Cô gái Việt xinh đẹp chi 6 tỷ đồng học lái máy bay, kể góc khuất trong nghề
Diệu Thúy phải "bán mạng" 2,5 năm ở hãng hàng không năm sao. Khi làm cơ phó, vị trí mà mọi người nghĩ có thể "hái ra tiền", cô cũng phải đối phó với không ít khó khăn và rào cản về sức khỏe, thể lực và tâm sinh lý.
Từ bỏ hào quang và bước ngoặt cuộc đời ở tuổi 24
Nguyễn Trần Diệu Thúy (34 tuổi, hiện sống ở TPHCM) là một trong số những nữ phi công người Việt ít ỏi ở Việt Nam hiện nay.
Để ngồi ở vị trí buồng lái - nơi được xem như trái tim, bộ não của chuyến bay, đảm bảo an toàn cho hàng trăm tính mạng cùng tài sản của cá nhân và quốc gia, cô gái miền quê nghèo Quảng Trị đã phải trải qua vô vàn thử thách từ áp lực về mức học phí tiền tỷ tới những ngày nỗ lực gấp 5 gấp 10 hoàn thành các khóa huấn luyện khắc nghiệt...
Thậm chí, khi đã có được tấm bằng phi công, cô vẫn phải đối diện với những gian nan từ quá trình xin việc - nghề mà người đời vẫn nghĩ có thể "hái ra tiền" này.
Diệu Thúy từng là một diễn viên đảm nhận nhiều vai chính.
Từ khóa "phi công" vốn không có trong kế hoạch nghề nghiệp trước đây của Diệu Thúy. Sở hữu ngoại hình xinh đẹp, năm 2008, cô gái quê Quảng Trị tham gia một vài cuộc thi nhan sắc tuổi teen.
Những năm sau đó, Thúy vừa đi học vừa thử sức với lĩnh vực điện ảnh. Nhờ vẻ ngoài xinh đẹp và khả năng hóa thân vào nhân vật, cô nhận được vai chính trong các bộ phim như Dốc sương mù, Huyền thoại 1C, Bên kia sông, Người giúp việc, Những mảnh đời giông bão...
Thành công của cô thời điểm ấy là niềm mơ ước của không ít diễn viên trong nghề. Song tham gia đóng phim một thời gian, Diệu Thúy nhận thấy bản thân mình không hợp ở lại giới showbiz nên quyết định rời xa màn ảnh.
Nhiều người biết chuyện trách cô dại dột. Tuy nhiên, đáp lại Diệu Thúy chia sẻ: "Tôi chọn một con đường khó khăn hơn, nhưng bản thân được vùng vẫy, được làm những công việc phù hợp với cá tính, được cọ xát, được nhìn thấy thế giới".
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Đại học Tôn Đức Thắng chuyên ngành kỹ sư an toàn, Diệu Thúy vào làm việc trong một nhà máy sản xuất đồ nội thất của Mỹ. Công việc đảm bảo an toàn cho 3 nhà máy với 11.000 công nhân vất vả và nhiều áp lực.
Thu nhập từ công việc này so với các ngành nghề khác 10 năm trước đây không hề thấp - 800USD (khoảng 16 triệu đồng thời điểm đó). Song cô dường như không có thời gian cho bản thân.
Đang là một kỹ sư kiêm diễn viên, cô gái Quảng Trị quyết định thay đổi bản thân để nuôi một giấc mơ lớn.
Mỗi ngày rời công ty, Diệu Thúy lại lao ngay đến trung tâm ngoại ngữ để nâng cao trình độ tiếng Anh của mình. Một ngày, Thúy nhận ra, mình cần phải vượt ra khỏi vòng xoáy công việc với lộ trình quen thuộc từ nhà đến công ty.
Bản thân cần phải đi nhiều nước, nhìn thấy nhiều nền văn hóa, gặp gỡ nhiều bạn trẻ, học hỏi tư duy của họ thì mới có cơ hội phát triển được.
Cuối năm 2013, 24 tuổi, cô kỹ sư quyết định nghỉ việc, đi du lịch trải nghiệm. Một lần khi lang thang trên mạng, Diệu Thúy tình cờ thấy thông tin tuyển tiếp viên của Etihad Airways - hãng hàng không 5 sao ở Dubai. Diệu Thúy nộp hồ sơ và không ngờ trúng tuyển.
