Như đã đưa tin, gia đình cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên mới nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục tổng số tiền khoảng 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu".

Trước đó, sau khi vụ án nhận hối lộ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bị khởi tố, Phạm Trung Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Thời điểm diễn ra phiên xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu", gia đình bị cáo nộp 2 lần, lần lượt là 8 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.

Theo dõi thông tin phiên xử, độc giả Dân trí băn khoăn, việc bị cáo Kiên và gia đình nộp gần hết số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả có giúp bị cáo được miễn án tử hình?

Nộp khắc phục 42 tỷ đồng, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế có thoát án tử?-1
Bị cáo Phạm Trung Kiên tại phiên xét xử (Ảnh: Hải Phương).

Nộp tiền khắc phục hậu quả có thể thoát án tử hình?

Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật Đồng đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc các bị cáo trong các vụ án liên quan đến kinh tế, chức vụ hoặc tham ô, tham nhũng… nộp tiền khắc phục hậu quả để hưởng sự khoan hồng của pháp luật thời gian gần đây trở nên khá phổ biến.

Tội nhận hối lộ là một dạng của tội tham nhũng, tùy thuộc số tiền nhận hối lộ cùng các tình tiết định khung, người phạm tội có thể đối diện các khung hình phạt khác nhau. Trong trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, người phạm tội có thể đối diện khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Trong đó, điểm b khoản 1 điều này quy định "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" được coi là một tình tiết giảm nhẹ.

Luật không quy định rõ mức đền bù thiệt hại hay khắc phục hậu quả cụ thể là bao nhiêu thì người phạm tội sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ, tuy nhiên căn cứ vào thực tế xét xử, mức đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả phải tương xứng với thiệt hại gây ra, người phạm tội mới được giảm nhẹ hình phạt.

Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự hiện hành, trong trường hợp người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không thi hành án tử hình.

Khoản 2, Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ cũng quy định, trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

"Trong vụ đại án trên, có thể thấy không chỉ bị cáo Kiên chủ động khắc phục hậu quả, mà cả gia đình, người thân bị cáo cũng chủ động nộp lại số tiền 15 tỷ đồng. Điều này không chỉ thể hiện, bị cáo đã ăn năn, hối cải với hành vi phạm tội của mình, mong muốn khắc phục hậu quả mà còn thể hiện trách nhiệm của gia đình bị cáo với cộng đồng, xã hội.

Như vậy, với số tiền khắc phục hậu quả của bị cáo Kiên là 42 tỷ đồng, theo quy định của Bộ luật hình sự và các văn bản có liên quan, bị cáo Kiên sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình", luật sư Tiền cho biết.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm, hiện nay trên thế giới đã có nhiều quốc gia xem xét, bỏ hình phạt tử hình, đặc biệt là đối với các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế. Vì vậy, việc quy định các trường hợp không thi hành án tử hình trong Bộ luật hình sự là bảo đảm tính nhân văn của pháp luật hình sự Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về bản chất, những tội phạm liên quan đến lĩnh vực kinh tế, hay tham nhũng đều nhằm mục đích vụ lợi, đạt được lợi ích về vật chất. Mặt khác, việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng cũng chủ yếu dựa trên căn cứ xác định những lợi ích vật chất mà người phạm tội đạt được để từ đó quyết định tội danh và khung hình phạt.

Chính vì vậy, nếu người phạm tội dù có bị phạt tù chung thân, hay bị tử hình mà không có cơ chế để họ trả lại tài sản tham nhũng, hay khắc phục hậu quả, thì cũng không thể giải quyết tận gốc vấn đề.

Tháng 11/2021, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) Nguyễn Duy Linh bị đưa ra xét xử về tội "Nhận hối lộ" với định khung hình phạt cao nhất là tử hình. Quá trình tranh tụng, ông Linh đã tác động gia đình nộp đủ số tiền 5 tỷ đồng nhận hối lộ. HĐXX sau đó đã tuyên phạt bị cáo này 14 năm tù, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Một trường hợp khác, cuối tháng 12/2019, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đại diện VKS đề nghị tuyên án tử hình về tội "Nhận hối lộ" trong vụ mua bán cổ phần tại AVG. Quá trình phiên tòa diễn ra, gia đình ông Son đã nộp tiền, khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Son nhận hối lộ.

Xét tình tiết giảm nhẹ này, HĐXX cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son. Ông Son sau đó bị tuyên án chung thân ở cả 2 cấp xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Theo Dân Trí