Phù thủy xăm sẹo kể chuyện xóa ký ức đau khổ của khách-1
Một khách hàng từ TP.HCM bay ra Hà Nội để che lại vết sẹo bỏng mà y học và thẩm mỹ đã bó tay.

Trần Thị Bích Ngọc (SN 1993, Hà Nội) đang “gây sốt” với nghề xăm lên những vết sẹo. Cô khiến mọi người bất ngờ với quyết định trở thành thợ xăm sẹo dù tốt nghiệp thủ khoa ngành Thiết kế Mỹ thuật, đại học Sân khấu – Điện ảnh.

Dưới bàn tay “phù thủy” của mình, hàng trăm vết sẹo đã trở thành tác phẩm nghệ thuật. Những hình xăm vốn mang nhiều ký ức đau khổ, giờ đây được xóa bỏ thay bằng những hình nghệ thuật đã giúp nhiều người lấy lại sự tự tin.

Không chỉ là người thợ đơn thuần

Hầu hết khách hàng khi tìm đến Ngọc đều là để xăm che đi các vết sẹo. Sẹo của họ có thể là vết mổ đẻ, mổ ruột thừa... hay sẹo do tai nạn ở chân, tay, đôi lúc là những vết nám, tràm làm họ mất tự tin về cơ thể.

Ngọc chia sẻ: “Tôi không chỉ là một thợ xăm mà còn là người nghe kể chuyện. Tôi thường lắng nghe khách kể về nguyên nhân vì sao có sẹo. Họ đã đau khổ như thế nào, tự ti ra sao khi có vết sẹo ấy”.

Phù thủy xăm sẹo kể chuyện xóa ký ức đau khổ của khách-2
Vị khách chia sẻ, giờ chị không cần phải đeo những chiếc vòng bản to để che đi vết sẹo.  

Đằng sau mỗi một vết sẹo là một câu chuyện, có nhiều câu chuyện khiến cô nhớ mãi: “Mình nhớ nhất là một chị khách bị bỏng rất nặng do nổ bình gas. Những vết sẹo bỏng ở mặt, tay và chân của chị rất to và xấu xí, y học và thẩm mỹ đều từ chối. Ngay sau biến cố đó, chồng chị theo người thứ 3.

Từ một người phụ nữ xinh đẹp hạnh phúc, giờ đây chị mất tất cả. Chị tìm đến tôi trong sự tuyệt vọng. Sau khi xăm hình, nhìn thấy vết sẹo trở thành những hình vẽ xinh đẹp, chị rất hạnh phúc. Chị ấy bảo, tôi sẽ lấy lại sự tự tin, quên đi quá khứ và bắt đầu một cuộc sống mới”, Ngọc kể.

Phù thủy xăm sẹo kể chuyện xóa ký ức đau khổ của khách-3
Qua bàn tay "phù thủy" của Ngọc, từ vết sẹo mang hình dạng xấu xí thành một tác phẩm nghệ thuật.

Khách hàng tìm đến cô không chỉ có vết sẹo do tai nạn, phẫu thuật mà còn cả những người từng tự vẫn. Họ che đi vết sẹo trên cổ tay với hy vọng quên đi quá khứ để làm lại từ đầu. Có thể giúp họ lấp đi sự tự ti trên cơ thể, xóa đi quá khứ đau khổ là động lực giúp Ngọc thêm yêu công việc của mình.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện những hình xăm, nữ thợ xăm cho hay: “Các ý tưởng của tôi được bắt đầu từ sở thích và mong muốn của khách hàng. Sau đó, tôi sẽ dựa trên vết sẹo của họ và đưa ra tư vấn phù hợp nhất”.

Xăm trên da thường đã khó, xăm trên sẹo còn khó hơn nhiều lần, bởi mỗi vết sẹo có một hình thù khác nhau. Ngọc chia sẻ về những khó khăn cô đã trải qua: “Xăm lên sẹo giống như sửa lại một tờ giấy đã vẽ, không được tự do sáng tạo mà phải xuất phát từ những nét có sẵn rồi biến hóa theo”.

Không chỉ khó về vấn đề ý tưởng, so với xăm lên bề mặt da thường, xăm sẹo còn đòi hỏi rất cao về mặt kỹ thuật: “Xăm sẹo tức là mình sẽ xăm lên bề mặt da không bình thường, chỗ lõm sâu, chỗ lồi cao, độ dày mỏng không đều khiến mực vào rất khó khăn. Tôi phải làm thật tỉ mỉ từng li từng tí một”.

Định kiến của xã hội với nghề xăm

Tự thân hai chữ “xăm mình” đã mang nhiều ý kiến trái chiều của xã hội. Những “nếp gãy” về nhận thức khiến Ngọc vấp phải những lời bàn tán tiêu cực về nghề nghiệp của mình.

Cô chia sẻ: “Ngày mình bắt đầu vào nghề là hơn 8 năm trước, lúc đó định kiến về nghề xăm còn gay gắt, đặc biệt là nữ thợ xăm. Bởi vậy, tôi đã nghe rất nhiều lời bàn ra tán vào của mọi người”.

Phù thủy xăm sẹo kể chuyện xóa ký ức đau khổ của khách-4
Góc phòng nơi nữ thợ xăm làm việc.

Là một nữ thợ xăm đã có những thành công nhất định, Ngọc bày tỏ quan điểm: “Đồng ý là trước đây hình xăm thường gắn liền với những đối tượng không đứng đắn, lành mạnh. Tuy nhiên ngày nay, xăm hình chỉ đơn giản là nghệ thuật làm đẹp cho bản thân chứ không phải để chứng tỏ điều gì. Khó thể đánh đồng việc xăm hình với việc nhận định về một con người, đặc biệt là phẩm chất của họ”.

Ngọc mong rằng mọi người sẽ hiểu một cách đúng đắn về nghệ thuật xăm và những người làm nghề này. Cô vô cùng tự hào về công việc của mình. Nó không chỉ giúp người khác lưu giữ những điều họ trân trọng ngay trên cơ thể một cách đầy nghệ thuật mà còn giúp che đi sự tự ti của bản thân.

Trước một số định kiến của dư luận xã hội, Ngọc chia sẻ: “Hình xăm không nói lên được nhân cách của một người. Hình xăm cũng không thể bóp méo những giá trị đạo đức vốn có ở họ.

Và thực tế trong suốt những năm qua đã chứng minh, không phải ai có hình xăm cũng là người xấu. Không phải xăm mình là một cách để chứng tỏ bản thân là người thế nào. Tôi mong mọi người đừng đánh giá con người chỉ dựa vào những hình xăm”.

Theo Người Đưa Tin