ 4h sáng là ông chào ngày mới. Công việc đầu tiên sau khi vệ sinh cá nhân là tập thể dục. Thời trong quân ngũ ông có học võ, tập đi quyền nên bây giờ ngày nào ông cũng vận dụng.

Nói đến đây, ông dẫn chúng tôi ra sân, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì ông đu mình lên cây, vắt vẻo, lộn ngược như Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Kí. Ở tuổi của ông, một thân hình dẻo dai, đó là niềm mơ ước của nhiều người.

Ông bảo, hồi ở trong quân ngũ, nhờ khỏe mạnh, ông được đưa vào trường đào tạo võ thuật 9 tháng. Khi bế giảng lớp đào tạo, quân khu tổ chức buổi thi đấu, ông lên đài thi đấu với thủ trưởng. Chỉ trong vòng vài bước, ông đã quật ngã thầy dạy của mình bởi ngoài việc học tốt những cái được dạy, ông còn nghiên cứu, cải tiến những chiêu thức rườm rà, không cần thiết.
 


Ông Lự đam mê đọc sách báo. Ẩnh: Ngọc Thi

Sau thể dục buổi sáng, ông dọn dẹp nhà cửa. Buổi tối trước khi đi ngủ ông hít đất ít nhất 40 cái để điều hòa hơi thở.

Thuở nhỏ, vì gia đình giàu có nên ông là một trong số hiếm hoi những người được đi học. Tiếng Pháp của ông từ thời đó đến nay vẫn còn rất tốt. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông vẫn hay nói chèn mấy câu tiếng Pháp rồi giải thích nghĩa của các từ cho chúng tôi hiểu.

Không chỉ vậy, ông còn đọc vanh vách các hàng đẳng thức trong Toán học, các định lý về hình học cơ bản. Bản thân ông vẫn thường bàn luận các bài toán chương trình lớp 9 với các cháu trong làng.

Trong căn phòng của "thánh ăn" có rất nhiều sách kim cổ đủ loại và hàng chồng báo khác nhau. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, ông có thể thao thao bất tuyệt về chuyện chính trị, chuyện danh nhân kim cổ, chuyện trong nước, chuyện quốc tế.

Ông bảo, chỉ mong sức khỏe cứ được tốt vậy cho đến cuối đời để được sống vui, sống có ích cùng con cháu.

Theo Gia đình & Xã hội