Cơ thủ nữ bức xúc vì phải bỏ tiền túi đi thi đấu

Nguyễn Hoàng Yến Nhi là một trong những nữ cơ thủ tài năng của của bi-a Việt Nam. Nữ cơ thủ này đã từng giành chức vô địch pool 9 bi thành phố Đà Nẵng khi chỉ mới 11 tuổi. Sau đó, cô chuyển sang thi đấu carom 3 băng và trở thành nữ cơ thủ hàng đầu Việt Nam tại nội dung này.

Với nhiều clip chơi bi-a "ảo diệu", Nguyễn Hoàng Yến Nhi được biết đến và được hâm mộ. Bi-a vốn là một niềm đam mê lớn có sức sống lâu bền tại Việt Nam, có cộng đồng phong trào lớn. Việt Nam đã lên tầm thế giới ở bộ môn này, nhưng đáng tiếc bi-a không phải bộ môn có trong chương trình thi đấu Olympic.

Mới đây, nữ cơ thủ đã đưa lên trang cá nhân của mình một tâm sự đầy bức xúc. Trong tâm sự này, Nguyễn Hoàng Yến Nhi đã giới thiệu lại về mình:

"Trước hết em xin nói về thành tích của riêng em khi bộ môn 3 băng dành cho nữ có giải đấu quốc gia đầu tiên: Huy chương bạc SEA Games nội dung Carom 3 băng nữ tại Campuchia; HCV quốc gia nội dung Carom 3 băng nữ tại Bình Thuận; HCV cúp VBSF nội dung Carom 3 băng nữ tại Đà Nẵng; HCV Quốc gia lần thứ 2 liên tiếp nội dung Carom 3 băng nữ tại Vũng Tàu. Gần đây nhất, Huy chương đồng giải Vô địch thế giới nội dung Carom 3 băng nữ tại Pháp.

Như bảng thành tích trên thì hiện tại em đang nhắm giữ tất cả các chức vô địch, cũng như huy chương cao nhất ở các giải đấu trong nước lẫn quốc tế. Trên BXH của Liên đoàn Billiard & Snooker Việt Nam (VBSF) thì em cũng đang là người xếp hạng số 1 trong năm 2023 và 2024".

Nữ cơ thủ hàng đầu Việt Nam viết tâm thư bức xúc khi phải bỏ tiền túi tham dự giải vô địch thế giới-1
Nữ cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi.

Nguyên nhân của việc bức xúc đến từ việc nữ cơ thủ đã phải đóng phí để làm thành viên của Liên đoàn Billiard & Snooker Việt Nam (VBSF) nhưng phải bỏ tiền túi tham dự giải Vô địch thế giới nội dung Carom 3 băng nữ tại Pháp, và dù đã có thành tích nhưng không nhận được sự quan tâm và cũng chưa biết liệu có được thưởng hay không. Yến Nhi chia sẻ:

"Vào tháng 3/2024, VBSF ra thông báo thu tiền để trở thành thành viên Liên Đoàn với số tiền là 500 nghìn đồng/năm, ngoài ra là 200 nghìn đồng để làm thẻ thành viên, tổng số tiền là 700 nghìn đồng/1 VĐV để được tham dự giải Quốc gia.

Em là VĐV của đội tuyển Billiard & Snooker Đà Nẵng nên việc thi đấu giải quốc gia là bắt buộc nên em cũng đã đóng số tiền đó cho VBSF. Khi VBSF tổ chức giải đấu thì cũng đã có thu lệ phí VĐV để chi trả cho giải đấu .

Đến tháng 8/2024, em nhận được thông tin là em và VĐV Phùng Kiện Tường sẽ được suất tham dự giải đấu Vô địch thế giới tại Pháp. Chi phí tham dự giải vô địch thế giới do đơn vị chủ quản chi trả.

Thông tin đưa ra ngay trước giải đấu, Đà Nẵng đã không đưa ra kế hoạch từ đầu năm về số tiền này, chúng em không được nhận sự hỗ trợ này".

Sau đó, Nguyễn Hoàng Yến Nhi và Phùng Kiện Tường đã phải tự bỏ chi phí tham dự giải đấu tại Pháp. Mức chi phí phải bỏ ra là gần 55 triệu đồng/1 người.

Theo nữ cơ thủ thì: "VBSF đã thu tiền VĐV và hoàn toàn không chỉ trả dù chỉ là 1 khoản tiền nhỏ cho chúng em tham dự giải đấu dù thi đấu với tư cách là VĐV đại diện cho Việt Nam. Số tiền VBSF đã thu của chúng em và các VĐV khác, không hỗ trợ cho VĐV đại diện quốc gia thì số tiền này sẽ ở đâu?

