Phụ huynh bức xúc khi đáp án 3600:9=400 của con bị cô giáo gạch sai

Cho rằng phép tính của con bị gạch sai, phụ huynh đến gặp giáo viên để phản ánh, kết quả phải xấu hổ quay về.

Ai làm cha mẹ rồi mới hiểu nỗi lòng của các bậc phụ huynh khi dạy kèm con học. Không kèm cặp thì sợ con thiếu tự giác, cẩu thả, còn dạy con học thì mệt mỏi và đôi khi còn rơi vào những tình huống dở khóc dở cười.

Anh Tôn (Trung Quốc) tốt nghiệp một đại học danh tiếng trong nước và đang làm việc cho một tập đoàn lớn. Với trình độ của mình, anh luôn tự tin khi dạy kèm cho cậu con trai đang học tiểu học.

Bởi suy cho cùng, kiến thức cấp 1 dù có phức tạp cũng không phức tạp đến độ cử nhân như anh không giải quyết được.

Một ngày nọ, khi kiểm tra bài tập về nhà của con, anh phát hiện cô giáo đã thay đổi đáp án một bài tập. Câu hỏi yêu cầu học sinh tính phép tính 3600:9, đáp án con trai anh đưa ra là 400.

Đây rõ ràng là câu trả lời đúng nhưng không hiểu vì lý do gì, giáo viên lại gạch chéo câu trả lời này của con anh.

Ban đầu, anh Tôn muốn con tự hỏi giáo viên, tuy nhiên đến cuối cùng, anh cảm thấy giáo viên này quá sơ ý và mình cần nói chuyện trực tiếp với cô.

Ngày hôm sau, anh đã đến văn phòng gặp cô. Anh cầm quyển vở bài tập của con mình và chất vấn giáo viên: "Con tôi làm sai ở đâu vậy?".

Nghe vậy, nữ giáo viên không vội nói gì mà yêu cầu anh Tôn đọc kỹ đề. Lúc này, anh Tôn mới phát hiện ra vấn đề. Hóa ra nội dung đầy đủ của câu hỏi là: "Cửa hàng nhạc cụ mới nhập về 9 cây violin mới, tổng cộng tiêu tốn 3600 tệ, vậy giá bán hợp lý là? A. 498 tệ/cây B. 400 cây/tệ C. 498 cây/tệ D. 400 tệ/cây".

Rõ ràng, 400 tệ chỉ là giá nhập về của cây violin. Nếu là giá bán thì cần phải cao hơn 400 tệ, từ đó suy ra đáp án 400 mà con anh Tôn đưa ra là không chính xác.

Chỉ vì ban đầu, anh Tôn không nghiêm túc đọc câu hỏi nên mới xảy ra tình huống đáng xấu hổ như vậy. Cú "vả mặt" này khiến anh ngượng ngùng không nói nên lời.

Có thể thấy, dù bài tập là do con cái làm nhưng vai trò giáo dục của cha mẹ cũng không thể thiếu.

Chỉ bằng cách hướng dẫn trẻ một cách chính xác, chúng mới có thể cải thiện kết quả học tập của mình và quan trọng hơn là hình thành được thói quen học tập tốt.

Cha mẹ nên làm gì khi dạy con học?

1. Để trẻ độc lập suy nghĩ

Nhiều trẻ em quen với việc khi làm bài tập có gì hơi "vấp" một cái là lập tức hỏi cha mẹ và cha mẹ cũng nhanh chóng hỗ trợ chúng.

Hành động này nghe thì đơn giản, nhưng về lâu về dài, nó có thể tước đi khả năng suy nghĩ độc lập của trẻ. Khi trẻ nhanh chóng có được câu trả lời từ cha mẹ, chúng sẽ tự nhiên không phải suy nghĩ quá nhiều nữa.

Phụ huynh bức xúc khi đáp án 3600:9=400 của con bị cô giáo gạch sai-1
Cha mẹ nên giúp trẻ xây dựng thái độ và thói quen học tập tốt thay vì làm mọi thứ giúp trẻ

2. Để trẻ có thái độ đúng đắn

Đối với trẻ ở lứa tuổi tiểu học, do mới tiếp xúc với việc học nên điều quan trọng nhất là các em phải có thái độ học tập đúng đắn. Suy cho cùng, kiến thức tiểu học phần lớn đều là kiến thức cơ bản, đơn giản.

Điều thực sự khiến thành tích của trẻ thua kém so với các bạn là do thái độ học tập của chúng. Chỉ khi trẻ có thái độ học tập đúng đắn, khi ấy chúng mới có thể tiến bộ được.

3. Rèn luyện thói quen học tập tốt cho trẻ

Ngoài việc có thái độ đúng đắn trong suy nghĩ, việc rèn luyện thói quen học tập tốt cho trẻ cũng rất quan trọng. Ví dụ, cha mẹ cần cho trẻ biết việc đầu tiên cần làm khi đi học về là làm bài tập, làm bài xong mới được chơi.

Khi trẻ phát triển thói quen học tập tốt, chúng sẽ được hưởng lợi suốt đời.

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/phu-huynh-buc-xuc-khi-dap-an-36009400-cua-con-bi-co-giao-gach-sai-20230810151959053.htm

giáo viên Phụ huynh

Tin tức mới nhất