Ngày 5/12, Tiến sĩ Lại Bình Nguyên, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), cho biết trong thời gian qua, ông thường xuyên tiếp nhận các ca biến chứng sau khi làm đẹp như nâng mũi, mắt.

Gần đây nhất, một nữ tiếp viên hàng không vào bệnh viện khám trong tình trạng mũi lệch, sống mũi di động, có thể xoay sang 2 bên. Theo chia sẻ, nữ khách hàng này nâng mũi đặt sụn silicon cấu trúc tại TPHCM.

Tuy nhiên, sau phẫu thuật, chiếc mũi dần thay đổi, biến dạng. Sống mũi dịch chuyển sang bên phải gây mất thẩm mỹ. Bản thân người bệnh rất tự ti nhưng không biết nên sửa ở đâu, ám ảnh tai biến thêm.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tại đây tư vấn và bắt đầu phẫu thuật rút vật liệu độn nhân tạo, làm sạch khoang đặt sống mũi. Người bệnh được thiết kế tạo dáng sống mũi và đầu mũi bằng phương pháp ghép trung bì mỡ có độ an toàn và tương thích sinh học cao. 

Nữ tiếp viên hàng không cầu cứu bác sĩ với chiếc mũi lệch sang phải-1
Bác sĩ Nguyên thực hiện một ca phẫu thuật. Ảnh: BSCC.

Một trường hợp khác là bệnh nhân N.H.V (23 tuổi, Long Biên, Hà Nội) vào khám tư vấn sau khi nâng mũi tại nhiều cơ sở khác nhau.

Theo bác sĩ Nguyên, nữ bệnh nhân đã thực hiện 7 lần nâng mũi trong 6 tháng. Mỗi lần mổ, V. hi vọng sẽ đẹp hơn nhưng không chờ đợi vết thương ổn định. Cô gái lại tiếp tục đến chỗ khác sửa và liên tiếp phẫu thuật. 

Kết quả, khi tới bệnh viện, chiếc mũi đã biến dạng, lỗ mũi bị chít hẹp lại, sẹo xơ hóa toàn bộ vùng mũi. Với trường hợp này, các bác sĩ đưa ra liệu trình cần tái tạo lại mũi và chờ đợi 4-6 tháng sau liền sẹo mới có thể tiếp tục phẫu thuật lại. Tuy nhiên, cô gái trẻ không chờ đợi được và muốn phẫu thuật đẹp ngay lập tức. Các bác sĩ không thể chỉ định theo ý khách hàng nên bệnh nhân bỏ về.

Trong các biến chứng thẩm mỹ vùng hàm mặt, bác sĩ Nguyên gặp phổ biến nhất là mũi. Nhiều trường hợp vào bệnh viện với tình trạng thủng mũi, lòi sụn nhận tạo, đầu mũi mỏng đỏ. Nhiều người Việt muốn nâng mũi và làm quá cao khiến da mũi bị căng và lộ sụn sống mũi. Chiếc mũi bị thô cứng, mất vẻ tự nhiên, tăng nguy cơ lệch vẹo.

Theo bác sĩ Nguyên, việc bọc sụn có thể lấy sụn ở tai hoặc sụn sườn tự thân để cấy ghép tạo hình chóp mũi hạn chế gây mỏng, đỏ da đầu mũi, lộ chất liệu sau thời gian dài. Nhiều khách hàng sợ đau nên lựa chọn sụn nhân tạo. Nếu người phẫu thuật không lựa chọn chất liệu tốt, không đảm bảo vô trùng sẽ dẫn tới nhiễm trùng, đào thải sụn.

Đặc biệt, các trường hợp biến chứng, sửa lại nhiều lần không đúng có thể dẫn đến cấu trúc ở vùng mũi bị tiêu. Khi đó, việc tạo hình lại chỉ ở chừng mực nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Thực tế, không ít bệnh nhân than thở, xin bác sĩ “chỉ cần chỉnh lại mũi tẹt ban đầu”.

Hiện nay, nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ của người dân rất lớn. Vì vậy, nhiều cơ sở thẩm mỹ ra đời có cấp phép hoặc thực hiện trá hình dưới hình thức spa. Theo quy định, phẫu thuật thẩm mỹ với các tác động xâm lấn vào cơ thể đòi hỏi cơ sở làm đẹp phải được cấp phép và phẫu thuật viên có giấy phép hành nghề về lĩnh vực thẩm mỹ. Khi khách hàng không tìm hiểu kỹ, trông đợi vào các quảng cáo dễ dẫn đến tiền mất tật mang. 

Để ngăn ngừa hạn chế biến chứng sau nâng mũi, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, khi có nhu cầu làm đẹp, cần đến những cơ sở y tế được cấp phép có đủ trang thiết bị, thuốc cấp cứu. Phẫu thuật phải được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, có kinh nghiệm. 

Theo Vietnamnet