1. Mua quá nhiều rau trong một lần

Tiến sĩ Gerrt Brewstern, cố vấn sức khỏe của Bệnh viện Payne Whitney Westchester cho biết, vitamin và khoáng chất trong rau quả đã bị mất ngay từ lúc hái. Hay nói cách khác, bạn cất giữ rau quả càng lâu, thì dinh dưỡng của chúng càng ít đi.

Theo nghiên cứu, sau 1 tuần cất trong tủ lạnh, một nửa axit folic và 40% chất luteic trong rau bina sẽ tự nhiên mất đi. Ông Brewstern khuyến cáo, đừng mua quá nhiều rau trong một lần, tốt nhất nên mua 3 lần/tuần.

2. Nấu thịt bằng chảo chống dính

Chảo chống dính tốt thật nhưng nó sẽ không phù hợp với việc chế biến tất cả các món ăn. Những loại chảo chống dính thường có khả năng làm nóng kém hơn các loại chảo thông thường vì vậy nó chỉ phù hợp để làm các loại bánh, trứng ốp la hay gà rán. Khi chế biến các loại thịt, cách tốt nhất là hãy sử dụng các loại chảo nướng hoặc chảo gang.

3. Cho thực phẩm vào chảo/nồi còn lạnh

Trong phần lớn trường hợp, cách tốt nhất là làm nóng chảo sau đó mới cho dầu ăn và thực phẩm. Thậm chí có bạn cho dầu, thực phẩm vào chảo, rồi mới bật bếp. Đó là sai lầm tai hại. khiến thức ăn ngấm dầu mỡ, chưa kể nguy cơ dính chảo khá cao.

Hãy chắc chắn chảo và dầu nóng trước khi cho thực phẩm vào. Bằng cách này bạn sẽ hạn chế khả năng dính chảo, ngoài ra làm cho thực phẩm ráo dầu mỡ, bề mặt rán có màu đẹp.

4. Không thích sử dụng nhiều loại gia vị

Dùng nhiều gia vị và hương liệu thực vật trong quá trình nấu vừa giúp món ăn thêm đậm đà mà còn bảo vệ bạn tránh bị tổn hại bởi chất độc trong thực phẩm. Một cuộc thử nghiệm kháng khuẩn (bao gồm khuẩn escherichia, khuẩn staphylococcus aureus và khuẩn salmonella…) được tiến hành với 20 loại gia vị phổ biến của các chuyên gia Hồng Kông phát hiện, đinh hương, quế đều có khả năng kháng khuẩn rất mạnh.

Một nghiên cứu khác của “Tạp chí Nông nghiệp và Thực phẩm” Mỹ cũng cho thấy, hương thảo, húng tây, hạt nhục đậu khấu và lá cây nguyệt quế cũng giàu chất chống oxy hóa. Vì vậy, đừng quá né tránh việc dùng các loại giai vị, thêm một chút gia vị vào mỗi lần nấu vừa an toàn vừa khỏe mạnh.

5. Luộc mì không cho muối

Một nguyên tắc cơ bản để có món mỳ trộn pasta chuẩn vị là phải cho muối vào trong quá trình luộc mì. Nếu thiếu muối, sợi mì sẽ nhạt và dù nước sốt sau đó có ngon đến đâu thì khi ăn vẫn thấy sợi mỳ thật vô vị. Tỷ lệ nêm muối lí tưởng nhất được các đầu bếp chuyên nghiệp khuyên dùng là cứ 300gr mì khô khi luộc cần 1 muỗng canh muối.

6. Dùng dầu ô liu ở nhiệt độ cao

Ở nhiệt độ cao, các chất dinh dưỡng có trong dầu ô liu sẽ bị phá hủy hoàn toàn và bắt đầu có mùi khét, do đó chúng có thể làm hỏng mùi vị thức ăn bạn đang chế biến. Tốt nhất bạn nên dùng dầu ô liu cho các món trộn như salad, còn muốn chiên, rán hãy dùng dầu hướng dương hoặc dầu đậu nành.

7. Nấu luôn thịt mới lấy từ tủ lạnh

Tuyệt đối không đưa thẳng thịt từ tủ lạnh vào lò/chảo nóng. Vì như vậy miếng thịt đó sẽ bị chín quá phía ngoài mà bên trong có thể vẫn sống. Hãy lấy thịt và cá ra khỏi tủ lạnh, để ở nhiệt độ phòng khoảng 15-20 phút trước khi nấu, sẽ giúp thực phẩm chín đều, ngon hơn.

