Sau 3 tiếng livestream (phát trực tiếp), Cat (25 tuổi) ngồi bệt xuống ghế, đưa tay lên uể oải tháo bộ tóc và lông mi giả.
"Tôi sẽ chẳng đời nào ra đường nhảy nhót nếu không phải cố gắng mưu sinh", cô thở dài nói.
Cô gái đến từ quận Vĩnh Xuyên, thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) là streamer (người phát trực tiếp) bán thời gian. Kể từ tháng 12/2023, gần như mọi ngày cứ sau giờ làm, cô đều tới con phố mua sắm Đông Môn ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) livestream hát và nhảy để kiếm tiền.
Các streamer trên khắp Trung Quốc đang đổ xô đến "thiên đường livestream" Đông Môn.
Sự xâm chiếm của "đội quân livestream"
Những người phát trực tiếp từ khắp Trung Quốc đổ xô đến Đông Môn trong tháng qua, biến con phố đi bộ dài 200m này thành "thiên đường livestream" mới nổi. Trong giờ cao điểm chiều hoặc tối, Đông Môn bị xâm chiếm bởi các streamer như Cat, một số thu hút đông đảo người xem, theo Think China.
Hầu hết streamer đều cố gắng phô diễn tài năng của mình như ca hát, nhảy múa, bày trò giải trí đường phố, thậm chí là ăn mặc kỳ dị hoặc thực hiện những hành động kỳ quái. Điều quan trọng không phải là có màn trình diễn mãn nhãn mà là câu kéo đủ sự chú ý.
Giống như những người hát rong, các streamer này kiếm tiền thông qua sự ủng hộ của khán giả. Nhưng không gian biểu diễn đã chuyển sang trực tuyến, vượt ra khỏi sự giới hạn về mặt địa lý.
Sự nổi tiếng bất ngờ của Đông Môn là nhờ Bao Bao - ngôi sao livestream ở Trung Quốc với hơn một triệu lượt theo dõi. Khi phát trực tiếp trên con phố 300 tuổi này, cô nàng đã thu hút lượng lớn người hâm mộ mới, gia tăng mức độ nổi tiếng và khiến cho các streamer khác bắt chước theo.
Orange One (27 tuổi, đến từ thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) cất công lặn lội 5 ngày từ Thẩm Dương đến Thâm Quyến với hy vọng tiếp bước Bao Bao livestream ở Đông Môn. Dù làm nghề phát trực tiếp 5 năm nay, cô mới chỉ có gần 20.000 lượt theo dõi trên mạng xã hội Douyin. Trước đây, cô chủ yếu livestream ở nhà.
"Ngay cả ngành công nghiệp phát trực tiếp cũng đã bão hòa. Nếu tôi chỉ livestream trong nhà, người hâm mộ sẽ cảm thấy nhàm chán, dù tôi hát hay, nhảy đẹp cỡ nào đi nữa. Thu nhập của tôi sẽ giảm mạnh", cô than thở.
Một người phát trực tiếp thu hút đám đông ở Đông Môn.
Hầu hết streamer đều ngại nói về thu nhập. Khi được gặng hỏi, Orange One úp mở rằng, lúc cao điểm, cô có thể kiếm tới 20.000 nhân dân tệ (hơn 68 triệu đồng) một đêm. Tuy nhiên, những ngày đó đã quá xa vời. Hiện tại, thu nhập trung bình hàng ngày của cô chỉ vài trăm hoặc nhiều nhất là vài nghìn nhân dân tệ.
"Trước đây, chỉ cần có sự ủng hộ từ các "đại ca" hào phóng xem kênh, việc kiếm tiền sẽ dễ dàng hơn nhiều. Hiện nay, tình hình kinh tế không còn tốt như những năm trước, chính quyền cũng đang tăng cường quản lý trong lĩnh vực này. Chúng tôi chỉ có thể tìm cách tồn tại", cô nói.
"Đại ca" dùng để chỉ fan (người hâm mộ) có nhiều đóng góp nhất trong buổi phát trực tiếp. Những năm gần đây, nhiều nữ streamer tìm mọi cách để giành được sự ưu ái của các khán giả trung thành này, thậm chí đồng ý gặp mặt ngoài đời. Tuy nhiên, một số trường hợp kết thúc trong bi kịch.
Để kìm hãm ngành livestream hỗn loạn, chính phủ Trung Quốc đưa ra các quy định mới nhằm quản lý tiền thưởng phát trực tiếp vào giữa năm 2022. Điều này đã xóa bỏ danh hiệu "đại ca" và gián tiếp hạn chế những khoản tặng lớn.
