Con khóc, mẹ sẽ gượng cười

Sải bước dọc hành lang Bệnh viện K T.Ư, tôi bắt gặp chị Nguyễn Thị Vui (Đà Nẵng) trên tay cầm con búp bê bước vội về phòng bệnh. Hỏi chuyện, chị cười buồn cho biết, bé Ngọc Phương, con gái chị (5 tuổi) vừa truyền xong hóa chất nên chị mua món quà bất ngờ thưởng cho con.

Những người mẹ mang trái tim chiến binh-1
 “Mẹ chải tóc cho con đi, lỡ sau này tóc rụng đi rồi, không chải được nữa đâu” – bé Ngọc Phương và mẹ Vui.  Ảnh: Thùy Dương 
 

Chị Vui tâm sự, tháng 5 vừa qua, khi thấy bé Phương có những biểu hiện sốt triền miên lạ thường, linh cảm của người mẹ mách bảo chị có điều chẳng lành. “Khi gia đình đưa Phương đến bệnh viện, tôi biết có điều gì đó không ổn và hình như Phương cũng cảm nhận được điều đó. Khoảnh khắc bác sĩ nói với tôi nghi ngờ Phương bị ung thư máu, trái tim tôi như chết lặng” – chị Vui nhớ lại.

Bác sĩ khuyên chị cho con đến Bệnh viện K T.Ư ở Hà Nội để xét nghiệm và điều trị. Đó cũng là một quyết định rất khó khăn với gia đình bởi việc di chuyển từ Đà Nẵng ra Hà Nội rất xa mà hoàn cảnh kinh tế gia đình thì không khấm khá gì.

“Tôi đã hy vọng trên đời có phép màu cho đến ngày lên Hà Nội” - chị Vui nhớ lại. Gom góp, vay mượn được ít tiền, chị Vui tức tốc mang con lên Bệnh viện K T.Ư (điểm Tân Triều, Hà Nội). Lòng chị Vui như lửa cháy mong ngóng những chẩn đoán của bác sĩ rằng kết quả cũ là sai. Nhưng rồi, sự thật bé K vẫn bị ung thư máu, chị Vui gần như sụp đổ hoàn toàn.

“Tôi đau lắm, chỉ ước mình có thể ốm hộ con. Nhưng nếu tôi gục ngã, ai sẽ lo cho đứa con bé bỏng của tôi. Vì thế, tôi lại mạnh mẽ, lại gạt nước mắt, vui cười, pha trò để đứa con gái bé bỏng của tôi không sợ hãi” - chị Vui chia sẻ.

5 tháng chiến đấu với bệnh tật, hầu như chỉ có hai mẹ con chị Vui cùng nhau chống chọi. Vì chồng chị phải ở nhà trông con thứ hai và lao động quần quật để kiếm thêm tiền cho con điều trị. Chị Vui tâm sự: “Mỗi khi thấy giường bệnh bên cạnh có người nhà đến thăm, bố mẹ thay nhau chăm con, tôi lại thấy chạnh lòng lắm. Hai mẹ con chỉ biết lủi thủi trong bệnh viện. Nhưng hai mẹ con tôi vẫn biết, ở nhà bố và con thứ hai đang lo lắng, xót xa cho hai mẹ con biết bao”.

Điều thường xuyên tra tấn chị Vui chính là những cơn đau của con. “Có những đêm Phương không ngủ, nằm chịu đau mà chẳng than với mẹ, càng khiến tôi xót xa hơn. Nhưng hai mẹ con đều động viên nhau. Quặn thắt nhất khi cháu quay sang nói với tôi: 'Mẹ chải tóc cho con đi, lỡ sau này tóc con rụng rồi thì không chải được đâu'.

Sợ nhất là mỗi tối chủ nhật, con gái tôi đều trằn trọc không ngủ vì sợ lấy máu. Nhưng mà cháu chỉ nghẹn ngào nói lí nhí với mẹ: 'Con sợ lắm'. Tôi ước gì có thể đau cùng con, muốn khóc mà chỉ có thể nuốt nước mắt vào trong, cười tươi động viên con”.

Chị Vui cho biết, hiện bé Phương đã điều trị xong lần đầu và tiếp tục sẽ phải chịu đựng truyền hóa chất, xạ trị những lần tiếp theo. Hiện bác sĩ đưa ra hai phương án: Ghép tủy – khả năng thành công rất ít mà kinh phí lại rất lớn; hai là truyền hóa chất mạnh. “Tôi sẽ làm mọi cách để con được sống” - chị Vui nói chắc chắn.

Con phẫu thuật, mẹ cũng vào phòng mổ

Trong căn phòng bệnh vốn tĩnh lặng, thỉnh thoảng lại có tiếng đọc thơ của một em bé và tiếng vỗ tay của mọi người xung quanh. Hỏi thăm thì ai cũng biết đó là “cây văn nghệ” của khoa Nhi Bệnh viện K T.Ư.

