Rơi nước mắt trước những người cha khắc khổ trong phim Việt

Hoài Linh, Công Ninh, Công Lý đã khắc họa hình ảnh những người cha nhân hậu, yêu thương con bất chấp khó khăn, vất vả trên màn ảnh Viêt.

Phim Việt Nam về tình phụ tử không nhiều, nhưng không phải vì thế mà thiếu những tác phẩm hay. Mẹ con Đậu Đũa, Chuyện nhà Mộc, Tía ơi… là những bộ phim về tình cha con từng gây xôn xao màn ảnh nhỏ. Kịch bản phim đơn giản xoay quanh cuộc sống giữa con và cha, chỉ là chuyện người cha bán thóc gạo đưa con gái đi thi hay bối rối khi không đủ tiền sắm sửa cho con bộ váy mới… nhưng cũng đủ để gây ấn tượng cho khán giả về hình ảnh những người cha khắc khổ nhưng luôn đong đầy tình yêu thương.

Ông Hai (Hoài Linh) trong phim “Tía ơi”
 
Ông Hai hành nghề đạp xích lô để duy trì cuộc sống vì các con ông không hề đoái hoài tới người cha tuổi cao sức yếu. Ông Hai không lấy đó là buồn bởi ông yêu thương các con nhưng không muốn là gánh nặng của bất kì ai. Đột nhiên một ngày kia, cả ba người con trai ra sức quan tâm ông Hai muốn đón ba về phụng dưỡng khi về già. Ông Hai vui lắm bởi ông suy nghĩ nhiều về cảnh được quây quần đầm ấm với con cháu. Thế nhưng chưa kịp cảm động về sự hiếu thảo của các anh con trai, ông nhận ra mục đích của các con là tranh giành tài sản mà người vợ đã mất của ông để lại.

phim người cha trên màn ảnh 2
Biết mục đích nuôi cha của các con, nhưng ông Hai (Hoài Linh) vẫn hết mực yêu thương

Tấm lưng còng vì “dầm sương dãi nắng”, thân hình gầy gò bên chiếc xích lô cũ mèn của ông Hai đã tạo ấn tượng mạnh về hình ảnh người cha bao dung nhân hậu. Dù có phát hiện ra màn kịch của các con ép ông tăng cân, chúng giao kèo: “Ai nuôi cha tăng nhiều cân nhất, sẽ được nhận phần gia tài nhiều nhất” nhưng ông Hai vẫn dành tình cảm yêu thương cho những người con đầy thủ đoạn. Khán giả thấy xót xa khi chứng kiến màn kịch bi hài cứ thế nối tiếp nhau. Kẻ tung, người hứng khiến người cha lọt thỏm trong thế giới hào nhoáng của những đứa con chỉ biết săn tiền. 

Ba Đậu Đũa (diễn viên Công Ninh) trong phim "Mẹ con Đậu Đũa"
 
phim người cha trên màn ảnh 1
Ba Đậu Đũa và hành trình vất vả đưa con gái đi thi “Bé khỏe, bé ngoan”

Mẹ mất từ khi Đậu Đũa (Thiên Tú) còn nhỏ, một mình ba nuôi em khôn lớn. Người cha gầy gò, ốm yếu với khuôn mặt khắc khổ. Cha nghèo nhưng tình cha dành cho con chẳng sự giàu có nào trên thế gian có thể sánh nổi. Một mình cha lo lắng, chăm sóc em từng bữa ăn, giấc ngủ... Hành trình cha Đậu Đũa đưa em tham gia hội thi “Bé khỏe, bé ngoan” trên chiếc xe đạp cà tàng đã khiến không ít khán giả cảm động. Xe ô tô bắn hết bùn đất vào hai ba con, cha Đậu Đũa lo lắng lau từng vết bẩn trên khuôn mặt ngây thơ, cha buồn lắm khi không đủ tiền mua chiếc váy màu xanh cho cô gái nhỏ đi thi… 

Thậm chí dù ngại ngùng nhưng vì Đậu Đũa, cha vẫn phải tỉ mỉ trả lời câu hỏi oái oăm của Ban giám khảo: “Mẹ vắt sữa cho con như thế nào?”. Cha yêu con hơn tất thảy mọi thứ trên đời, chỉ cần ở bên con, được chăm sóc, nhìn thấy con trưởng thành chính là niềm hạnh phúc giản đơn mà cũng vĩ đại nhất. 