Bước ngoặt cuộc đời cô bắt đầu từ đây.
Làm việc tại Etihad Airways, cô gái trẻ có cơ hội đến và tìm hiểu nền văn hóa của hơn 50 quốc gia, học hỏi nhiều về kiến thức chuyên môn hàng không. Đặc biệt cô nhận về mức thu nhập "khủng" mỗi tháng.
"Làm việc trên máy bay, vì là "dân kỹ thuật" nên tôi thường thể hiện sự tò mò về các thông số, đồng hồ, máy móc.
Một lần, khi cho tôi xem tờ kế hoạch bay, một vị cơ trưởng rất bất ngờ về khả năng đọc các thông số liên quan của tôi. Vị cơ trưởng khẳng định, tôi có tố chất trở thành một phi công", Diệu Thúy chia sẻ.
Cuộc trò chuyện tình cờ khiến Diệu Thúy nuôi dưỡng ước mơ làm chủ bầu trời. Nhưng liệu giấc mơ đó có quá xa vời nhất là khi Diệu Thúy là con gái, kinh tế gia đình không giàu có, trong khi chi phí cho ngành học này lên tới nhiều tỷ đồng.
Diệu Thúy chia sẻ, cô là người gốc Quảng Trị, bố là công chức, mẹ là nhà giáo nên không có tiền cho cô học chương trình phi công. Toàn bộ học phí khoảng 6 tỷ đồng, cô đều phải tự dành dụm, vay mượn.
Chia sẻ về quá trình tích lũy tài chính để nuôi ước mơ lớn, Diệu Thúy cho hay, năm 2008, sau khi tham gia cuộc thi nhan sắc tuổi teen, cô may mắn có được chút ít tiền thưởng cùng một vài hợp đồng quảng cáo.
"Năm ấy, tôi để dành được 100 triệu đồng. Là người nhà quê, tôi không ăn diện, không la cà, không mua sắm. Việc ăn học gói gọn trong số tiền bố mẹ gửi hàng tháng. Toàn bộ tiền kiếm được, tôi nhờ chị gái giữ hộ", Diệu Thúy chia sẻ.
Từ năm 2009 đến 2013, khoảng thời gian vừa đi học vừa đóng phim, Diệu Thúy ở cùng chị gái để nhờ chị hỗ trợ thu xếp việc học và hoạt động nghệ thuật.
Bốn năm miệt mài đi học, tham gia 6 vai chính, hơn 30 quảng cáo và đảm bảo nguyên tắc chi tiêu không vượt quá 1,5 triệu đồng/tháng, cô gái Quảng Trị tích lũy được 1,6 tỷ đồng.
Cuối năm 2013, khi nghỉ việc ở công ty, Diệu Thúy đầu quân cho Etihad Airways và nhận mức lương "khủng" 70 triệu đồng, sau đó tăng lên 100 triệu đồng/tháng.
Thời điểm ấy, hãng nhập các máy bay thân siêu rộng, 2 tầng A380. Diệu Thúy nằm trong số những nhân lực đầu tiên được huấn luyện khai thác. Vì lý do huấn luyện phức tạp nên không có quá nhiều tiếp viên đảm nhận vị trí này.
Diệu Thúy từng trải qua thời gian làm việc căng thẳng ở hãng hàng không 5 sao.
"Vì thiếu nhân lực, tôi phải bay rất nhiều và giờ nghỉ giữa các chuyến bay luôn là tối thiểu (đúng với luật quy định) nhưng lại không đủ thời gian để cơ thể phục hồi. Tôi làm việc với số giờ tối đa, nghỉ ngơi tối thiểu.
Sau 2,5 năm 'bán mạng', bào mòn sức khỏe ở hãng hàng không 5 sao, tôi tích lũy được hơn 4 tỷ đồng. Tôi ngây thơ nghĩ rằng thế là quá đủ để hoàn thành giấc mơ phi công. Nhưng không, chi phí không lường tới lớn hơn nhiều", Diệu Thúy chia sẻ.
Trừ đi 4 tỷ đồng chắt chiu suốt 6 năm và các hỗ trợ từ chương trình học phi công cơ bản của Việt Nam Airlines, Diệu Thúy còn thiếu gần 2 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn khiến cô muốn "nghẹt thở".
Thời điểm này, cô chỉ còn biết "cầu cứu" gia đình. Bố mẹ Thúy đã vét sạch số tiền 420 triệu đồng tiền tiết kiệm đầu tư cho con gái.
Chị gái Thúy vốn là một công chức Nhà nước nên kinh tế chỉ ở mức trung bình. Người chị sau đó đã đi vay 500 triệu đồng để em gái nuôi giấc mơ phi công. Số tiền còn thiếu, Diệu Thúy buộc đi vay ngân hàng.
"Phi công là nghề hào nhoáng hay như nhiều người vẫn nói là 'hái ra tiền'. Song để có được tấm bằng phi công là điều không dễ dàng, nhất là với những gia đình không có tiềm lực kinh tế như gia đình tôi", Diệu Thúy nhớ lại những ngày ngược xuôi lo tiền học.
Cô là một trong những thành viên nữ hiếm hoi của khóa huấn luyện ở Mỹ.
Chi 30-40 triệu đồng thuê máy bay, lấy bằng sớm để tiết kiệm chi phí
Diệu Thúy bắt đầu học phi công từ tháng 6/2016. Với cô, đó là khoảng thời gian khắc nghiệt nhất. Cô phải ghi nhớ hàng loạt kiến thức phức tạp về vận tải hàng không, lý thuyết hàng không chuẩn châu Âu.
Mỗi ngày, cô phải học từ 6h đến 12h đêm. Nhìn gần nửa lớp bỏ cuộc vì nợ môn, Thúy cũng có chút nao núng. Nhưng cô không cho phép mình dừng lại vì nếu dừng lại đồng nghĩa với việc bao nhiêu cố gắng bỏ ra sẽ chẳng còn nghĩa lý gì.
Sau khoảng thời gian học ở trong nước, tháng 5/2017, Diệu Thúy tiếp tục sang Mỹ học thực hành bay. Các khoản chi phí sinh hoạt, thuê nhà, thuê máy bay, thuê thầy dạy… khiến Thúy lo sốt vó.
Cô chi tiêu tiết kiệm hết mức, di chuyển bằng xe đạp, tự nấu ăn, không chơi bời và đặt mục tiêu phải hoàn thành khóa học trong 12 tháng, trong khi các học viên thường phải mất 2 năm để hoàn thành khóa học này.
Một ngày, cô gái trẻ bay 4 chuyến để cải thiện kỹ năng, vận dụng lý thuyết vào thực hành. Những học viên cùng lớp 2 ngày mới bay 1 chuyến nhìn Thúy không khỏi khâm phục.
"Một bài bay tôi phải bỏ ra 30-40 triệu đồng để thuê máy bay, thuê thầy, trả tiền sân bay, nộp thuế... Tôi xót lắm vì phải chắt chiu từng đồng", Diệu Thúy nhớ lại.
Diệu Thúy thời điểm nhận bằng tốt nghiệp trên đất Mỹ.
Bằng nỗ lực của mình, 9 tháng sau, Diệu Thúy cũng cầm được các tấm bằng phi công cơ bản trên tay, sớm hơn dự định 3 tháng. Diệu Thúy hoàn thành khóa học khắt khe với số điểm cao.
Các bằng phi công cơ bản mà cô đã có được là: Phi công tư nhân, phi công bay thiết bị dẫn đường, phi công khai thác thương mại hai động cơ, phi công bay kết hợp tổ lái.
Hành trình học tập chưa dừng lại ở đó khi cô còn học thêm về máy bay phản lực JETfarm, bay theo tổ lái tiêu chuẩn của Việt Nam Airlines tại Trường PC Bay Việt.
Sau đó, cô lại tiếp tục sang châu Âu huấn luyện chuyển loại từ máy bay cánh quạt sang máy bay phản lực Airbus 320...
Vỡ mộng khi đi xin việc ở trời Âu, cơ hội chỉ 0% và quyết định trở về Việt Nam
Sau khi đi học ở Mỹ, Diệu Thúy không về Việt Nam ngay mà xin việc ở Pháp. Thời điểm đó, cô đã làm thủ tục định cư ở Pháp được vài năm nên có ý định gắn bó ở châu Âu cùng gia đình. Tuy nhiên, cô gái trẻ lập tức vỡ mộng khi mọi chuyện không như mình dự tính.
