Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang 'đàn con' tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ

Suốt 20 năm qua, niềm an ủi lớn nhất của ông Thành là nhìn thấy đàn cún mà ông xem như con được sống khỏe mạnh.

Người dân sống quanh góc đường Ngô Quyền - Nguyễn Chí Thanh (Quận 5, TP.HCM) không còn lạ gì với chiếc xe ba gác tự chế để lượm ve chai, chở theo một "đàn con" tật nguyền của ông Võ Văn Thành (52 tuổi).

Không người thân cũng chẳng có nhà cửa, chiếc xe ba gác tự chế chính là nơi che mưa che nắng cho ông Thành và ''đàn con'' ngày qua ngày giữa Sài Gòn hoa lệ.

''Chó là bạn, không phải thức ăn''

Mỗi ngày, chiếc xe ba gác của ông Thành lại thu hút sự chú ý của nhiều người với dòng chữ: ''Không bán chó. Chó là bạn, không phải thức ăn''. Chiếc xe chở theo 9 chú chó tật nguyền, già yếu, nhưng đó là cả một tài sản vô giá với ông Thành.

Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang đàn con tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ-1
Ông Thành bên chiếc xe ba gác tự chế.

Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang đàn con tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ-2
Khẩu hiệu mà ông Thành luôn tâm niệm.

''Hồi còn trẻ, tôi làm nghề phụ hồ ở quê Bình Dương. Cuộc sống lúc đó gặp nhiều biến cố, vợ chồng ly hôn, hai đứa con thì nghiện ngập, hút chích nên tôi cũng từ mặt, bỏ quê vào Sài Gòn kiếm sống.

Khoảng năm 1995, tôi đi làm gần lò mổ chó, thấy tội, nên tôi mua lại một con chó nhỏ với giá 300 ngàn về nuôi. Sau này lại gặp mấy con chó già, chó tật người ta bỏ rơi cũng cứu. Cứ thế, nuôi chúng nó cho tới bây giờ'' - Ông Thành kể lại.

Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang đàn con tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ-3
Chiếc xe ba gác chở những chú chó tật nguyền.

Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang đàn con tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ-4
Tất cả đều bị bỏ rơi rồi được ông Thành nhận về nuôi.

Thời gian đầu khi mới về ở với ông, mấy chú chó đều rất nhút nhát, đôi khi rất hung dữ vì sợ con người. Nhưng bằng tất cả sự thương yêu, ông Thành cũng dần 'cảm hóa' được chúng. Mỗi chú chó đều được ông Thành đặt cho một cái tên riêng, xưng hô là 'ba - con', được ông chăm sóc và dạy dỗ như những thành viên trong gia đình.

''Với tôi, chó cũng như con người. Nó không chỉ biết ăn, ngủ mà nó còn biết suy nghĩ, biết bày tỏ cảm xúc. Chẳng qua là vì chúng nó không nói được thôi. Tôi tâm niệm, không bán hay ăn thịt chó. Người nào đến xin mà chân thành lắm tôi mới cho chứ không cho bậy bạ. Nếu không thì lại tội chúng nó'' - Ông Thành tâm sự.

Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang đàn con tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ-5
Ông Thành thủ thỉ với những ''đứa con'' của mình.

Nhặt ve chai vẫn cố để ''các con'' có bữa ăn ngon

Vốn không biết nhiều chữ, tuổi lại càng cao, vì thế nên ông Thành không có được một công việc ổn định nào. Hằng ngày, ông phải đi lượm ve chai để trang trải qua ngày. Từ lúc nuôi đàn chó, cuộc sống đã khó khăn, nay lại còn phải ''thắt lưng buộc bụng'' hơn.

Mỗi ngày, ông Thành đều chạy xe xung quanh các tuyến đường để lượm chai nhựa. Đàn chó cũng đi theo ông trên chiếc xe ba gác. ''Có buổi đang lượm chai thì trời mưa. Thế là mấy ba con núp dưới tấm bạt, nào tạnh mưa thì đi lượm tiếp. Chúng nó cũng chẳng la hét gì mà còn thích thú đi theo tôi đến mọi nơi''.

Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang đàn con tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ-6
Ông Thành mưu sinh bằng nghề lượm ve chai.

Tiền ve chai bán được mỗi ngày chỉ khoảng 40 - 50 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi chẳng đủ để ông Thành cùng 9 ''đứa con'' lo đủ ngày 2 bữa ăn. Tuy vậy nhưng lại may mắn, ông Thành nhận được sự giúp đỡ của nhiều người đi đường, người cho tiền, người cho thức ăn nuôi chó. Sử dụng tiết kiệm, cuộc sống của mấy ba con cũng không quá no, nhưng đủ để không bị đói.

''Tôi sợ có một ngày…''

Đen - chú chó bị tật một chân mà ông Thành nuôi từ lúc mới sinh. Với ông Thành, Đen là cả một kỷ niệm đẹp nhưng cũng là nỗi lo sợ của ông hàng ngày.

''Mẹ của Đen là Bích La, tôi mua nó về từ một lò mổ. Bích La khôn lắm, bình thường nhìn nó hiền, nhưng không ai đụng vào được một món đồ gì của ba và nó.

Lúc Đen mới sinh ra được 4 ngày, Bích La bị người ta bắt trộm. Tội con Đen lắm, bị mồ côi mẹ, mà còn bị tật một chân. Sau này tôi nhìn Đen là cứ nhớ Bích La, nhưng rồi cũng sợ chúng nó bị bắt mất như Bích La vậy'' - Ông Thành nhớ lại.

Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang đàn con tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ-7
Đen bị tật một chân từ nhỏ.

Sợ những ''đứa con'' của mình đi lạc rồi bị bắt mất, ông Thành nhờ người khắc tên mình và số điện thoại lên tấm thẻ rồi đeo lên cổ cho chúng. Trên tấm thẻ kèm theo dòng chữ: ''Con thương ba Thành lắm, xin đừng bắt con. Gọi ba con chuộc con về''.

Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang đàn con tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ-8
Tấm thẻ ông nhờ người khắc lên để đeo cho các ''con''.

Không chỉ sợ ''mất con'', ông Thành luôn lo lắng sức khỏe của bọn chúng còn hơn cả chính bản thân mình. Vì có tật, một số lại già yếu, đàn chó rất dễ bị bệnh. Có khi bệnh vặt thì mau khỏi, còn nếu bị nặng thì phải đưa đi bác sĩ thú y, tốn kém bao nhiêu ông Thành cũng trả để cứu ''con'' của mình. Chỉ sợ đến một ngày, ông không còn đủ sức để lo cho các ''con'' được như bây giờ.

''Như con Gấu này, bị mấy đứa kia cắn sứt da đầu. Tôi phải đưa đi thú y, cố định đầu nó lại để không bị đụng đau. Tôi thà là tôi bệnh, nhưng đừng để chúng nó bị gì. Mỗi lần chúng nó bệnh thì tôi cũng chẳng có tinh thần mà đi lượm ve chai. Tiền người ta cho, tôi cũng để dành để lo cho chúng nó chứ cũng không dám xài. Có khi tôi bệnh cũng không dám mua thuốc để uống'' - Ông Thành nói.

Người cha già nhặt nhạnh từng chiếc ve chai, cưu mang đàn con tật nguyền giữa Sài Gòn hoa lệ-9
Gấu được ông Thành chăm sóc cẩn thận khi bị bệnh.

Giữa thành phố náo nhiệt, đông đúc, chiếc xe ve chai chở ''đàn con'' của ông Thành đã lặng lẽ lăn bánh suốt 20 năm qua. Chiếu đất màn trời, cuộc sống gian truân ''rày đây mai đó'', nhưng với ba con ông, đó là cả một điều tuyệt vời.

Theo Baodatviet


thú cưng

Tin tức mới nhất