Phong tục Tết độc đáo của người vùng cao phía Bắc

Tục dậy sớm cơm nước của đàn ông H'Mông hay ra suối gội đầu chiều 30 Tết của người Thái vẫn được lưu giữ và truyền lại cho tới tận ngày nay mỗi độ Tết đến xuân về.

Tục gọi trâu về ăn Tết của người Mường

Từ mấy ngày trước Tết, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng, đó là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp gia chủ cấy cày. Ngoài ra, người Mường ở đây cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời “những người bạn đồng hành” này về ăn Tết với gia đình. Họ quan niệm, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Tết năm mới của người Mường là phong tục đẹp chứa đựng nhiều biểu tượng, tín hiệu văn hóa từ ngàn xưa truyền lại, mang tính nhân văn cao cả, hiện vẫn được người Mường lưu giữ và truyền lại cho mai sau.

Tục gội đầu chiều 30 Tết của người Thái trắng

thai-9800-1423810203.jpg
Chiều 30 Tết phụ nữ Thái lại kéo nhau ra suối gội đầu. Ảnh: tinmoi.


Người Thái trắng ở Quỳnh Nhai, Sơn La có hẳn một lễ hội gội đầu vào chiều 30 Tết. Tất cả già làng, trưởng bản, từ già đến trẻ hò nhau xuống bến sông để tổ chức lễ gội đầu. Quan niệm của người Thái, lễ gội đầu là lễ quan trọng mở đầu của các lễ hội trong năm. Bước vào năm mới mọi người trong thôn bản đều phải gội đầu để rửa trôi những cái vất vả, bệnh tật, điều không may mắn của năm cũ, tống tiễn tai ương, nhọc nhằn, bệnh tật xuôi theo dòng nước (sông, suối) đi mãi không lặp lại, đồng thời cầu con người có sức khoẻ, năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Sau khi gội đầu xong, tất cả mọi người đều tham gia các hoạt động như ném còn, múa xoè cùng các trò chơi dân gian khác. Mọi người từ bến về đến nhà bắt đầu chuẩn bị cúng giỗ tổ tiên. Đàn ông là người trụ cột trong gia đình mới bắt đầu được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “nả hóng” để quét dọn sạch sẽ, thay bát hương, sắp xếp lại những thứ trên bàn thờ và cúng tổ tiên, đón năm mới tại gia đình.

Người Cao Lan dán giấy đỏ từ nhà tới chuồng gà


Cũng như người Kinh, người Cao Lan ăn Tết từ cuối tháng Chạp tới tháng Giêng. Một đặc điểm của người Cao Lan là họ cúng ở cả nhà riêng lẫn đình làng, và tới giờ họ vẫn giữ nghi lễ lấy nước ở giếng đình làng để thờ cúng. Trước Tết Nguyên đán khoảng hai ngày, người Cao Lan sẽ mang giấy đỏ (tiếng Cao Lan là Chí dịt), để dán ở cửa ra vào, cổng nhà, bàn thờ tổ tiên, cối xay, chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng gà. Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ. Bởi theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng.

Đàn ông H'Mông dậy sớm cơm nước

H-Mong-6546-1423810203.jpg
Đàn ông H'Mông dậy sớm nấu cơm thay phụ nữ trong ngày đầu năm. Ảnh: wordpress.

Sáng mùng 1, đàn ông H’Mông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc trong nhà thay vì cả năm đàn bà con gái trong nhà đã làm. Người H’Mông quan niệm, con trai là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Họ sẽ cùng nhau đón giao thừa khi tiếng gà đầu tiên gáy vào sáng mùng 1. Nghi lễ xong xuôi, họ đến nhà nhau chúc Tết, ca hát, thưởng thức rượu ngô, bánh dày, thịt nướng. Trong ba ngày đầu năm, bà con kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không đổ rác...

Người Dao đỏ ăn trộm cầu may

Người Dao đỏ ở xã Mồ Sì San, Lai Châu cho rằng, ăn trộm càng nhiều đồ vật càng được nhiều may mắn, vì vậy đêm rằm đầu năm, mọi người không trừ một ai rủ nhau đi ăn trộm. Tuy nhiên, các món đồ ăn trộm ở đây thường là cây hành, cây tỏi trong vườn, rượu hoặc thịt treo gác bếp.

Người đi ăn trộm phải thật khéo léo, không để chủ nhà phát hiện. Nếu bị bắt, phải uống hết một chén rượu phạt. Ngược lại, sau khi trộm thành công, tên trộm mang chiến lợi phẩm đến trình chủ nhà để xin thưởng. Phần thưởng thường là chai rượu hoặc miếng thịt khô. Nhà nào bị trộm nhiều nhất được cho là không được may mắn trong năm mới.

Người Pu Péo thi nhau cướp giọng gà


Người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang luôn quan niệm, trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ai đón giọng gà hay cướp được giọng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, thành đạt, hạnh phúc. Chính vì vậy, đêm 30 Tết khi giao thừa đến, những chàng trai dân tộc Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống. Khi thấy gà vừa vỗ cánh, chuẩn bị gáy là các chàng trai này phải đốt ngay một quả pháo ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy, ngay lập tức tất cả những người trong gia đình và hàng xóm xung quanh cùng nhau múa hát vang trời để át tiếng gà gáy.

Không chỉ duy trì phong tục đón giọng gà mà dân tộc Pu Péo còn có một phong tục đón Tết cổ truyền rất độc đáo. Trong những ngày Tết, người Pu Péo cũng có tục gói bánh chưng nhưng lại gói hai loại bánh: bánh chưng đen (mí uột lặng) ăn vào tối 29 Tết để kết thúc năm cũ và bánh chưng trắng (mí uột lìn) cúng vào tối 30 Tết để mừng năm mới. Sáng mùng một Tết, nam nữ dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh “nước bạc, nước vàng” để cầu may. Trong ba ngày Tết, dân tộc Pu Péo không rửa bát đũa sau mỗi lần ăn mà chỉ dùng giấy lau sạch. Họ tin rằng, nếu ngày Tết mà bát đũa sạch sẽ thì cả năm sẽ đói ăn.

Theo Ngôi sao

Tin tức mới nhất