Diệu Thúy kể, ngành hàng không của châu Âu dường như đã bão hòa một thời gian dài. Thế hệ phi công kỳ cựu chưa về hưu, các hãng hàng không thành lập lâu năm đều có đủ nhân lực.
Hàng ngàn phi công già và trẻ từ châu Âu phải đổ sang khu vực Trung Á, Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi để xin việc - nơi mà ngành hàng không vẫn đầy sức trẻ và đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu phi công cao, cơ hội việc làm dồi dào.
Diệu Thúy khi ấy lại đi ngược số đông, bám trụ ở châu Âu, cơ hội có việc là 0%. Cô đã gửi hồ sơ tới hơn 10 hãng hàng không mà cô nghĩ bản thân gần đạt tiêu chí của hãng, song chỉ có 6 hãng hồi âm.
Một hãng nhận cô là cơ phó tập sự, một hãng cho vào danh sách chờ. Nhiều hãng từ chối vì cô gái Việt chưa có giờ bay kinh nghiệm tối thiểu 500 giờ.
Lấy được tấm bằng phi công trên tay đã khó, xin được việc lại càng khó hơn. Diệu Thúy thở dài nhớ lại: "Khó khăn nhất là xin việc. Đã bỏ ra mấy tỷ đồng đi học mà không xin được việc vô cùng áp lực.
Bằng lái nếu không được đi bay sẽ quá hạn và bị vô hiệu hóa, trở thành vô giá trị, chia tay giấc mơ làm phi công.
Một vài người bạn của tôi đã rơi vào trường hợp này, mất rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc nhưng vì nhiều lý do lại không được gia nhập hãng, không xin được việc, tất cả thành 'dã tràng xe cát'".
Cả năm chật vật không xin được việc, Diệu Thúy chuyển hướng, quyết định về nước. May mắn cô được 3/4 hãng hàng không nhận. Sau khi xem xét, Diệu Thúy lựa chọn đầu quân cho Bamboo Airways.
Sau khi gia nhập hãng này, Diệu Thúy dần tích lũy đủ giờ bay, hoàn thành khóa huấn luyện đường dài và chính thức trở thành cơ phó. Cô gắn bó với hãng hàng không này đến nay đã 5 năm.
Diệu Thúy chia sẻ, phi công là nghề khó với bất kỳ ai, dù là nam hay nữ. Mọi người đều phải đối mặt với những khó khăn như nhau. Song so với nam giới, phụ nữ sẽ gặp thêm một số rào cản về sức khỏe, thể lực và tâm sinh lý.
"Tôi thường bị đau bụng, mệt mỏi mỗi kỳ kinh nguyệt và phải làm quen với việc cơn đau gia tăng khi máy bay lên, xuống liên tục.
Nữ phi công cũng khó giữ gìn nhan sắc vì ngồi nhiều giờ trong buồng lái có ánh nắng chiếu trực tiếp. Lịch bay liên tục vào sáng sớm, đêm khuya cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và ngoại hình.
Nhan sắc đời thường xinh đẹp của nữ cơ phó.
Ngoài ra, nữ phi công còn có thời gian mang thai và sinh con, thời gian này sẽ không được đi bay. Sau 15 tháng không bay phải huấn luyện lại một phần cũng vất vả. Việc cân đối giữa con cái và gia đình và công việc cũng khó khăn, nhiều hy sinh.
Có một bộ phận nhỏ khách hàng thiếu tin tưởng vào năng lực của nữ phi công, đây cũng là một thiệt thòi, cũng là áp lực đối với nữ phi công", nữ cơ phó chia sẻ những cái khó của phi công nữ.
Nhìn lại hành trình chinh phục giấc mơ phi công, Diệu Thúy luôn thầm cảm ơn bản thân đã dám tự tin thay đổi. 23 tuổi, cô từ bỏ hào quang diễn viên để làm kỹ sư. 24 tuổi, cô nghỉ việc, đi du lịch và trở thành tiếp viên hàng không.