Ông Mộc (diễn viên Hải Điệp) trong phim "Chuyện nhà Mộc"
 
phim người cha trên màn ảnh 4
Ông Mộc bán thóc gạo dốc toàn tâm lực mong con đỗ đại học

Dù là người nhà nông không được học hành nhưng ông Mộc trong Chuyện nhà Mộc có tư tưởng rất tân tiến. Ông cho rằng càng nghèo khó, càng lạc hậu thì càng phải chinh phục được sự học. Vì thế cho dù những cô gái đến tuổi lấy chồng trong làng đã yên bề gia thất, ông Mộc vẫn cố gắng động viện con gái học hành đến nơi đến chốn để thoát khỏi cảnh đời khổ cực.

Dốc hết tiền bán lợn và thóc, ông Mộc đưa con gái Mai (Như Trang) lên Hà Nội ôn thi đại học. Để con từ “cá chép hóa rồng”, ông đã tốn không biết bao tâm sức, ông lo cho con thuê phòng trọ ở đâu? Học thầy như thế nào? Ăn uống ra sao?... Và thế rồi, Mai cũng đỗ vào trường đại học như nguyện ước bấy lâu ông khao khát. 

Thế nhưng một thời gian sau, ông như “sét đánh ngang tai” khi nhận được thư của con gái thông báo tổ chức đám cưới. Ông Mộc lại một lần nữa tất bật, sửa soạn, lo lắng khăn gói lên thành phố để xem cuộc sống của cô con gái cưng...

Ông Phất (NSƯT Trần Hạnh) trong phim "Bão qua làng"
 
phim người cha trên màn ảnh 6
Ông Phất (NSƯT Trần Hạnh) lơ đãng, nhiều lời nhưng luôn đồng hành cùng anh con trai trưởng thôn

Bộ phim về đề tài nông thôn, những mối quan hệ trong Bão qua làng tuy giản dị nhưng không hề kém phần sâu sắc, hình ảnh người cha nổi bật trong phim là ông Phất, người bố lắm chiêu nhiều trò của anh trưởng thôn Lộc.

Ông Phất tuổi đã cao, cả cuộc đời ông lủi thủi trong cảnh gà trống nuôi con. Với bề ngoài là ông lão lơ đãng chẳng quan tâm tới ai mà lạ thay bất cứ chuyện to, chuyện nhỏ của bà con lối xóm đều được ông ghi nhớ hết. Những mẩu chuyện không đầu không cuối nghe ngóng từ làng xóm đều được ông Phất mang về kể lể với con trai. Ông và anh con trai như hai thế giới hoàn toàn đối lập. Anh Lộc thích làm thơ, ông Phất chê thứ đó thật phù phiếm lãng xẹt. Con trai thích giúp đỡ mọi người, ông lại thấy đó là điều phiền phức! Mặc dù luôn tỏ thái độ phản đối với việc làm của anh Lộc nhưng ông Phất lại lặng lẽ quan tâm, đồng hành cùng anh vượt qua mọi sóng gió. 

Ông Lâm (Công Lý) trong phim “Khi người đàn ông góa vợ bật khóc”
 
Một trong những tác phẩm truyền hình thấm đượm tình cảm gia đình trên màn ảnh Việt không thể không kể tới bộ phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc. Nhân vật ông Lâm do Công Lý thể hiện đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem về người cha ấm áp và nhân hậu. Ông Lâm là một đầu bếp giỏi, tuy nhiên do quá bận rộn mà ông không thể ở bên vợ trong lúc sinh người con gái thứ ba, sau lần sinh đó, vợ ông qua đời. Ông Lâm dành cả quãng đời còn lại chăm sóc cho 3 nàng công chúa khôn lớn. Với các cô: “Bố chính là thần tượng chứ đâu xa”.

phim người cha trên màn ảnh 3
Coi thời gian chăm sóc 3 cô con gái niềm vui nhưng bất hạnh khi cuối đời ông Lâm
 (Công Lý) mắc chứng lão hóa trí nhớ

Thế nhưng khi trưởng thành, ba cô con gái gặp phải nhiều khó khăn trong tình cảm và công việc khiến cho ông Lâm không khỏi lo lắng. Sát cánh cùng các con giải quyết ổn thỏa từng việc thì cũng là lúc ông phát hiện mình bị mắc căn bệnh Alzheimer quái lạ, chứng mất trí nhớ ở người già khiến ông lãng quên phần kí ức về vợ và con gái. Những phút tỉnh táo hiếm hoi luôn khiến ông bị bủa vây trong nỗi sợ hãi, nỗi sợ ngày mai thức dậy sẽ quên mất những gương mặt yêu thương, nỗi sợ của một người cha khi từng là chỗ dựa cho các con lại nghĩ rằng bản thân thật bất lực và thừa thãi...

 
Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất