Lời trăng trối bí ẩn của Albert Einstein

Albert Einstein - cha đẻ của Thuyết tương đối qua đời tại bệnh viện Princeton, New Jersey, Mỹ ở tuổi 76. Theo tài liệu ghi lại, ông mắc bệnh ung thư. Nhiều lần bác sĩ cảnh báo ông phải hết sức chú ý tới sức khỏe, bởi khối u có thể bục vỡ bất cứ lúc nào; nhưng thiên tài này chỉ nói rằng: "Ôi, cứ để cho nó bục tóe loe ra!".

Những tháng cuối đời, khối u động mạch chủ đã di căn khiến sức khỏe của ông ngày một yếu và phải điều trị tại viện. Rạng sáng ngày 18/4/1955, nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Princeton.

Trong lúc hấp hối, ông đã thì thầm bằng tiếng Đức với cô ý tá tại bệnh viện, nhưng tiếc thay nữ y tá này lại không hiểu tiếng Đức. Đến nay, những lời trăng trối cuối cùng của nhà khoa học lỗi lạc vẫn còn là một ẩn số gây tranh cãi.
 


Einstein nằm trên giường bệnh trong những ngày cuối đời.
 


Cha đẻ của "Thuyết tương đối" Albert Einstein qua đời ngày 18/4/1955
 

Theo di nguyện của ông, gia đình đã tổ chức một lễ tang hoàn toàn riêng tư, không có nhiều nghi lễ trang trọng, không vòng hoa, không quân đội danh dự, không điếu văn, không xây mộ phần và không dựng bia tưởng niệm. Trong đám tang của ông chỉ có người nhà, vài người bạn thân và duy nhất một nhiếp ảnh gia là Ralph Morse của tạp chí Life.

Thi thể của Albert Einstein được hỏa táng vào chiều cùng ngày tại nghĩa trang Mather Princetonf và tro được rải ở một nơi bí mật đến giờ vẫn chưa được tiết lộ.

Trước khi qua đời, Einstein đã dặn dò con cháu: sau khi ông về với đất, không được biến nơi ông ở thành nhà tưởng niệm để mọi người tới tham quan và tưởng nhớ. Phòng làm việc của ông trong Viện Nghiên cứu cao cấp cũng phải để cho người khác sử dụng. Ông thiết tha mong rằng danh tiếng của ông hãy để ông mang theo về cõi chết, chỉ để lại cho đời lý tưởng khoa học và xã hội.

Sinh thời, Einstein được biết đến là nhà khoa học theo chủ nghĩa cá nhân tự do, vô thần: "Tôi là một người vô đạo tới sâu sắc. Điều này có vẻ như là một thứ tôn giáo mới". Tuy nhiên, ông không phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế: "Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng".
 


Phòng làm việc của Einstein trước khi ông qua đời.

60 năm sau ngày mất của thiên tài khoa học Albert Einstein, Life công bố một số ảnh hiếm trong ngày mất của vĩ nhân này:


Quan tài của Einstein được di chuyển tử bệnh viện ra xe để đến nhà tang lễ


Đám tang của ông được tiến hành bí mật, không nghi lễ rườm rà và chỉ có gia đình, bạn bè thân tới viếng.

>>> 13 câu nói để đời của thiên tài Albert Einstein sẽ thay đổi cuộc đời bạn

Mozart, thiên tài chết trẻ, đến hài cốt cũng thất lạc

Thiên tài âm nhạc người Áo - Wolfgang Amadeus Mozart (1756 - 1791) ra đi ở tuổi đời rất trẻ, khi ông mới chỉ 35. Cho đến nay, cái chết của ông vẫn còn là điều bí ẩn. Rất nhiều giả thiết được đưa ra về nguyên nhân gây ra cái chết của Mozart nhưng tất cả chỉ là suy đoán bởi không ai tìm được hài cốt của ông.
 


 

Rạng sáng ngày 5/12/1791, Mozart qua đời sau hơn chục ngày bị sốt cao, phát ban và rối loạn tâm lý. Trước khi chết, ông đã rơi vào trạng thái hôn mê vài ngày. Chính bởi những triệu chứng bất thường đó mà người ta đặt ra giả thiết Mozart bị đầu độc. Nhiều ý kiến lại cho rằng Mozart tự tử.

Ở thời điểm đó, nhà soạn nhạc này đang dính phải vụ bê bối tình cảm với chính học trò của ông là quý bà Maria Magdalenda đã kết hôn. Theo Wiki, người chồng của Maria từng đối đãi rất tốt với Mozart cho tới khi phát hiện ông ngoại tình với vợ mình. Dư luận đồn thổi quý ông này đã đột nhập vào nhà Mozart và hành hạ ông.

Tuy nhiên, tạp chí Biên niên sử ngành nội khoa năm 1999 lại đăng tải một giả thiết mới là Mozart tử vong có thể do bệnh nhiễm trùng khuẩn cầu chuỗi, gây sốt, sưng phù nề và dẫn tới tử vong, đặc biệt ở nam thanh niên.

Giả định này dựa trên kết quả nghiên cứu hồ sơ tử vong dân số Áo trong thời điểm trước và sau khi Mozart qua đời. Tại Vienna từ tháng 11/1791 - 1/1792 đã xảy ra đại dịch nhiễm trùng khuẩn cầu chuỗi cướp đi mạng sống của rất nhiều người.

Thế nhưng, cho đến nay mọi giả thiết đều chưa được xác thực bởi thi thể của Mozart bị thất lạc. Theo tài liệu ghi lại, ông được chôn cất tập thể tại nghĩa trang St.Marx ở ngoại ô Vienna. Wiki cho biết gia cảnh của Mozart bấy giờ rất nghèo, nên vợ con ông đã không chôn cất ông trong ngôi mộ tử tế.

Vài năm sau, khu nghĩa trang St.Marx được quy hoạch lại. Chính phủ Áo đã cho cải táng ngôi mộ tập thể để dành chỗ chôn cất mới. Hài cốt của Mozart lưu lạc từ đó.

Khoảng năm 1801, bảo tàng Mozarteum ở thành phố Salzburg, Áo nhận được chiếc đầu lâu được cho là của thiên tài âm nhạc quá cố Mozart. Họ đã cho trưng bày di cốt này. Năm 2004, một số nhà khoa học vào cuộc xét nghiệm ADN từ chiếc đầu lâu được trưng bày nhưng kết quả thu về khiến người ta thất vọng.
 


Hộp sọ được cho là của thiên tài Mozart từng được trưng bày trong bảo tàng Mozarteum ở Áo. (Nguồn: Atlas Obscura)

Đầu năm 2006, các nhà khoa học Áo và Mỹ công bố kết quả nghiên cứu chiếc đầu lâu tại bảo tàng Mozarteum không thể xác định được là của thiên tài Mozart. Hầu hết khách tham quan và người hâm mộ nhà soạn nhạc vĩ đại này đều sửng sốt.
 


LEO
Theo Vietnamnet