Thể loại cổ trang, lịch sử là một phần không thể thiếu của hệ thống phim ảnh các nước châu Á - nơi có lịch sử phát triển hàng nghìn năm. Phim cổ trang, vô tình và cả hữu ý, khắc sâu vào tâm trí khán giả về đặc trưng các triều đại phong kiến, giúp tuyên truyền văn hóa một cách dễ dàng và thu hút.

Khán giả sẽ dễ dàng nhớ được Hán phục trong phim cổ trang Trung Quốc trông như thế nào, phải để tóc ra sao mới đúng, hay luôn thuộc nằm lòng rằng đàn ông triều Mãn Thanh phải cạo nửa đầu và phụ nữ quý tộc có chiếc mũ đội đầu to gắn hoa lộng lẫy.

Tương tự, nhắc tới phim cổ trang Hàn, người xem lập tức nhớ tới hanbok - quốc phục của xứ sở kim chi. Tuy nhiên, không phải bộ phim nào cũng sử dụng cùng một mẫu cổ phục, và không phải bộ hanbok nào cũng giống nhau.

Những phim Hàn có trang phục giống Trung Quốc

Không khó để nhận ra, rất nhiều phim cổ trang Hàn Quốc sử dụng trang phục giống hệt Hán phục Trung Quốc thay vì bộ hanbok với tùng váy xòe và áo ngắn chẽn eo quen thuộc. Có thể kể sơ qua một số tác phẩm nổi tiếng như Truyền thuyết Jumong, Nữ hoàng Seondeok, Tướng quân Gye Baek, Thái vương tứ thần ký, Người tình ánh trăng...

Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-1Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-2

Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-3
Nhiều phim cổ trang Hàn sử dụng phục trang giống thiết kế Hán phục của Trung Quốc.

Điểm chung của các phim trên là đều xây dựng bối cảnh trong thời kỳ tam quốc tranh quyền (tức thế kỷ 1 TCN-668 SCN). Ở giai đoạn này, ba quốc gia Baekje, Goguryeo và Shilla chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, đặc biệt trong trang phục và lễ nghi thường ngày.

Phục trang cơ bản của người Hàn gồm áo jeogori có tay hẹp, váy nhiều nếp gấp và nơ thắt ở ngực. Trong giai đoạn này, áo choàng lụa kiểu Trung Quốc được du nhập vào bán đảo Triều Tiên, trở thành trang phục được giới thượng lưu và hoàng tộc ưa chuộng. Phụ nữ bắt đầu mặc váy dài phủ tới gót chân, khoác thêm áo tay dài và thắt gọn eo bằng thắt lưng bản lớn hoặc cuốn lụa nhiều vòng.

Ngay cả kiểu tóc của đàn ông và phụ nữ Hàn Quốc giai đoạn tam quốc tranh quyền cũng giống người Trung Quốc. Đó là lý do phục trang của các phim cổ trang Hàn trên lại giống phim Hoa ngữ.

Nhà sản xuất thường chi mạnh tay vào khoản trang phục cho phim cổ trang, đặc biệt các phim về thời kỳ ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa thường có kiểu tóc, phục sức vô cùng cầu kỳ. Khán giả luôn dành nhiều lời khen cho Người tình ánh trăng, Nữ hoàng Seonduk, Hoàng hậu Ki... vì chuẩn bị cho diễn viên loạt trang phục tôn trọng lịch sử mà vẫn đẹp mắt.

Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-4
Truyền thuyết Jumong là phim kể về giai đoạn thành lập nhà nước Goguryeo nên trang phục của nhân vật mang đậm màu sắc Trung Quốc.

Hanbok qua các thời kỳ và điểm khác biệt rõ ràng trong phim ảnh

Quốc phục Hàn Quốc nổi tiếng ngày nay là kết quả của quy trình cải tiến qua nhiều thời kỳ. Sau khi triều đại Shilla sụp đổ năm 935, người dân sống dưới chế độ cai trị của vương triều Goryo - đây cũng là nguồn gốc cho tên gọi Hàn Quốc (Korea) hiện tại.

Từ giai đoạn này, hanbok đã có bộ phận cấu thành tương tự như hiện nay, gồm áo ngoài (jeogori), váy ngoài (chima), váy lót bên trong (sokchima). Hanbok nam gồm áo choàng ngoài (durumagi), áo mặc phía trên (jeogori) và quần (baji). Hình dáng áo jeogori khá rộng, dài ngang hông, xẻ hai bên và có nơ trước ngực thay cho thắt lưng. Phụ nữ có thể giấu tay vào trong vạt áo như một lễ nghi dành cho phái nữ.