8. Luộc trứng quá kĩ

Món luộc là một trong những món dễ chế biến nhất, nhưng để luộc trứng vừa chín tới, đảm bảo độ thơm ngon và lưu giữ được đầy đủ chất dinh dưỡng lại đòi hỏi cả một nghệ thuật. Khi trứng được luộc quá kĩ, phần tiếp giáp giữa lòng trắng và lòng đỏ sẽ có màu xám, ăn có vị hăng như mùi cao su, đó là khi chất dinh dưỡng trong trứng đã bị mất đi khá nhiều. Cách luộc trứng chuẩn nhất là cho trứng vào nồi, ngay sau khi nước sôi khoảng 1 phút thì tắt bếp, để trứng trong nồi khoảng 10 phút thì vớt ra chần qua nước lạnh rồi bóc vỏ. Trứng luộc khi đó sẽ có màu sắc bắt mắt và có vị thơm ngon khi thưởng thức.

9. Xào tỏi ngay khi vừa bóc

Trưởng nhóm nghiên cứu dinh dưỡng học thuộc Hiệp hội nghiên cứu ung thư Mỹ – ông John Milner cho biết: “Ít nhất hãy chờ 10 phút sau khi đập hay thái tỏi rồi mới xào tỏi. Đập tỏi sẽ dẫn tới phản ứng hóa học của loại enzym, giải phóng ra một hợp chất có thể chống ung thư. Do đó 10 phút sau mới xào tỏi chính là để hợp chất này có đủ thời gian để được giải phóng toàn bộ”.

10. Phi tỏi quá kĩ

Tỏi là một loại gia vị chín rất nhanh và dễ cháy. Khi chín quá, tỏi có thể khiến món ăn của bạn mất đi vị thơm ngon vốn có của nó. Vì vậy, cách sử dụng tỏi chuẩn nhất trong chế biến món ăn là thêm chúng vào gần cuối quá trình nấu hoặc ngay sau khi cho tỏi vào chảo dầu đang sôi là đổ thức ăn vào xào luôn.

11. Thưởng thức thịt ngay sau khi chế biến

Dù có đói hay bị hấp dẫn bởi món thịt vừa chế biến xong thì bạn cũng nên kiên nhẫn chờ khoảng 5 phút sau rồi hãy thưởng thức, khi đó bạn sẽ cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của món thịt. Đừng vì “háu đói” mà thưởng thức khi món ăn chưa được chuẩn vị nhé!

12. Cái gì cũng nhét vào tủ lạnh

Không phải đồ ăn nào bảo quản trong tủ lạnh cũng tốt. Các loại thực phẩm như cà chua, hành tây, tỏi, khoai tây, bí xanh, cà tím và các loại trái cây nhiệt đới khác như chuối, xoài, kiwi sẽ ngon hơn khi để ở nhiệt độ phòng. Khi bảo quản những thực phẩm trên trong tủ lạnh, chúng không những mất đi độ tươi ngon mà còn bị xuống mã và mất đi những chất dinh dưỡng quý giá.

13. Gọt vỏ trái cây quá sâu

Theo “Tạp chí nghiên cứu dinh dưỡng” Mỹ, đa số hoạt động của chất chống oxy hóa trong vỏ trái cây cao gấp – 27 lần so với trong phần thịt quả. Các chuyên gia dinh dưỡng kiến nghị, vỏ khoai tây và cà rốt chỉ cần gọt một lớp mỏng, còn với những loại quả cần gọt vỏ trước khi ăn thì chỉ cần gọt sâu hơn một chút là được.

14. Lật giở thức ăn thường xuyên

Khi chiên, rán một món ăn nào đó trên chảo, việc lật giở chúng thường xuyên là điều không cần thiết chút nào. Hãy để bề mặt thức ăn chín già trước khi lật, bạn sẽ giữ được sự nguyên vẹn và màu sắc đẹp mắt của món ăn. Nếu vì nôn nóng mà thường xuyên lật giở, cuối cùng bạn sẽ phải thất vọng vì đĩa thức ăn nát bét.

15. Kết hợp thực phẩm không đúng cách

Kết hợp thực phẩm sai sẽ làm giảm một nửa dinh dưỡng. Nhiều người khi thấy mệt mới nghĩ tới bổ sung sắt. Bổ sung sắt nên chú ý sự kết hợp khoa học giữa các thực phẩm khác nhau. Khi ăn cùng lúc những món giàu vitamin C như các loại đậu, rau xanh, ớt, khoai khoai tây, dâu tây… sẽ tăng hiệu quả hấp thụ sắt. Trái lại, uống trà hay cà phê lại có thể ức chế hấp thụ tối đa 60% sắt cho cơ thể.

Những kinh nghiệm trên đây có thể không mới nhưng không phải bà nội trợ nào cũng biết để áp dụng hoặc đôi khi coi nhẹ. Vì vậy, nếu thấy có ích hãy cùng chia sẻ để lan tỏa thói quen tốt cho mọi người nhé!

Theo TTVH