Cô gái quê Quảng Trị sau đó đã dám chinh phục ước mơ vốn ngoài sức tưởng tượng là làm một nữ phi công. Ở vị trí hiện tại, cô cảm thấy tự hào khi được làm một công việc khó, được làm chủ bầu trời và đem đến hành trình thú vị cho nhiều người.
Theo Dân Trí
-
1 giờ trướcLọ Lem - con gái Quyền Linh mới đăng tải video "Một ngày của sinh viên" và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
-
1 giờ trướcTrong năm qua, bạn đã nói từ này bao nhiêu lần?
-
3 giờ trướcTrâm Anh kiên quyết không lập gia đình vào thời điểm hiện tại.
-
5 giờ trướcRumeysa Gelgi cao 2,15 mét, mới đây đã gặp và kết bạn với người phụ nữ chỉ cao bằng 1/3 mình; hai người đều giữ kỷ lục thế giới về chiều cao cơ thể.
-
6 giờ trướcKhông kinh doanh khởi nghiệp, cũng chẳng đầu tư, làm thế nào mà những bạn trẻ này kiếm được tiền trăm triệu mỗi tháng?
-
7 giờ trướcMC Huyền Châu đã rời VTV từ năm 2021, sau 16 năm gắn bó để tìm kiếm những cơ hội và trải nghiệm mới ngoài lĩnh vực truyền. Nữ MC dành nhiều thời gian cho việc trau dồi và chia sẻ kiến thức.
-
8 giờ trướcBabyboo - bạn gái HIEUTHUHAI đang là cô gái được cộng đồng mạng nhắc đến nhiều.
-
10 giờ trướcMẹ đẻ tặng con gái 1.000 cây vàng, cô dâu Thanh Hóa đeo “vàng lồng vàng”, hai họ tặng nhiều quà đến mức không kịp kiểm kê... là những đám cưới “gây bão” mạng xã hội năm 2024.
-
10 giờ trướcNhững ngày vừa qua, hình ảnh chiếc ô tô nằm trên mái cổng một gia đình ở Biên Hoà (Đồng Nai) đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
-
11 giờ trướcNgười mẹ tấn công người bán hàng và cắn nhân viên bảo vệ sau khi con trai bị bắt quả tang lấy trộm trà sữa.
-
11 giờ trướcKhông hiểu người sử dụng "đối phó" với chiếc giường này như thế nào.
-
12 giờ trướcKhá nhiều trụ cột ở đội 1 của tuyển Indonesia có thể xuất hiện ở đội hình xuất phát khi chạm trán tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024.
-
16 giờ trướcTác phẩm nghệ thuật ý niệm mang tên "Comedian" (Diễn viên hài) với một quả chuối được dán băng dính lên tường vừa được bán cho một đại gia Trung Quốc với giá 156 tỷ đồng.
-
1 ngày trướcKhông hổ danh chồng quốc dân mỗi lần xuất hiện đều khiến dân mạng xuýt xoa.
-
1 ngày trướcNgười đàn ông Mỹ trúng giải độc đắc 650 nghìn USD (hơn 16 tỷ đồng) nhờ chọn vé số liên quan đến các ngày kỷ niệm với vợ quá cố, nhân ngày giỗ của bà.
-
1 ngày trướcMột khu phố ở Nepal trở nên náo loạn khi một con tê giác rất to xuất hiện và hùng hục đuổi theo người đang đi xe máy trên đường, khiến người này phải quăng cả xe mà bỏ chạy. Đoạn video tê giác đuổi người đã được xem gần 183 triệu lượt, nhiều cư dân mạng nói họ cũng “thót tim” khi nhìn cảnh này.
-
1 ngày trướcBị nhận xét "xinh đẹp, tài năng nhưng bạc phận", MC Mai Ngọc lên tiếng nói rõ về quan điểm sống hậu ly hôn gây chú ý.
-
1 ngày trướcHồng Thanh và bạn gái mới đang bị bàn tán xôn xao sau khi công bố chuyện tình cảm.
-
1 ngày trướcTỷ phú Bill Gates từng có thái độ cứng đầu và thách thức cha mẹ thời niên thiếu. Ông bà Gates đã làm gì để giải quyết chuyện đó?
Tin tức mới nhất
-
1 phút trước
-
1 giờ trước
-
1 giờ trước
Hay nhất 2sao
-
10 ngày trước
-
11 ngày trước