Triều đại Goryo tồn tại 474 năm thì suy tàn. Năm 1392, tướng quân Lee Song Gyeo giành quyền quản lý đất nước, lập triều Joseon và tự xưng là Thái tổ Taejo. Hanbok dưới triều đại Joseon bắt đầu thay đổi, thậm chí qua nhiều lần cải tiến để có hình dáng như ngày nay.

Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-5
Quá trình thay đổi của hanbok qua các thế kỷ dưới triều đại Joseon (lần lượt từ trái qua: thế kỷ 16, thế kỷ 17, thế kỷ 18, thế kỷ 19-20).

Từ độ dài ngang hông và dáng rộng ở thế kỷ 16, áo jeogori ngày càng ngắn và bó lại. Theo lý giải của nhiều nghiên cứu về văn hóa Hàn Quốc, áo ngắn lại và ôm gọn giúp phụ nữ dễ dàng di chuyển và làm việc hơn, đặc biệt là phụ nữ ở tầng lớp lao động. Khác với tiểu thư quý tộc và phu nhân giàu có, phụ nữ nhà nghèo chỉ được mặc trang phục vải thô.

Triều đại phong kiến thậm chí ban hành luật yêu cầu người dân thường chỉ được phép mặc quần áo màu trắng - khiến thời gian dài Hàn Quốc được gọi là vương quốc bạch y (đất nước người mặc đồ trắng). Trong những dịp đặc biệt như lễ tết, người dân được cho phép mặc các trang phục màu hồng nhạt, xanh lá cây nhạt, xám và màu than.

Phim ảnh Hàn Quốc xây dựng cuộc sống người dân thời cổ đại đã tuân thủ khá nghiêm túc các quy định trên, tái hiện cuộc sống thời cổ đại khá chân thực. Gần như bất cứ bộ phim cổ trang nào, khán giả cũng có thể thấy người dân nghèo thường chỉ xuất hiện với chiếc áo nâu lam lũ hoặc toàn thân một bộ y phục trắng ngả màu.

Bên cạnh đó, theo thời gian, không chỉ jeogori của tầng lớp lao động ngắn lại mà chính phụ nữ quý tộc cũng bắt đầu cải biên chiếc áo mặc ngoài hanbok. Jeogori ngày càng ngắn lại qua từng giai đoạn trị vì của triều Joseon. Thậm chí, tới cuối thế kỷ 19, độ dài jeogori chỉ còn ở mức sát chân ngực, phụ nữ Hàn mặc thêm lớp áo lót mỏng (heoritti) bên trong.

Theo dõi kỹ càng phim cổ trang Hàn Quốc, các nhà làm phim vô cùng chú trọng kiểu dáng hanbok, sao cho diễn viên mặc đúng trang phục theo thời kỳ lịch sử.

Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-6Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-7
Mẫu hanbok Han Hyo Joo mặc trong phim Dong Yi là kiểu dáng của thế kỷ 17.

Chẳng hạn, trong phim Dong Yi - tác phẩm có bối cảnh là cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, nữ chính Han Hyo Joo và nữ phụ Park Ha Sun luôn mặc áo jeogori không quá rộng, chỉ dài đến eo. Với áo khoác ngoài chất liệu gấm hay thêu đính cầu kỳ dành cho vợ vua, vạt áo hai bên được cắt cao, viền lượn tròn mềm mại và đính thêm các chùm trang sức ngay dưới phần nơ thắt ngực. Đây là kiểu áo được mô tả trong nhiều tài liệu cổ.

Bộ phim Tình sử Jang Ok Jung do Kim Tae Hee đóng chính cũng có bối cảnh vào thế kỷ 17 - thời vua Sook Jong (Túc Tông). Vì vậy, trang phục của Kim Tae Hee không có nhiều điểm khác biệt so với phim Dong Yi.

Tuy nhiên, đoàn làm phim muốn nhấn mạnh vào nhan sắc của Kim Tae Hee và làm nổi bật ý Jang Ok Jung (nhân vật có thật do Kim Tae Hee đóng) là người có đam mê làm đẹp, thiết kế quần áo. Vì vậy, ê-kíp đã chuẩn bị hơn 40 bộ hanbok cầu kỳ cho nữ diễn viên mặc trong suốt quá trình ghi hình từ khi Jang Ok Jung còn là cung nữ đến khi ngồi lên ngôi hoàng hậu, đổi hiệu thành Jang Hee Bin.

Theo truyền thông Hàn từng đăng tải, tổng giá trị 40 bộ hanbok dành cho Kim Tae Hee lên tới 100 triệu won (87.000 USD). Trong đó, riêng bộ lễ phục mặc trong cảnh quay lên ngôi hoàng hậu đã có giá 10 triệu won (8.700 USD) do được may từ chất liệu vải cao cấp, họa tiết đều do thợ thêu bằng tay.

Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-8Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-9
Kim Tae Hee mặc hơn 40 bộ hanbok, tổng giá trị 100 triệu won khi đóng Tình sử Jang Ok Jung.

Bị chỉ trích khi biến tấu và hở bạo

Tuy nhiên, không phải lúc nào phục trang trong phim dã sử Hàn Quốc cũng được khen ngợi. Dù hiếm hoi, một vài tác phẩm vẫn vấp phải sự phản ứng của khán giả khi để diễn viên hở quá nhiều da thịt hoặc biến tấu lệch trang phục nguyên bản trong lịch sử.

Cụ thể, bộ phim Vương triều dục vọng (The Treacherous) có nhiều cảnh diễn viên chính Lim Ji Yeon và các nữ phụ, nữ quần chúng không mặc áo jeogori, váy được thắt chặt ngang ngực (vị trí buộc váy đúng theo lịch sử). Tuy nhiên, vì không mặc áo, nữ diễn viên để lộ toàn bộ vai và nửa bầu ngực.

Khán giả bày tỏ sự tức giận khi ê-kíp sản xuất Vương triều dục vọng để hình ảnh phụ nữ Hàn Quốc xuất hiện trên màn ảnh một cách hở hang, phản cảm.

Trong Dr.Jin (Danh y vượt thời gian), Park Min Young cũng có cảnh cởi jeogori để hở ngực khi nhân vật của Song Seung Hun khám bệnh. Lee Da Hae cũng để hở vai, ngực và lưng khi thực hiện phân đoạn cởi áo ở phim Chuno. Cả hai trường hợp trên, nữ diễn viên và đoàn phim đều hứng chịu chỉ trích của khán giả. Lee Yoo Bi, Han Go Eun cũng rơi vào tình trạng tương tự khi có cảnh cởi áo khoác trong phim cổ trang.

Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-10Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-11
Bộ phim Vương triều dục vọng bị chỉ trích vì để Lim Ji Yeon và các nữ diễn viên phụ "hở bạo".

Một trường hợp khác vấp vào ý kiến trái chiều là phân cảnh múa của Kim Yoo Jung trong Mây họa ánh trăng. Nữ diễn viên sinh năm 1999 mặc bộ hanbok được may từ nhiều lớp vải xuyên thấu, nhuộm màu pastel đẹp mắt. Khán giả quốc tế từng khen cô "đẹp như tiên nữ" trong cảnh quay múa trên.

Tuy nhiên, nhiều khán giả Hàn Quốc tỏ ra không hài lòng khi tùng váy của Kim Yoo Jung không được may theo lối váy dài xếp pli thông thường mà được kết từ nhiều mảnh vải nhỏ, tạo vẻ bồng bềnh như cánh hoa. Ngoài ra, áo jeogori của nữ diễn viên cũng được làm từ vải xuyên thấu, để lộ hình dáng vai và lưng.

Thời điểm đóng phim, Kim Yoo Jung vừa tròn 17 tuổi. Khán giả xứ kim chi cho rằng cô còn là trẻ vị thành niên, không nên mặc hở hang, dù chỉ là vai và lưng, trên màn ảnh. Ngoài ra, việc áo jeogori không được may từ chất liệu dày dặn, kín đáo cũng bị chê sai lệch lịch sử và văn hóa.

Có thể thấy, khán giả Hàn Quốc luôn có góc nhìn và yêu cầu khắt khe khi nhắc đến quốc phục - hanbok, đặc biệt là khi được đưa lên phim ảnh. Các nhà làm phim không chỉ bỏ công vào kịch bản, kỹ xảo, diễn xuất, mà cả phục trang cũng được chú ý chặt chẽ. Bởi, đã là phim cổ trang, mọi chi tiết về văn hóa đều phải tuân theo lịch sử.

Phim cổ trang Hàn bị chỉ trích nặng nề khi biến tấu quốc phục hở hang-12
Bộ hanbok của Kim Yoo Jung bị chê vì khác biệt quá nhiều so với trang phục truyền thống.

Theo Zing