Dù hai mẹ con ngồi cạnh nhau nhưng lúc nào Minh Thư (6 tuổi) cũng ôm chặt lấy mẹ. Chị Nguyễn Thị Vân (quê Hưng Yên) – mẹ của Thư chia sẻ: “Thư chẳng bao giờ muốn xa mẹ dù chỉ là nửa bước”.

Minh Thư không may bị ung thư vỏ thượng thận trái – căn bệnh hiếm có ở Việt Nam. Mới 6 tuổi nhưng Thư đã phải chịu bao đau đớn từ những đợt hóa trị kéo dài, ngay đến mái tóc mà em rất yêu thích cũng rụng hết, thế nhưng điều đặc biệt ở cô bé này là sự nũng nịu đáng yêu, luôn mỉm cười với mọi người xung quanh.

Hơn nửa năm nay, kể từ ngày Thư bị bệnh, gia đình đã chuyển mọi bệnh viện rồi dừng chân tại Bệnh viện K T.Ư. “Ngày mình đưa con đến khoa Ung bướu, nhìn các cháu bệnh nhi đầu rụng tóc, gào khóc trong đau đớn, mình sợ lắm. Không thể tưởng tượng ra cảnh một ngày con mình cũng sẽ như thế” - chị Vân nói.
 

Những người mẹ mang trái tim chiến binh-2
Bé Minh Thư luôn quấn quýt mẹ.  Ảnh: T.D
 

Tưởng như gia đình sẽ có một niềm vui bù đắp cho những tháng ngày tuyệt vọng khi chị Vân mang bầu được 5 tháng. Thế nhưng, bệnh tình của Thư khiến chị suy sụp hoàn toàn, tinh thần hoảng loạn nên chị đã bị sảy thai.

“Ngày Thư phải phẫu thuật cũng là ngày mẹ bước vào phòng mổ. Lúc đấy mình đau đớn cảm tưởng không thể thở được nữa, nhưng nghĩ đến con mình lại phải gượng dậy” – chị Vân nói trong nước mắt.

Vì căn bệnh của Thư ở Việt Nam không có thuốc, phải mua ở Singapore với giá 58 triệu đồng cho hai lọ, nên mọi nguồn kinh tế của gia đình đều lo cho Thư. Nỗi buồn lại chồng chất khi chồng chị bị tai nạn nên công việc lao động trở nên khó khăn hơn. Để tiết kiệm chi phí, mọi sinh hoạt của mẹ con chị đều diễn ra tại bệnh viện - căn nhà thứ hai của hai mẹ con.

Những chiếc ghế bên ngoài hành lang trở thành chiếc giường của chị Vân mỗi khi đêm đến. Từ khi Thư nằm viện, chưa đêm nào chị có thể ngủ ngon giấc. Thỉnh thoảng, trong giấc ngủ, chị lại giật mình tỉnh rồi trằn trọc, lo lắng cho đứa con tội nghiệp của mình.

Khi được hỏi về những kỷ niệm của hai mẹ con trong thời gian điều trị bệnh, ánh mắt chị Vân không giấu nổi niềm hạnh phúc. Chị kể: “Nhiều khi ngồi nhìn con mà hai hàng nước mắt lại rơi, Thư thấy thế nên lúc nào cũng ôm chặt rồi nói yêu mẹ lắm. Những lúc đó mình lại càng thấy có thêm sức mạnh để chiến đấu cùng con”. 

“Ông trời đã lấy của nó cái này thì sẽ bù cho nó cái kia” – chị Vân nói. Dù bệnh tật khiến em đau đớn nhưng Thư là một cô bé ngoan, rất thích hát và đọc thơ, lúc nào giọng em cũng líu lo khắp con căn phòng.

Tạm biệt hai mẹ con chị Vân, chúng tôi ra về nhưng văng vẳng bên tai là giọng hát của Thư: “Tạm biệt búp bê xinh xinh. Tạm biệt gấu Misa nhé…”.

Theo một số nghiên cứu tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 4.200 bệnh nhi dưới 19 tuổi mắc mới các thể ung thư, trong số đó có 2.000 ca ung thư máu, 900 ca u não, còn lại là u nguyên bào thần kinh, u thận, u xương, u phần mềm... Theo các bác sĩ, cơ thể trẻ cũng non nớt nên tế bào ung thư tăng sinh rất mạnh, diễn biến nhanh, nếu không phát hiện sớm thì bệnh sẽ tiến triển nhanh, không kịp điều trị.

Đồng thời, cơ thể trẻ non nớt nên “nhận” thuốc tốt hơn, tỷ lệ sống thêm ở trẻ cao hơn, lên đến 70% ở tất cả các bệnh ung thư. Do đó, việc phát hiện sớm, đưa con đến viện ở giai đoạn sớm quyết định cao đến sự khỏi bệnh của trẻ.
 


Theo Dân Việt