"Thăng trầm" phố ẩm thực
11h ngày cuối tuần tháng 3, nhiệt độ lên đến 34 độ C khiến mồ hôi nhễ nhại trên trán của Nguyễn Trang (29 tuổi, ngụ TPHCM). Tuy nhiên, cô vẫn luôn tay khiêng ghế, đẩy tủ kính, mang găng tay nylon rồi lấy tôm, thịt, rau, bún… đặt lên miếng bánh tráng mỏng cuốn lại.
"Được khoảng 120 cuốn", Trang khoe.
Cô pha hai loại nước chấm, loại mắm nêm "trứ danh" theo công thức gia truyền của gia đình và loại tương đen mà khách nước ngoài vẫn ưa chuộng. Quầy của Trang nằm đoạn cuối của khu phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, quận 10, TPHCM.
Khung cảnh đìu hìu các phố ẩm thực vào ngày 2/4 (Ảnh: Ngọc Ngân).
50 năm trước, bà Nguyễn Thị Ngọc - mẹ Trang đến đây lập nghiệp. Vài năm trở lại đây, đoạn đường dài 300m, nằm trong chợ được chuyển mình thành Phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ.
Các công ty lữ hành bắt đầu đưa khách đến tham quan, thưởng thức hàng trăm món ngon mang đậm hương vị Việt Nam. Các hộ dân bắt đầu kinh doanh ăn uống nhiều hơn, họ mở quầy trà sữa, bánh xèo, bánh khọt, xiên nướng, phá lấu, bánh tráng trộn, bún mắm, ốc, chè bưởi…
Theo lời Trang, giai đoạn phố Hồ Thị Kỷ đông khách nhất là vào năm 2019, tức trước khi xảy ra dịch Covid-19.
"Khoảng 17h, phố ẩm thực đã chật ních người, xe được gửi kín các bãi trên đường Lê Hồng Phong (quận 10). Quầy gỏi cuốn của tôi thời điểm đó bán được 300-400 cuốn mỗi ngày. Lượng khách khoảng 80% khách địa phương, 20% khách quốc tế. Một ngôi nhà nằm trên con phố này chỉ khoảng 4m2 nhưng có đến 3 xe đẩy thuê chỗ. Mẹ tôi cũng mở quầy xiên nướng trước cửa, khách rất đông", Trang nói với vẻ tự hào.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đầu năm 2023, khách sụt giảm nghiêm trọng, mẹ cô buộc phải đóng cửa. Số lượng gỏi cuốn mỗi ngày của Trang dao động 100-120 cuốn. Cô quyết định "thu hẹp" giờ bán, chỉ bán trong khung giờ đắt khách nhất, từ 11h-19h. Đây là một quyết định chưa từng có trong suốt 6 năm theo nghề của Trang.
Theo khảo sát, nhiều khách quốc tế đã lựa chọn các phố ẩm thực tại TPHCM vì cho đó là địa điểm "xứng đáng để khám phá". Trong đó, có thể kể đến phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4), phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3)…
Sự ra đời của những khu phố ẩm thực được kỳ vọng sẽ kích cầu du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế đêm và giải quyết các vấn đề an sinh cho người dân.
Tuy nhiên, theo quan sát, một số khu phố ẩm thực hiện khá đìu hiu, thưa khách vào dịp cuối tuần. Cụ thể, nhiều quán ăn thuộc khu phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) không thể lấp đầy 50% chỗ ngồi vào tối chủ nhật, 2/4.
Bên cạnh đó, phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) nối giữa hai con đường lớn Nguyễn Đình Chiểu - Điện Biên Phủ cũng không nhiều khách đến tham quan. Khoảng 19h, con phố này có khoảng 10 khách quốc tế đến tản bộ, thưởng thức xiên que, tré trộn, bánh tráng…
Phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền lác đác khách tối 2/4 (Ảnh: Ngọc Ngân).
Phố Kỳ Đài Quang Trung nằm ở đoạn giao Nguyễn Lâm - Bà Hạt, cạnh khu chợ sầm uất Nguyễn Tri Phương (quận 10) cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Có khoảng 3-4 sạp hàng đang hoạt động, trong khi con số trước đây là hơn 20 sạp.
Theo chia sẻ của một người dân tại khu vực này, giá thuê mặt bằng trong khu ẩm thực là 4 triệu/tháng. "Thời gian gần đây, người tham quan, mua sắm giảm mạnh, họ không đủ chi trả nên đành trả lại mặt bằng. Có đêm, họ chỉ bán được vài ly nước làm sao gánh được chi phí", ông nói.
Khu ẩm thực thuộc phố Kỳ Đài Quang Trung (Ảnh: Ngọc Ngân).