Em cảm thấy thật sự rất bất công với các VĐV đang thi đấu và cống hiến cho nước nhà mà không nhận được một khoản chi phí hỗ trợ nào từ VBSF. Vậy câu hỏi được đặt ra là thành lập VBSF để được gì trong khi trước đó khi VBSF chưa thu tiền VĐV thì đơn vị chủ quản của em sẽ tự lên kế hoạch cho việc có VĐV đi thi đấu nước ngoài"

Ngoài ra, Yến Nhi cho biết đã được huy chương đồng tại giải đấu Vô địch thế giới tại Pháp nhưng đến nay cũng chưa nhận được 1 câu chúc mừng hay động viên đến từ phía Liên đoàn Billiard & Snooker Việt Nam.

Liên đoàn Billiard & Snooker Việt Nam: Còn khó khăn tài chính và chưa có cơ chế

Sau khi nữ có thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi lên tiếng, đại diện Liên đoàn Billiard & Snooker Việt Nam đã có những phản hồi. Theo phía VBSF, dù rất muốn hỗ trợ VĐV nhưng nguồn thu của Liên đoàn còn hạn chế, chính vì vậy mà chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho VĐV ra nước ngoài thi đấu, cũng như chưa có tiền thưởng khi có thành tích tại các giải đấu quốc tế.

Theo Liên đoàn Billiard & Snooker Việt Nam, những cơ thủ hàng đầu của Việt Nam như Trần Quyết Chiến, Bao Phương Vinh cũng chưa nhận được cơ chế hỗ trợ kinh phí đi thi đấu nước ngoài.

Ông Đoàn Tuấn Anh - Tổng thư ký Liên đoàn cho biết: "VBSF đã có quyết định cử đoàn VĐV Việt Nam tham dự Giải billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới 2024 tại Pháp. Trong quyết định đã ghi rõ, kinh phí do đơn vị chủ quản của các VĐV bố trí".

Về các khoản thu từ hội viên như cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi đã nêu, ông Đoàn Tuấn Anh cho biết tiền hội phí của thành viên dùng để chi cho các sự kiện thi đấu của VBSF làm trong năm.

Theo đại diện VDSF, tổng giá trị giải thưởng cho 2 giải carom và pool của Liên đoàn đã là 700 triệu đồng. Tiền hội phí từ các thành viên, tối đa chỉ khoảng 350 triệu/năm và không đủ chi dùng.

Đại diện Liên đoàn cho biết luôn mong muốn hỗ trợ VĐV, nếu thời gian tới có nguồn tiền, có cơ chế tốt hơn sẽ thực hiện hỗ trợ kinh phí cho VĐV đi thi đấu quốc tế.

Các môn thể thao nhận được tiền phân bổ từ ngân sách, tuy nhiên được phân chia theo nhiều nhóm các nhau. Billiards & Snooker là môn thể thao thuộc nhóm 3, không phải nhóm những môn được ưu tiên hàng đầu nên tiền được phân bổ từ ngân sách không nhiều.

Thông tin từ một chuyên gia của Cục Thể dục thể thao, nhiều bộ môn, nhiều liên đoàn thể thao hiện không có kinh phí cho VĐV của môn tham dự giải đấu quốc tế ngoài các giải đấu như SEA Games, ASIAD, bởi ngân sách còn eo hẹp.

Với thể thao Việt Nam hiện nay, một số bộ môn đặc thù như golf, tennis hay Billiards & Snooker chủ yếu phát triển từ nguồn xã hội hóa. Theo chuyên gia này, với nhiều môn thể thao "nhà giàu", VĐV Việt Nam trình độ lại "siêu", đó vừa là niềm tự hào mà đôi khi cũng là... nỗi khổ, vì không thể kiếm đâu ra tiền để đủ cho VĐV đi chinh chiến quốc tế, đành chờ đợi ở việc VĐV tự thân vận động.

Trên thực tế, một số gương mặt VĐV xuất sắc, 1 số tài năng thể thao đã nhận được sự tài trợ để tham dự các giải quốc tế, nhà tài trợ có thể nhận lại các quyền lợi quảng cáo thương hiệu, hoặc đơn giản là do tấm lòng, do sự hâm mộ đối với môn thể thao hoặc cá nhân VĐV.

Ngay cả Nguyễn Hoàng Yến Nhi cũng đã có chia sẻ rằng có nhận được sự hỗ trợ xã hội hóa khi tham dự giải vô địch thế giới vừa qua. Tay vợt nữ Nguyễn Thùy Linh ngoài việc nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chủ quản thì còn nhận được tài trợ thì mới có thể liên tục tham dự thi đấu quốc tế để duy trì hoặc tăng thứ hạng.

