Mộc nhĩ là thực phẩm phổ biến sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình. Ngoài giúp món ăn thêm ngon hơn, mộc nhĩ còn được sử dụng như một loại thuốc quý để chữa bệnh.
Trong mộc nhĩ có chứa hàm lượng chất xơ tương đối nhiều, nó có tác dụng nâng cao sức khỏe đường ruột, phòng ngừa táo bón và ngừa ung thư ruột kết.
Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ không biết rằng, ăn và chế biến mộc nhĩ không đúng cách có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc, ảnh hưởng đến chức năng tim, gan, thận.
Không ăn mộc nhĩ tươi
Bạn tuyệt đối không được ăn mộc nhĩ tươi vì khi còn tươi, mộc nhĩ có chứa chất morpholine nhạy cảm ánh sáng.
Cơ thể sau khi ăn mộc nhĩ tươi mà tiếp xúc với ánh sáng có thể làm cho da bị ngứa, phù nề, trường hợp trầm trọng còn dẫn đến hoại tử da nghiêm trọng.
Ngược lại, mộc nhĩ sau khi phơi khô, chất cảm quang tự nhiên mất đi, độc tính cũng biến mất, ăn vào không còn gì nguy hại nữa.
Tuyệt đối không ăn mộc nhĩ tươi
Không ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng
Ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng trước khi chế biến là thói quen của rất nhiều người nhằm để nó nở nhanh. Tuy nhiên trên thực tế đây lại là một sai lầm tai hại bởi trong mộc nhĩ khô có thể còn sót lại các morpholine.
Đây là chất độc có trong nấm nên bạn cần phải ngâm mộc nhĩ trong nước lạnh để chất độc này có thời gian hòa tan vào nước.
Bên cạnh đó, nếu bạn ngâm mộc nhĩ bằng nước sôi, khi chế biến, mộc nhĩ sẽ bị nhũn, dính, không giòn, không dễ bảo quản, cất giữ.
Không dùng mộc nhĩ đã ngâm lâu
Ngâm mộc nhĩ vào nước sẽ giúp chúng hòa tan độc tố, khi ăn sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, nếu ngâm quá lâu sẽ khiến mộc nhĩ biến chất, do chất đạm bị thủy phân khiến cho vi khuẩn dễ tấn công, gây ra nhiễm khuẩn có nguy cơ gây ngộ độc.
Nếu ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài. Ở mức nặng có thể gây hôn mê phải nhập viện cấp cứu.
Vì thế, để an toàn cho sức khỏe chỉ nên ăn mộc nhĩ khô được ngâm trong nước lạnh khoảng 10-20 phút và rửa sạch, cắt chân trước khi chế biến.
Mase (Tổng hợp)
Theo VietNamnet