Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ Lạm dụng siêu âm vì quá lo lắng cho em bé dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thai nhi.
Theo Daily Mail, tiếp xúc với sóng siêu âm (sóng âm tần số cao) thường xuyên và trong thời gian quá lâu có thể gây ra những tổn thương cho thai nhi đặc biệt trong những tuần đầu tiên của thai kỳ.
Một số cơ sở y tế không có giấy phép hoạt động, trang thiết bị không đạt tiêu chuẩn, thậm chí bác sĩ thực hiện không có đủ chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến kết quả chẩn đoán không chính xác hoặc không thể hỗ trợ bệnh nhân nếu xảy ra sự cố.
Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến của 2.000 bà mẹ do website ChannelMum.com tiến hành, khoảng 30% bà mẹ tương lai thường cảm thấy lo lắng về sức khoẻ của thai nhi và luôn muốn thực hiện siêu âm để kiểm tra.
Khoảng 30% trường hợp được hỏi thú nhận rằng họ chỉ muốn “kiểm tra” em bé mà chẳng cần bất kỳ lý do gì. Khoảng 20% thực hiện siêu âm thêm ít nhất hai lần so với khuyến nghị hoặc chỉ định của bác sĩ, trong khi có 18% siêu âm thêm từ 3 lần trở lên.
Nhiều thai phụ từng thực hiện siêu âm khoảng 9-10 lần trong suốt thai kỳ. Ảnh: Shutterstock/Fishman64.
Các chuyên gia của Mỹ và Anh khuyên các bà mẹ nên đi siêu âm vào tuần thứ 12 và 20 của thai kỳ nhằm phát hiện những bất thường và theo dõi sự phát triển của trẻ. Trong những trường hợp cụ thể, thai phụ phải tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Bà Mervi Jokinen thuộc Royal College of Midwives (Anh), nói đây là khuyến cáo dựa trên cơ sở của nhiều nghiên cứu và có tính toán kỹ lưỡng đến những lợi ích và tác hại của việc siêu âm đối với thai nhi. Do đó, các bà mẹ không nên lo lắng và lệ thuộc vào công nghệ vì điều này có thể có ảnh hưởng đến thai nhi.
Mặc dù siêu âm được xem là an toàn khi được sử dụng hợp lý, nhưng biện pháp này không phải lúc nào cũng phát hiện được tất cả dị tật thai nhi. Đặc biệt là các dị tật bẩm sinh hoặc do bác sĩ thực hiện chẩn đoán sai.
Theo Zing