Cá biệt có những trường hợp VĐV từ golf hoặc bóng bàn là bản thân hoặc gia đình có điều kiện, có tiềm lực tài chính tốt, "chơi thể thao vì đam mê", bỏ tiền túi đi đánh giải theo đúng nghĩa.

Tăng cường xã hội hóa thể thao

Trước đây, Yến Nhi đã 2 lần tham dự giải quốc tế, cả 2 lần đều do ngân sách của Đà Nẵng. Lần này, phải đợi sau khi có kết quả của giải vô địch Quốc gia thì VBSF mới lên danh sách cử VĐV tham dự giải quốc tế.

Giải Billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới không nằm trong kế hoạch ban đầu nên Đà Nẵng đã không kịp hỗ trợ. Thêm nữa, địa phương này lại có đến vài chục môn có VĐV tham dự các giải đấu quốc tế, nên ngân sách địa phương cũng phải khéo "co kéo" để còn dành cho các môn, các VĐV khác.

Sau khi Yến Nhi lên tiếng, cô đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời cả về vật chất lẫn tinh thần từ nhiều tổ chức, cá nhân. Cô chia sẻ: "Vừa qua sau bài viết của em về VBSF, em đã nhận được rất nhiều tình cảm và sự ủng hộ đến từ mọi người, và em thật sự rất biết ơn về điều đó. Em xin chân thành cảm ơn mọi người đã luôn bên cạnh và ủng hộ em.

Hiện tại, có nhiều người và các công ty muốn hỗ trợ lại 100% chi phí cho em, nhưng em đều xin từ chối vì bài viết em đăng lên chỉ để mọi người nhìn nhận khách quan về việc VĐV Việt Nam thi đấu và tham dự các giải đấu quốc tế".

Nữ cơ thủ đã nhận được những khoản tiền 20 triệu đồng, 1.000 USD từ các đơn vị doanh nghiệp, nhận được nhiều những phần thưởng động viên tinh thần từ người hâm mộ với những giá trị khác nhau là 500 nghìn đồng, 1 triệu đồng, 2 triệu đồng. Trong đó, cả người đàn anh là cơ thủ Bao Phương Vinh cũng bỏ tiền túi động viên tinh thần cơ thủ nữ đàn em với số tiền là 100 USD.

Người hâm mộ cũng cảm thấy ấm lòng, và vui, bởi đây là những gì mà Yến Nhi xứng đáng nhận được.

Ngay từ đầu, nữ cơ thủ nói rằng mình "lên tiếng bởi muốn nói ra nỗi lòng của VĐV". Yến Nhi cũng đã đặt câu hỏi rằng "còn các VĐV khác thì sao?".

Nữ cơ thủ hàng đầu Việt Nam viết tâm thư bức xúc khi phải bỏ tiền túi tham dự giải vô địch thế giới-2
Xã hội hóa thể thao mạnh mẽ hơn nữa, chăm lo tốt cho đời sống tinh thần của nữ VĐV, lắng nghe tiếng nói của họ là điều nên làm.

Vấn đề đặt ra sau câu chuyện của nữ cơ thủ này trước hết là cần sự phối hợp tốt hơn giữa đơn vị chủ quản, địa phương và các Liên đoàn thể thao trong hỗ trợ VĐV. Bên cạnh đó, khi vấn đề "tiền" còn khó khăn, Liên đoàn cần phải chủ động hơn nữa trong hỗ trợ tinh thần cho VĐV.

Những lời khen ngợi, động viên tinh thần kịp thời khi VĐV đạt thành tích quốc tế cũng rất có giá trị. Đưa ra những lời động viên luôn là việc đơn giản, dễ làm, không hề khó khăn bởi không cần đến kinh phí.

Sau khi Yến Nhi lên tiếng, nhiều người hâm mộ đã lo lắng đến việc nữ cơ thủ này có thể sẽ gặp khó khăn trong quá trình thi đấu sắp tới. Việc trân trọng các tài năng thể thao, đặc biệt là các nữ VĐV, lắng nghe tiếng nói thẳng thắn của họ, tiếp tục tạo điều kiện thi đấu là điều cần làm.

Không chỉ riêng Liên đoàn Billiard & Snooker Việt Nam, các liên đoàn, các bộ môn thể thao đều cần chủ động tìm ra biện pháp xã hội hóa thể thao, tìm thêm những sự hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động của chính mình và sau đó là cho bản thân các VĐV. Với nữ VĐV, còn cần tìm các phương án hỗ trợ cuộc sống lâu dài cho VĐV thể thao sau giải nghệ.

Chỉ có xã hội hóa thể thao mạnh mẽ, phong trào chung phát triển vừa có bề rộng vừa có chiều sâu, các nữ VĐV được quan tâm hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần thì thể thao Việt Nam mới tiếp tục có được những thành công mới.

Theo Phụ nữ Việt Nam