Orange One cho rằng, các streamer phải thay đổi chiến thuật và tập trung vào việc tăng số lượng thay vì chất lượng của fan. Những con phố nhộn nhịp ở Đông Môn chính là cơ hội tốt để lôi kéo sự chú ý của người qua đường và có thêm lượng fan mới.
Việc các streamer tập trung tại một địa điểm cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tương tác trực tiếp, nâng cao không khí livestream và tăng giá trị giải trí.
Được chú ý nhiều hơn nhưng thu nhập không đổi
Orange One thẳng thắn cho biết, hầu hết streamer đều được chú ý nhiều hơn sau khi phát trực tiếp ở Đông Môn. Thế nhưng, thu nhập thực tế của họ không tăng đáng kể vì người hâm mộ mới khó có thể tặng tiền.
"Thực tế, tất cả chúng tôi đều biết điều này trước khi đến Đông Môn nhưng không thể chỉ nhìn vào thu nhập hiện tại. Thu hút người hâm mộ mới là lập kế hoạch cho tương lai, chơi trò chơi lâu dài", cô nói.
Bên cạnh những người biểu diễn trực tiếp, hầu hết streamer đổ xô đến Đông Môn chỉ trò chuyện và tương tác với người xem trực tuyến. Với sự dễ dãi của ngành này, cơn sốt livestream ở Đông Môn cũng thu hút nhiều người thất nghiệp tham gia.
He Jiaxing (26 tuổi, đến từ thành phố Lâu Để, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) bị sa thải khỏi một nhà máy sản xuất lò xo ở Thâm Quyến vào đầu tháng 12 năm ngoái. Thất nghiệp là cơ hội để anh bước ra khỏi vùng an toàn và làm quen với ngành phát trực tiếp.
He vừa kết thúc buổi livestream đầu tiên ở Đông Môn. Trong vòng chưa đầy 2 tiếng, anh đã kiếm được hơn 200 nhân dân tệ (gần 690.000 đồng), vượt mục tiêu dự kiến. Dù có hơn 200 người vào xem livestream của He, chỉ có 5-6 người ở lại và hầu hết là người quen, bạn bè ủng hộ anh.
"Có lẽ rất khó kiếm sống theo kiểu này. Tôi chỉ làm tạm bợ để chờ ra Tết Nguyên đán sẽ nghiêm túc đi tìm việc làm", anh nói.
Xu hướng phát trực tiếp ở Đông Môn đã khơi dậy sự tò mò và chú ý của người dân Thâm Quyến. Không ít người đến để trải nghiệm không khí livestream. Nhiều cơ sở kinh doanh gần Đông Môn cho biết, lượng người đi bộ trên phố tăng đột biến đã thúc đẩy doanh số bán hàng, tăng khoảng 20-30%.
Tuy nhiên, việc "đội quân livestream" xâm chiếm con phố mang tính biểu tượng với dân cư địa phương đã gây ra những phản ứng trái chiều.
Một số người cho rằng, việc phát trực tiếp đã thổi sức sống mới vào con phố đi bộ đang dần mất đi nét đặc sắc, phản ánh tinh thần hòa nhập và cởi mở ở Thâm Quyến. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích sự hỗn loạn do các streamer ở Đông Môn tạo ra, đặc biệt là những điệu nhảy phản cảm trong trang phục hở hang, làm tổn hại đến hình ảnh của thành phố.
Biển hiệu điện tử ở ngã tư phố đi bộ Đông Môn có nội dung: "Hãy đến đây nếu bạn muốn nổi tiếng".
Cơ quan chức năng chưa dẹp tình trạng livestream tại Đông Môn mà chỉ quy định từ giữa tháng 1 rằng, các streamer phải đăng ký trước khi phát trực tiếp. Ngoài ra, họ không thể livestream trên đường phố chính khi lượng người qua lại đông đúc để tránh tắc nghẽn. Tuy nhiên, ngay cả khi tuân theo các quy định mới, cơn sốt phát trực tiếp ở Đông Môn vẫn tiếp tục.
Biển hiệu điện tử lớn ở ngã tư phố đi bộ Đông Môn có nội dung "Hãy đến đây nếu bạn muốn nổi tiếng", như lời mời chào các streamer.
Trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức và mức tiêu thụ yếu của Trung Quốc, các nhà chức trách dường như đang hy vọng tận dụng xu hướng phát trực tiếp để khôi phục các hoạt động kinh tế ở Đông Môn.
Tuy nhiên, hầu hết streamer đều chạy theo xu hướng để câu kéo lượt xem và lợi nhuận. Cách Đông Môn giữ chân những người phát trực tiếp và biến nền kinh tế livestream thành một hiện tượng bền vững là bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách ở đây.
Theo Dân Trí