Chúng ta đã nghe rất nhiều lời khuyên ăn các chất béo “có lợi” và hạn chế các chất béo “có hại” của các bác sĩ. Nhưng thế nào là lợi, thế nào là hại thì không phải ai cũng biết.

Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Tufts (Anh) muốn mọi người chú ý đến 2 vấn đề: Một là giảm các chất béo bất lợi như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hoá; hai là tăng cường các chất béo có lợi như chất béo không bão hòa đa thể.

“Kết quả nghiên cứu sẽ chấm dứt nỗi sợ mang tên chất béo của mọi người", tiến sỹ Dariush Mozaffarian, Trưởng khoa Chính sách và Khoa học Dinh dưỡng Friedman tại Đại học Tufts, trưởng nhớm nghiên cứu khẳng định.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), các chất béo không bão hòa đa thể giúp giảm cholesterol có hại, từ đó giảm nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.

Các chất béo "tốt" này có trong các loại cá béo (như cá hồi, cá trích, cá thu), đậu tương, đậu phụ, dầu đậu nành, dầu ngô, dầu và hạt hướng dương và quả óc chó.

Còn chất béo bão hòa có trong thịt và các sản phẩm từ sữa. Chất béo chuyển hoá có trong các loại thực phẩm đã qua chế biến, đồ nướng và đồ rán.


Để đưa ra con số người tử vong liên quan đến tỷ lệ các loại chất béo được tiêu thụ, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Mozaffarian đã sử dụng thông tin về chế độ ăn uống của mọi người ở 186 quốc gia trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu cũng tham khảo các công trình khoa học dựa trên quá trình dài theo dõi các đối tượng trên, để đánh giá về ảnh hưởng của từng loại chất béo đối với nguy cơ bệnh tim.

Và kết quả cho thấy mỗi năm có tới hơn 700.000 người tử vong vì bệnh tim do ăn quá ít các chất béo không bão hoà đa thể omega-6 so với chất béo bão hoà và carbohydrate đã qua tinh chế.

Số lượng này tương ứng với 10% số người tử vong vì bệnh tim.

Ăn quá nhiều chất béo bão hoà thay vì các chất béo có lợi là nguyên nhân gây nên tử vong của 250.000 người mỗi năm (4% số người chết vì bệnh tim).

Các nhà nghiên cứu cho biết những cái chết này hoàn toàn có thể tránh được nếu giảm lượng chất béo bão hoà dung nạp vào cơ thể.

Những người sống ở Nga, Đức, Ai Cập có tỷ lệ tử vong vì bệnh tim cao nhất thế giới do tiêu thụ rất ít chất béo không bão hoà đa thể.

Còn Philippin, Malaysia và các quốc gia nhiệt đới khác chứng kiến tỷ lệ tử vong do bệnh tim cao nhất thế giới do người dân ăn quá nhiều chất béo bão hoà.

Theo tiến sỹ Suzanne Steinbaum, bác sỹ chuyên khoa tim mạch kiêm giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tim phụ nữ tại Bệnh viện Lenox Hill (Mỹ), nghiên cứu này được thực hiện đúng thời điểm khi mà mọi người bắt đầu chú ý đến chế độ ăn uống hơn.

Theo nghiên cứu này, việc giảm chất béo bão hoà thực sự sẽ có tác dụng. Và nghiên cứu cũng cho thấy sự ảnh hưởng to lớn của chế độ ăn uống đối với bệnh tim.

Theo Soha/trí thức trẻ