Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam trong những năm gần đây, Vpop đích thị trở thành một "sàn đầu tư" mà rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức từ các lĩnh vực khác muốn chen chân vào để kiếm lợi.
Rõ ràng nhất phải nói đến những màn bắt tay bạc triệu, bạc tỷ giữa doanh nghiệp và nghệ sĩ để cùng nhau cho ra đời những sản phẩm âm nhạc kết hợp quảng cáo.
Dẫu biết đây là sự đầu tư thích đáng giữa thời đại 4.0, tuy nhiên về lâu về dài, đây có phải là một hướng đi thỏa mãn được khán giả và quan trọng là cái tôi âm nhạc của người nghệ sĩ?
Vpop không còn là "sân riêng" của ca sĩ
Mỗi khi nhắc đến từ khóa Vpop, chắc chắn người ta sẽ nghĩ ngay đến một "thánh địa" tung hoành của các ca sĩ với loạt sản phẩm âm nhạc đa dạng, đặc sắc. Tuy nhiên, đây dường như chỉ là câu chuyện của nhiều năm về trước khi ca sĩ hoàn toàn tập trung vào âm nhạc và không có sự đặt chân của các thương hiệu, nhãn hàng quảng cáo ẩn trong MV.
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không chỉ dừng lại ở việc những nhãn hàng, thương hiệu nhỏ lẻ được cài cắm vào MV. Nói chính xác hơn là ở thời điểm này, những "ông lớn" trong ngành thương mại cũng đã bắt đầu đặt chân vào làng nhạc với những sản phẩm chuẩn chỉnh đủ phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khán giả.
Có thể điểm qua một vài sản phẩm âm nhạc gần đây như: Khỏe Đẹp Vì Ai (Bảo Anh ft ICD ft HIEUTHUHAI), Em Bé (Amee ft Karik), Làm Gì Mà Phải Hốt (Hoàng Thùy Linh ft Đen Vâu ft JustaTee), Đi Để Trở Về (Chuỗi series có sự góp mặt Soobin, Hương Tràm), Chuyện Cũ Bỏ Qua (Bích Phương), Hạnh Phúc Là Đây (Hồ Ngọc Hà),... Những cái tên kể trên không phải là một sản phẩm âm nhạc thuần từ ca sĩ, mà chính xác là những quảng cáo được gắn mác MV một cách "tinh vi".
Mặc dù đây không phải là những sản phẩm "thuần" phục vụ cho mục đích nghe nhạc từ khán giả, tuy nhiên chúng lại đạt được thành công bất ngờ. Top trending, view khủng, viral rộng rãi là những gì có thể nói về loạt sản MV quảng cáo đang bành trướng thời gian vừa qua. Thậm chí, thành tích của những "chiến binh" này đôi khi dư sức xô đổ cả loạt sản phẩm âm nhạc "chính chuyên" từ các ca sĩ.
Dần dà theo sự thành công của những MV quảng cáo, việc các nhãn hàng đổ tiền vào làm MV có thể được xem như chuyện thường ngày ở huyện. Như vậy, Vpop của thời điểm hiện tại không còn là một "sân chơi" riêng của những ca sĩ, mà thị trường này đã chính thức chấp nhận sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Nên hay không nên?
Không thể phủ nhận việc các nhà đầu tư đổ tiền làm MV hoàn toàn không phải là một cuộc chơi hời hợt. Mà ở đó, họ cho thấy sự nghiêm túc trong chiến lược muốn tiếp cận khán giả ở một phương diện hoàn toàn mới, không còn đơn thuần chỉ là những TVC quảng cáo thông thường.
Một dự án MV quảng cáo nổi bật và thành công chắc chắn phải kể đến Đi Để Trở Về từ SOOBIN. Ban đầu chỉ là một hình thức quảng cáo giày, tuy nhiên sau khi lên sóng lại nhận về rất nhiều thành công và phản hồi tích cực từ khán giả. Ở dự án này, người ta nhận ra đây không đơn thuần là một video tập trung để quảng cáo những mẫu mã giày dép, mà lồng ghép vào đó là âm nhạc rất có đầu tư và câu chuyện nhân văn xuyên suốt mỗi số thuộc series này.
