NTK Sĩ Hoàng ước mong bảo tồn nghệ thuật hát bội

Vẽ Về Hát Bội đang diễn ra tại Trung tâm thương mại The Garden Mall (từ ngày 1/02 đến 10/02/2018) là dự án tâm huyết của hơn 40 họa sĩ cùng các nhân sự trẻ đến từ nhiều ngành nghề khác nhau.

Một trong những người đồng hành, cố vấn cho dự án còn có NTK Sĩ Hoàng, anh đã tiếp thêm lửa để các bạn trẻ mạnh dạn hơn trong dự án làm về nghệ thuật truyền thống. Đặc biệt hơn nữa, NTK Sĩ Hoàng còn mang đến triển lãm những thiết kế ý nghĩa của mình. 

Giá trị của hát bội chỉ phát huy nhờ thế hệ trẻ

- Xin chào NTK Sĩ Hoàng, cơ duyên nào đã khiến anh gặp gỡ các bạn trẻ của dự án Vẽ Về Hát Bội?

Là Giám đốc Nghệ thuật của Nhà hát Chợ Lớn, với vở diễn “Đêm hoa lệ” đầu tiên khai trương nhà hát vào ngày 30/11/2017- Chúng tôi đã kể câu chuyện của Sài Gòn trong khoảng thời gian từ 1914 đến thập niên 80-90 bằng âm nhạc và trang phục, trong đó có biểu diễn trích đoạn vở tuồng kinh điển của Hát Bội là San Hậu. Tại sảnh của nhà hát cũng trang trí nghệ thuật vẽ mặt của Hát Bội. Có lẽ đó là “tần số tương đồng”để tôi và các bạn trẻ gặp nhau để cùng phát triển dự án Vẽ Về Hát Bội.


NTK Sĩ Hoàng ước mong bảo tồn nghệ thuật hát bội-1 
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

- Anh cảm nhận thế nào về ý tưởng tâm huyết cũng như những tác phẩm mà nhóm họa sĩ trẻ đã thực hiện?

Khi nhận và đọc dự án Vẽ Về Hát Bội từ nhóm họa sĩ trẻ. Tôi cũng là họa sĩ nên lập tức ủng hộ về ý tưởng tâm huyết cũng như những tác phẩm mà nhóm họa sĩ trẻ đã thực hiện. Rất vui khi dự án đã nhận được sự quan tâm rất nhanh, với cam kết hỗ trợ nhiều mặt của nhà tài trợ, vốn đang có chủ trương đồng hành các dự án về văn hóa.

NTK Sĩ Hoàng ước mong bảo tồn nghệ thuật hát bội-2
NTK Sĩ Hoàng cùng NSND Bạch Tuyết và Trác Thúy Miêu thực hiện “Đêm Hoa Lệ” tại Nhà hát Chợ Lớn (Théatre de ChoLon)

- Anh có niềm tin hay chút lo lắng gì khi đề tài Hát Bội được khai thác bởi những người rất trẻ?

Giá trị di sản văn hóa nói chung, nghệ thuật Hát Bội nói riêng có được sự bảo tồn từ thế hệ cha ông, song chỉ được phát huy chính nhờ thế hệ trẻ. Khi được nhận và giao trách nhiệm ấy, tôi có niềm tin các bạn trẻ sẽ biết cách phải làm gì để phát triển sao cho phù hợp với yêu cầu thời đại trên nền giá trị truyền thống. Thực tế chứng minh câu chuyện của Sài Gòn trong vở diễn “Đêm hoa lệ”, đều do các bạn trẻ 8x, 9x đảm trách và tạo ra cảm xúc rất “đời” cho người xem.

Tâm huyết về những giá trị thật của nghệ thuật dân tộc

- Được biết ngoài vai trò là cố vấn, NTK Sĩ Hoàng còn quyết định cùng các bạn họa sĩ trẻ tham gia triển lãm tác phẩm của mình. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

Tôi tham gia bởi một lý do rất đơn giản: chúng tôi cùng là họa sĩ, tuy khác thời và tuổi tác, nhưng cùng tâm huyết không cho phép để lãng quên những giá trị thật của nghệ thuật dân tộc, trong đó có Hát Bội.

NTK Sĩ Hoàng ước mong bảo tồn nghệ thuật hát bội-3 
Diễn viên, người mẫu Thanh Duy tại bộ sưu tập áo dài “Mặt nạ Tuồng” của NTK Sĩ Hoàng tại triển lãm.

- Những tác phẩm của anh tham gia triển lãm lần này có ý nghĩa đặc biệt gì trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình?

Bộ sưu tập áo dài “ Mặt Nạ Tuồng” được thiết kế 1998 để trình diễn trong chương trình Nhan Sắc Sài Gòn. Sau đó tham gia triển lãm áo dài Việt Nam vào năm 2006 tại Mỹ. 

Tranh thảm Mặt Nạ Tuồng là một trong 20 tác phẩm tranh thảm của luận án “ Từ thảm mỹ nghệ đến tranh thảm nghệ thuật” bảo vệ cao học mỹ thuật năm 1998. 

Cả hai tác phẩm với đề tài nghệ thuật vẽ mặt nhân vật trong Hát Bội, tôi đã có được sự đánh giá cao về chuyên môn trong hoạt động thời trang và mỹ thuật hội họa.

NTK Sĩ Hoàng ước mong bảo tồn nghệ thuật hát bội-4

Diễn viên Hồng Ánh bên tranh thảm “Mặt nạ Tuồng” của NTK Sĩ Hoàng.

- Dự án Vẽ Về Hát Bội có mang đến anh những cảm hứng nào khác cho những hoạt động tiếp theo của mình?

Tôi phục chế lại toàn bộ sưu tập áo dài Mặt Nạ Tuồng với trọn vẹn 14 mẫu thiết kế, và sẽ trình diễn tiếp theo trong Lễ Hội Áo Dài - Festival Huế lần thứ 10 vào tháng 4/2018 sắp tới. Nơi nghệ thuật Hát Bội từng được trình diễn như một nghệ thuật bác học Cung đình Huế tại nhà hát Duyệt Thị Đường vào thời Nhà Nguyễn.

- Xin cảm ơn anh!

NTK Sĩ Hoàng ước mong bảo tồn nghệ thuật hát bội-5 

Một trích đoạn Tuồng “Hồ Nguyệt Cô Hóa Cáo” được biểu diễn tại Nhà hát Chợ Lớn trong đêm khai mạc dự án Vẽ Về Hát Bội.

Triển lãm “Vẽ về Hát Bội” diễn ra từ ngày 01/02/2018 đến ngày 10/02/2018 tại sảnh Gallery của Trung tâm thương mại The Garden Mall (190 Hồng Bàng, Quận 5, TPHCM). 

Đến đây, bên cạnh thưởng lãm những bức tranh độc đáo về hát bội, du khách còn có dịp tham gia nhiều hoạt động đặc sắc như vẽ tranh, vẽ mặt nạ hát bội, talkshow, thưởng thức các tác phẩm hát bội kinh điển … 

Vũ Minh

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/giai-tri/showbizplus/ntk-si-hoang-uoc-mong-bao-ton-nghe-thuat-hat-boi-n-145828.html

Tin tức mới nhất