Lý do trượt vòng phỏng vấn xin việc của bạn gái mới ra trường trên trang NEU Confession mới đây thu hút hàng nghìn bình luận và chia sẻ. Nhiều người cho rằng câu chuyện này được quan tâm vì khá quen thuộc với giới trẻ hiện nay.

Bị nhà tuyển dụng "soi" Facebook

Theo như lời chủ bài đăng, cô là cử nhân "có bằng giỏi, có chứng chỉ tin học, TOIEC, trong thời gian sinh viên cũng tham gia hoạt động và nghiên cứu khoa học". Nhờ sở hữu thành tích nổi trội, cô dễ dàng vượt qua vòng hồ sơ, rồi đến vòng phỏng vấn.


Vừa tốt nghiệp được ít tháng, tân cử nhân với tấm bằng loại giỏi bị công ty từ chối vì nói tục trên Facebook. Ảnh chụp màn hình.

Cuối buổi đối đáp, bạn gái được đánh giá là trả lời tốt, yên tâm về đợi kết quả. Nhưng một tuần sau, công ty gửi thông báo là cô bị từ chối vì có những lời nói tục trên Facebook. Tại trang cá nhân, cô không chửi bậy, nhưng bên tuyển dụng lại tìm ra được các bình luận không hay của cô trên diễn đàn khác.

Theo như thông báo, công ty cho rằng "trên mạng xã hội mình có cách ứng xử không tốt, sau này dễ ảnh hưởng đến tên tuổi của công ty". Cô cũng không ngờ là phía bộ phận nhân sự lại "điều tra" sâu đến thế.

Chuyện này đã thực sự khiến nữ chính bất ngờ, không thể trách công ty vì đó là chính sách riêng của họ, song cô thấy không hợp lý khi áp dụng trong tuyển dụng nhân viên. Cô cho rằng Facebook là "góc riêng" của mỗi người, nơi để thoải mái bộc lộ mình.

Xét thấy nơi làm việc có phần đúng, bạn gái xin được sửa chữa nhưng cuối cùng vẫn không được nhận. Sau đợt phỏng vấn, cô rút ra cho mình kinh nghiệm: "Giờ có lẽ đi xem, đi bình luận dạo cũng phải lặng lẽ hoặc tạo cho mình một tài khoản ảo thôi".

Dù chưa thể xác định thực hư câu chuyện, nhiều bạn trẻ vẫn có chung quan điểm với cô gái khi cho rằng công ty này quá khắt khe và xâm phạm đến tự do cá nhân của nhân viên.

Hoàng Thương (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) bày tỏ: "Những lời trên Facebook không nói lên được toàn bộ tính cách của một người. Nó giống như nơi để người ta giải trí, khi đi làm chưa chắc người ta đã ứng xử như vậy".

Bên cạnh đó, không ít bình luận đồng ý với cách làm của nhà tuyển dụng. Hoàng Nguyên (24 tuổi) cho rằng: "Mình thấy cách điều tra như vậy cũng hay. Vì qua một lần phỏng vấn, họ đâu biết rõ về bạn nên họ chọn mạng xã hội để tìm hiểu là đúng rồi”.

Người trẻ đi xin việc không chỉ cần chuyên môn

Dù là làm thêm hay phỏng vấn xin việc toàn thời gian, bước phỏng vấn ít nhiều luôn khiến các bạn trẻ lo lắng, "đứng ngồi không yên".

Với nhiều người mới ra trường, mỗi lần đi phỏng vấn là một lần phải "lên dây cót tinh thần" để có thể chiến đấu với những câu hỏi hay yêu cầu hóc búa từ nhà tuyển dụng.

Trong xu thế hiện nay, khi cầm tấm bằng đại học loại ưu trên tay, với trình độ chuyên môn vững vàng cũng không chắc là được nhận. Điều những bạn mới lần đầu đi phỏng vấn quan tâm là nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu gì.


Nhà tuyển dụng không chỉ yêu cầu ứng viên có chuyên môn, mà còn cả những kỹ năng khác. Ảnh minh họa.

Lê Thảo (23 tuổi) là nhân viên một công ty nước ngoài tại Việt Nam, đã có những lần phỏng vấn tuyển dụng cho công ty. Cô cho rằng các bạn trẻ không nên quá lo lắng vì "công ty cần người, mình cần công việc, đó là mối quan hệ hai chiều, không phải mình đi cầu cạnh ai cả".

"Công ty mình khi tuyển dụng, sau khi phỏng vấn sẽ có thao tác xem xét trang cá nhân của ứng viên. Tuyển dụng không có gì đặc biệt nhưng bên nhân sự sẽ tìm Facebook hoặc Instagram, dựa vào đó để đánh giá xem ứng viên là người thế nào", Thảo tiết lộ.

Nhiều bạn trẻ cũng hiểu được rằng bên cạnh trình độ chuyên môn, muốn có công việc "sáng giá", họ cần chuẩn bị cho mình những yếu tố cần thiết khác. Bằng cấp chỉ là điều kiện cần, trong khi doanh nghiệp cần vô số các điều kiện đủ.

Đào Duyên (22 tuổi) có kinh nghiệm đi phỏng vấn xin việc tại các công ty khác nhau. "Lần đầu, bên cạnh chuyên môn, họ cần mình có khả năng tiếng Anh tốt, ở công ty thứ 2 thì yêu cầu kinh nghiệm", 9X kể.

Các công ty không chỉ yêu cầu một nhân viên có kiến thức chuyên ngành, hay một tấm bằng tốt nghiệp, họ muốn nhiều hơn thế. Trong nền kinh tế hội nhập, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, ngoại ngữ hay năng lực giao tiếp, quản lý, làm việc nhóm… luôn được đưa ra khi tuyển dụng.

Người trẻ cũng ngày càng năng động, có ý thức phát triển năng lực bản thân. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đi làm thêm hay tham gia hoạt động đội nhóm là lựa chọn hữu ích để tích lũy kinh nghiệm cho chính mình.


Theo Zing