Ca sĩ Hương Lan bỏ về giữa đám cưới vì Việt Hương diễn hài tục tĩu. Người hiểu biết và nhiều trải nghiệm như chị mà phản ứng như vậy, tôi tin rằng sự chịu đựng đã đi quá giới hạn.

Sự chịu đựng ấy, có lẽ là trạng thái chung của nhiều người. Khi tiếng cười xâm chiếm mọi sân khấu, mọi ngõ ngách cuộc sống. Từ đám cưới đến sự kiện, từ hội nghị đến gameshow truyền hình, tấu hài đều chiếm phần cốt yếu.
 


Clip Việt Hương làm MC tục tĩu khiến danh ca Hương Lan bỏ về
 

Tiếc rằng đó là những tiếng cười nhợt nhạt, thậm chí kệch cỡm, dung tục. Một kiểu tấu hài phớ lớ không hề có thông điệp, cười xong phủi quần đi về. Phổ biến nhất là những câu thoại tục tĩu như kiểu "vợ... Mập... Đ..." nhưng vẫn khiến giám khảo Trấn Thành cười phớ lớ, trở thành bệ phóng giúp "hotboy trà sữa" Tấn Lợi lên ngôi Quán quân Thách thức danh hài 2017' Phổ biến thứ hai là nam đóng nữ vô cùng phản cảm mà hầu như vở diễn nào cũng có. Trong xu hướng này, Hoài Linh, Việt Hương và Trấn Thành là bộ ba đang dẫn đầu.

 


Clip Tân quán quân "Thách thức danh hài" văng tục vẫn dành giải thưởng 150 triệu đồng
 

Sân khấu và nghệ thuật nói chung ngày càng khan hiếm tiếng cười sâu cay có hơi thở cuộc sống. Đến cả Gặp nhau cuối năm, điều người ta nhớ nhất vẫn là những màn PR hết thương hiệu nọ đến sản phẩm kia. Lâu rồi, người yêu sân khấu không được thấy một màn diễn xuất sắc như Người ngựa ngựa người của Xuân Hinh - Thanh Thanh Hiền. Cũng không biết bao giờ, màn ảnh xuất hiện lại Chu Văn Quềnh với nụ cười mang một thân phận lạc lõng với thời cuộc xung quanh - những nụ cười găm vào người ta sự nghẹn ngào trăn trở.

 


"Gặp nhau cuối năm" đang mất dần bản sắc?
 

Hài kịch mì ăn liền nhăng nhố ngập tràn từ Nam chí Bắc. Có lẽ sự lên ngôi của nghệ thuật thương mại đang khiến các nhà sản xuất lẫn người làm nghệ thuật chạy đua càng nhanh càng tốt, miễn sao cứ cười là được. Yếu tố nhân văn, văn hóa bỗng nhiên thành thứ yếu. Cũng có phần lỗi của khán giả khi thị hiếu của nhiều người còn ở mức thấp, sẵn sàng bỏ tiền ra chỉ để mua tiếng cười nhảm nhí.

Nhưng có một trăn trở lớn hơn là sự tiếc nuối dành cho sân khấu hài cũng như showbiz, là thứ mà những người của công chúng mang lại. Từ những màn cười thô kệch đến những màn diễn xướng trên báo chí và mạng xã hội... Nó là sự pha loãng, một ngọn đèn hướng đám đông hiếu kỳ đi xa hơn diễn tiến xã hội xung quanh, thứ mật thiết hơn cho họ.

Từ Hoàng Kiều - Ngọc Trinh đến Mỹ Tâm đạo nhạc, tiếp tới Duy Mạnh - Tuấn Hưng lên mạng gạ gẫm đánh nhau... Tất cả, như những vở hài lôi cuốn, sẽ không có vấn đề gì khi nó diễn ra ở thời điểm khác, chứ không phải khi những cánh hoa sim nở xoè biên giới nhắc nhớ về cuộc chiến bi hùng mà không ai được phép lãng quên; hay khi nước mắt của hàng triệu người dân dọc miền duyên hải vẫn tuôn nhoè trước biển.
 


Duy Mạnh - Tuấn Hưng và cuộc đấu khẩu vừa mới được giải quyết
 

Chúng ta hãy chấp nhận với nhau rằng, xã hội là một quần thể đa nhu cầu, không ai có quyền hay tự cho mình cái quyền áp đặt nhu cầu của người khác. Cũng hãy công nhận với nhau rằng, nghệ sĩ sống bằng sự ồn ĩ là quyền của họ, nhưng một xã hội có tiến bộ hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự cộng hưởng của từng cá thể. Không thể có một xã hội tiến bộ khi bên trong nó là những cá thể nhạt nhoà.

Lịch sử nhân loại luôn có chỗ cho những nghệ sĩ biết nghĩ suy, biết hành động cho xã hội và cho thời đại. Đó là những người vượt xa tâm thế giải trí. Thứ họ mang lại cho thời đại của mình là sự đổi thay lớn, tư tưởng lớn. Đó là giá trị vĩnh hằng.

Sẽ quá tham lam nếu tôi trông chờ điều đó ở showbiz Việt. Nhưng tôi có quyền trông chờ một sự chững chạc của họ trong tác phẩm cũng như đời thường. Tôi mong những tiếng cười có văn hoá hơn và thời cuộc hơn.

Tôi mong họ nhớ rằng, luôn có một giọt nước mắt trên gương mặt chú hề!

 

>>> Duy Mạnh nhắn nhủ Tuấn Hưng: 'Chọn bạn an toàn mà chơi và ăn nói cho đúng mực hơn'

>>> Ngọc Trinh thú nhận đang dần đánh mất vòng eo 56 chỉ vì đam mê ăn đêm

>>> Cận cảnh màn đối đáp ngô nghê, văng tục của 'hotboy trà sữa' vẫn đoạt giải thưởng 150 triệu đồng

 

Nguyễn Tiến Tường
Theo Vietnamnet