Phố đêm Kỳ Đài Quang Trung có 90% là khách địa phương đến trải nghiệm. Hiện tại, khu vực rộng lớn giữa khuôn viên được sử dụng làm nơi vui chơi cho trẻ em.
Phố Kỳ Đài Quang Trung (quận 10) thưa thớt khách (Ảnh: Ngọc Ngân).
Du khách gọi Việt Nam là "thiên đường" ẩm thực
Trên tay hộp xiên que, Dan (40 tuổi) vừa tản bộ dọc phố Hồ Thị Kỷ, vừa thưởng thức món ngon. Anh đến Việt Nam lần thứ ba bởi vì sức hút tuyệt vời của ẩm thực Việt Nam.
"Lần đầu tiên ăn món Việt, tôi cảm nhận được độ tươi của nguyên liệu và sự đậm đà của gia vị. Đó là sự kết hợp tuyệt vời. Tôi đã mất 15.000 đồng, chưa đến 1 USD cho xiên que này. Tôi đã thực sự tìm được 'thiên đường ẩm thực' của mình rồi", Dan nói.
Người đàn ông đến từ Australia cho rằng phố ẩm thực ở Việt Nam không có gì để phàn nàn, món ăn được bày trí hấp dẫn, giá rẻ và khá ngon.
Tuy nhiên, Hanna (24 tuổi) đến từ Singapore lại phải "căng mắt" tìm đồ ăn Việt Nam giữa hàng trăm món ngon. Cô cho biết, phố ẩm thực Việt Nam có xen lẫn những món ăn nước ngoài. Ví dụ kem Singapore, Takoyaki Nhật Bản (bánh bạch tuột-PV), xiên que, gỏi đu đủ kiểu Thái Lan, chè Campuchia…
"Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên và thật sự muốn trải nghiệm những món ăn truyền thống. Phố ẩm thực Việt Nam bán món ngon từ Á sang Âu, điều này tốt thôi vì nó làm đa dạng ẩm thực, tăng sự lựa chọn cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi đã phải hỏi người bán rằng 'đây phải món ăn Việt Nam không' để trải nghiệm", Hanna nói.
Hanna cho biết, Singapore không có nhiều phố ẩm thực, chúng chỉ xuất hiện khi có lễ hội và có giá thành đắt đỏ. Đến Việt Nam, cô đã bất ngờ trước sự phong phú của các món ăn, cách chế biến tạo nên hương vị đặc trưng từ Bắc đến Nam. Cô cùng bạn trai đã thưởng thức bò lá lốp, bánh xèo…
Cô gái 24 tuổi cho rằng giao thông tại phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ có chút "đáng sợ" bởi những chiếc xe máy lách giữa dòng người.
Việt Nam được nhiều du khách gọi là "thiên đường ẩm thực" (Ảnh: Ngọc Ngân).
Ông Rick W. (người Mỹ) đã "nghiện" bánh mì và bún bò từ lần đầu thưởng thức. Ông có cơ hội đến Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… nhưng ấn tượng nhất với Việt Nam.
Các khu phố ẩm thực sầm uất, bày biện những món ăn khiến thực khách "cồn cào" dạ dày ngay khi nhìn thấy.
Dan (bên phải) thưởng thức xiên que (Ảnh: Ngọc Ngân).
"Tôi nhận ra thức ăn Việt Nam tốt cho sức khỏe hơn các loại thức ăn nhanh mà tôi sử dụng ở phương Tây. Nhìn chung, ẩm thực đường phố ở TPHCM khá đặc sắc. Tôi có nhiều sự lựa chọn khi bước vào đó.
Bạn đang gấp thì một ổ bánh mì với đầy ắp thịt, chả sẽ làm hài lòng sao. Hay bạn muốn ngồi lâu chút nữa, bạn có thể 'xì xụp' bún riêu, bún bò, bún mắm… với nước dùng đặc trưng không thể nhầm lẫn với nhau. Ẩm thực Việt Nam là một trong những điều níu chân du khách", ông nói.
PGS - TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành "bếp ăn" của thế giới, với nguồn nguyên liệu dồi dào, tươi ngon, cách chế biến đa dạng, phong phú.
Đặc biệt, phố ẩm thực mang lại kinh tế đêm là một trong những thế mạnh của TPHCM. Đây là nơi khách du lịch có thể tìm thấy những món ăn khác nhau mà không phải di chuyển nhiều.
"Hiện tại, Thái Lan là một quốc gia đang phát triển điều này rất tốt. Để xây dựng khu phố ẩm thực chuyên nghiệp, khiến du khách cảm thấy an toàn khi lựa chọn dịch vụ ăn uống, cần xây dựng một hệ sinh thái đi kèm. Cụ thể như giao thông, ngân hàng, kiểm tra vệ sinh, nhà vệ sinh", ông nói.
Theo Dân Trí