Những tập tục phồn thực kỳ lạ nhất thế giới

Tín ngưỡng phồn thực không chỉ hiện diện trong văn hóa Việt Nam mà trong nhiều nền văn hóa từ Á sang Âu với các lễ hội, tập tục tôn vinh sinh thực khí nam/nữ và chuyện tình dục.



Mùa xuân cũng là mùa của lễ hội, trong đó có các lễ hội phản ánh tín ngưỡng phồn thực (phồn nghĩa là nhiều, thực nghĩa là nảy nở) trong nhiều nền văn hóa. Nếu Nhật Bản nổi tiếng với lễ hội tôn vinh sinh thực khí nam lớn nhất thế giới thì ở một số nước phương Tây, các lễ hội gắn liền với chuyện phòng the cũng được tổ chức. 

Lễ hội Kanamara, Nhật Bản
Được tổ chức hàng năm vào chủ nhật đầu tiên của tháng 4 tại đền Kanayama ở thành phố Kawasaki, lễ hội Kanamara còn được gọi là "lễ hội dương vật thép". Đây được xem là một trong những lễ hội lạ lùng và độc đáo nhất thế giới với các cỗ kiệu rước tượng dương vật đi vòng quanh trên phố.


Tượng dương vật được đặt vào kiệu và diễu hành qua các khu phố trong ngày hội Kanamara. Ảnh: AFP/Getty.


Ngôi đền gắn liền với truyền thuyết kể rằng một cô gái nhờ thợ rèn tạo ra một dương vật bằng kim loại để làm gãy răng con quỷ quấy rối cô. Ngày nay, tượng dương vật bằng thép cao 90 cm đặt trong sân đền Kanayama thể hiện sự tôn kính với các vị thần của Thần đạo bảo trợ sự sinh sôi nảy nở.

Lễ hội ra đời vào thế kỷ thứ 17 khi các kỹ nữ đến ngôi đền này cầu xin tránh được các loại bệnh tình dục. Trong ngày hội, người dân rước kiệu mang theo tượng dương vật khổng lồ, bày bán các món bánh kẹo hình dương vật khắp phố. Ngày nay, lễ hội này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về an toàn tình dục và gây quỹ cho các hoạt động nghiên cứu HIV.

Lễ hội Honen, Nhật Bản
Được tổ chức vào ngày 15/3 hàng năm tại thị trấn Komaki, thành phố Nagoya, lễ hội Honen có các tiết mục âm nhạc do các nhà sư Thần đạo trình bày, rượu sake miễn phí, quà vặt tạo hình dương vật và quan trọng nhất là lễ rước linh vật, một bức tượng sinh thực khí nam bằng gỗ bách dài 2,5m.

Những người đàn ông 42 tuổi sẽ dâng linh vật lên nữ thần nông nghiệp Tamahime-no-mikoyo. Theo quan niệm dân gian địa phương, tuổi này là tuổi xui xẻo của nam giới và việc dâng linh vật sẽ giúp họ tai qua nạn khỏi.

Các bức tượng dương vật nhỏ cũng được bày biện ở nhiều nơi. Người ta tin rằng nếu sờ tay vào các bức tượng này, phụ nữ sẽ có thể sinh ra những đứa bé khỏe mạnh.

Ngày té nước thiếu nữ, Hungary
Bắt nguồn từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, vào ngày thứ hai sau lễ Phục Sinh, người dân Hungary mặc các trang phục truyền thống ra phố. Tại đây, đàn ông sẽ xối từng thùng nước vào các cô gái ở độ tuổi lấy chồng để cầu khả năng sinh sản cho họ.


Việc té nước được xem là giúp tăng cường khả năng sinh sản của các cô gái đến tuổi lấy chồng

tại Hungary và nhiều nước lân cận. Ảnh: Getty.


Lễ hội này cũng xuất hiện ở nhiều nước Trung - Đông Âu khác như Ba Lan, Czech, Slovakia... Ở một số nơi, các cô gái sẽ bị té nước dù không mặc đồ truyền thống. Ở nơi khác, thay vì nước, họ lại xịt một chút nước hoa.

Đôi khi việc té nước lại đi kèm với một màn xướng thơ hay việc dùng liễu tơ quất vào người các cô gái. Theo truyền thống, các cô gái sẽ trả đũa vào ngày thứ ba, nhưng trong thực tế, các cô chẳng chần chờ gì mà ra tay ngay lập tức.

Lễ hội dương vật, Hy Lạp
Vào thứ hai đầu tiên (Thứ Hai Tinh khiết) của Mùa Chay theo Chính Thống giáo Đông phương (27/2 năm nay), lễ hội phồn thực tôn vinh vị thần của rượu, sự điên loạn và khoái cảm Dionysus diễn ra tại thị trấn Tyrnavos.

Mặc dù Giáo hội Chính Thống giáo Hy Lạp phản đối ngày hội này, hàng nghìn người vẫn tiến về Tyrnavos, nơi có bánh mì, ly tách, ống hút... tất cả đều được tạo hình dương vật. Những bài hát với ca từ nhạy cảm cũng được phát công khai trên phố duy nhất vào ngày này.

Du khách có thể “được” dân địa phương bắt lại và lắc lư trên một nồi súp rau chân vịt nóng hổi. Cùng lúc, người dân treo một dương vật giả vào giữa hai chân người bị bắt. Bạn phải hôn lên nó, uống một loại rượu mạnh của địa phương từ đây và khuấy súp, thì mới được cho đi. Người dân sẽ quệt tro lên mặt bạn, đánh dấu rằng bạn không cần phải qua nghi thức này nữa.

Cầu may ở Cột Than khóc, Thổ Nhĩ Kỳ



Nhiều người đến cầu con cái tại Cột Than khóc ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: thischildaintyours.blogspot.com.


Nếu có ghé qua bảo tàng Hagia Sophia tại Istanbul, bạn sẽ bắt gặp đoàn người rồng rắn xếp hàng để cầu may tại Cột Than khóc. Cây cột này được làm từ cẩm thạch trắng với một vòng đai đồng bao quanh thân dưới, được tin là có sức mạnh chữa lành vết thương.

Thân cột có một lỗ nhỏ, nơi nước thi thoảng rỉ ra như ai khóc. Những người muốn cầu con cái sẽ cho ngón tay cái vào lỗ. Họ vừa cầu nguyện vừa cố xoay ngón tay sao cho càng gần đạt đến mức 360 độ càng tốt. Nếu khi đó ngón tay bị ướt, khả năng sinh con đẻ cái của họ được tin là sẽ gia tăng.

Theo Zing,vn


tập tục kỳ lạ thế giới đó đây

Tin tức mới nhất