Hay một sản phẩm MV quảng cáo nhưng được xếp vào hàng đình đám khác chính là Chuyện Cũ Bỏ Qua - Bích Phương. Điều gì đã khiến một MV quảng cáo nước ngọt lại dễ dàng cán mốc con số 100 triệu lượt xem trong khi hàng loạt những dự án tiền tỷ chưa chắc đã thu về thành tích tương tự?
Trong Chuyện Cũ Bỏ Qua, Bích Phương đã lồng tải thông điệp cực kỳ tích cực về mối quan hệ giữa những con người với nhau. Bằng việc trao cho nhau những lon nước ngọt cùng thông điệp "chuyện cũ bỏ qua", giai điệu ca khúc này đã trở nên viral một cách khó tưởng ngay tại thời điểm ra mắt.
Thông qua những sản phẩm này, có thể thấy được các nhà đầu tư đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng những gì nằm trong vùng thị hiếu của khán giả. Không còn là những cảnh quảng cáo được nhồi nhét lố lăng, mà ở đó là những giai điệu được viết riêng, những hình ảnh được sáng tạo riêng và những câu chuyện được viết riêng chỉ để phục vụ cho một MV Quảng cáo. Cộng với sức hút từ những nghệ sĩ nổi tiếng và một chiến lược quảng cáo được vạch ra bài bản, các sản phẩm này đã góp phần thúc đẩy sự thành công cho những màn kết hợp "đôi bên cùng có lợi".
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp đổ tiền cho ca sĩ làm MV để quảng cáo sản phẩm chưa chắc đã là một bước đi hiệu quả về lâu về dài. Bởi nếu các sản phẩm chính thống bị "chèn ép" từ những sản phẩm quảng cáo, thử hỏi phải chăng nền nghệ thuật đang dần trở nên thương mại hóa và đánh mất đi giá trị nguyên bản?
Khi nhận một hợp đồng thực hiện MV quảng cáo, chắc chắn người nghệ sĩ sẽ không thể bung hết được cá tính âm nhạc mà phải nương theo yêu cầu từ phía "nhà thầu" để đảm bảo sản phẩm ABC mới là nhân vật chính. Thậm chí, nghệ sĩ bắt buộc phải tham gia dự án dưới sự chỉ đạo đã được định đoạt trước đó, để khi thành phẩm ra đời dù họ có không hài lòng nhưng vẫn đảm bảo được thương lượng với nhà đầu tư.
Về phía khán giả, có thể tại thời điểm này các sản phẩm MV quảng cáo vẫn tạm đáp ứng được nhu cầu của họ, nhưng đây sẽ là câu chuyện khác nếu xét đường dài. Bởi không có bất kỳ người hâm mộ nào muốn thần tượng của mình bị chi phối trong nghệ thuật, nhất là những nghệ sĩ trẻ. Dẫu biết việc thỏa thuận hợp tác thương mại và nghệ thuật không còn quá mới mẻ, nhưng việc sử dụng nghệ thuật để kiếm tiền không xuất phát từ mục đích phục vụ khán giả chắc chắn không nên cổ súy.
Tạm kết
Việc nhãn hàng và ca sĩ hợp tác với nhau có thể được xem như một mối quan hệ cộng sinh mà ở đó mỗi cá nhân, tổ chức đều sẽ tìm thấy nguồn lợi riêng cho mình. Tuy nhiên, một người nghệ sĩ chân chính cần đủ tỉnh táo để phân biệt rõ ràng ranh giới giữa nghệ thuật và thương mại. Vì suy cho cùng, cốt lõi trong âm nhạc vẫn là phục vụ cảm xúc người nghe, và sẽ rất ít người muốn phương tiện giải tỏa tinh thần từ người nghệ sĩ mình yêu mến ngày càng bị chi phối quá nhiều từ những bản hợp đồng quảng cáo.
Theo Saostar