Sự thật tàn nhẫn đằng sau những mảnh đời bị vứt bỏ

Thực trạng số trẻ bị bỏ rơi tăng thêm hàng nghìn em mỗi năm đang gây ra một vấn nạn nhức nhối trong xã hội Trung Quốc.

Ấn tượng đầu tiên về cậu bé JiaJia 9 tuổi là em khá giống một Siêu nhân. Mặc một chiếc áo phông in hình Siêu nhân phía trước, cơ thể nằm úp xuống ván trượt, em nỗ lực dùng lực của đôi tay để di chuyển trên tấm ván trượt.

Nhưng thực tế, đó là cách em “đi lại” hằng ngày, bởi cả hai chân JiaJia đều bị liệt.

JiaJia mỉm cười nói: “Siêu nhân là một người tuyệt vời”.

Nếu chỉ nhìn cách di chuyển, sẽ chẳng ai để ý đến đôi chân lèo khèo của em cho đến khi chứng kiến cảnh cậu bé cố gắng kéo đôi chân ngăn ngắn vào bàn ăn trưa.

Bố mẹ đẻ đã bỏ rơi JiaJia bên ngoài cổng bệnh viện phụ sản Trung Quốc khi em chỉ mới 3 tháng tuổi. Cuộc phẫu thuật tật nứt đốt sống thất bại đã khiến cậu bé bị bại liệt từ thắt lưng trở xuống.

Tuy nhiên, cậu vẫn được học bơi, được đi học và có thể tự thay quần áo. Ước mơ của JiaJia là trở thành một sĩ quan cảnh sát.

Ông Melody Zhang, Giám đốc Tổ chức Hi vọng cho Trẻ em Quốc tế ở Bắc Kinh tâm sự: Cậu bé chỉ muốn được như các bạn cùng trang lứa mà thôi”.

JiaJia luôn mơ ước có một gia đình, để cuộc sống của em có thể sang một trang mới.

“ Nếu cháu có bố mẹ, cuộc đời cháu đã khác”.

Cuộc đời của cậu bé JiaJia đã làm lay động con tim của những nhân viên và tình nguyện viên ở Ngôi nhà của Alenah - một nhà tình thương hiện đang chăm sóc 23 đứa trẻ khuyết tật bị bỏ rơi ở Bắc Kinh.

Là anh cả trong nhà, JiaJia cũng phụ giúp việc chăm sóc, chơi đùa và hát cùng với các em nhỏ.

Trước đây, có một gia đình hứa nhận nuôi JiaJia. Nhưng sau đó, họ đã nuốt lời.

“Rất khó để tìm cho JiaJia một gia đình. Chúng tôi và cậu bé đã chờ đợi tận 9 năm rồi”, Ông Zhang chia sẻ.

Đầu năm nay, một gia đình người Mỹ đã nộp hồ sơ nhận JiaJia làm con nuôi. Nhưng gia đình Wilson, đến từ thành phố Kansas chỉ mới huy động được tiền quyên khoảng 36.000 USD để làm quỹ nuôi đứa trẻ.

Họ đã lập một trang blog và trang facebook để cập nhật về quá trình nhận con nuôi.

Nếu mọi việc suôn sẻ, JiaJia vẫn phải chờ đợi thêm vài tháng nữa mới được gia nhập vào gia đình mới ở bang Missouri.

Cậu bé thường xuyên liên lạc với những thành viên trong gia đình tương lai qua Skype. Mỗi lần trò chuyện, cậu bé đều bày tỏ mong muốn được chuyển đến sống với họ ngay lập tức.

Giám đốc Zhang cho biết, “JiaJia là một đứa trẻ kiên cường, mạnh mẽ. Hầu như cậu không thể hiện cảm xúc cho mọi người biết. Cậu luôn cố gắng tỏ ra mình là một đứa trẻ hạnh phúc”.

Tuy nhiên, mọi người vẫn có thể cảm nhận nỗi đau được chôn chặt trong lòng cậu bé qua giọng nói.

 “Nếu cháu có bố mẹ, cuộc đời cháu đã khác”, JiaJia giải thích tại sao cậu muốn có một gia đình.

Trẻ em khuyết tật vẫn bị vứt bỏ mỗi ngày

Trong 10 năm qua, số trẻ em bị bỏ rơi ở Trung Quốc có giảm, nhưng con số đó vẫn ở mức cao đáng lo ngại. Đáng nhấn mạnh là, hầu hết trẻ em bị bỏ rơi đều bị khuyết tật.

Mỗi ngày, có hàng chục trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi được báo cáo.

Đầu tháng 8, một bé gái sơ sinh đã được cứu sống khỏi một nhà vệ sinh công cộng ở Bắc Kinh.

Bé gái sơ sinh được cứu khỏi bồn vệ sinh hôm 2/8. 

Tháng 5 vừa qua, Cảnh sát cũng đã giải cứu một bé trai bị sứt môi sau 10 ngày bị chôn tại một nơi hoang vắng ở tỉnh Quảng Tây.

Vào tháng 5 năm 2013, một bé trai sơ sinh đã được tìm thấy trong một đường ống nhà vệ sinh ở Kim Hoa.

Sau một thời gian điều trị ở bệnh viện, cậu bé đã được trao trả cho ông bà ngoại. Người mẹ đơn thân 22 tuổi của cậu khai với cảnh sát rằng đó là một tai nạn.

Cách đây 5 năm, Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập hàng chục “lồng ấp trẻ sơ sinh”, xây bên cạnh các trại trẻ mồ côi, được trang bị đầy đủ giường cũi, lồng ấp và điều hòa nhiệt độ.

Cách làm này giúp các bậc “cha mẹ” có thể “gửi gắm” con cái ở đây, thay vì vứt bỏ chúng trên đường phố hoặc ở những nơi tồi tệ hơn.

Một “lồng ấp trẻ sơ sinh” ở tỉnh Sơn Đông cho biết, năm ngoái, sau 11 ngày khai trương “lồng ấp”, họ đã nhận được 106 em bé, tất cả đều bị khuyết tật hoặc có vấn đề về sức khỏe.

“Ở Trung Quốc, các chính sách phúc lợi dành cho trẻ em vẫn chưa được hoàn thiện. Ngoài ra, chính sách nhân đạo của chúng tôi còn có quá nhiều lỗ hổng”, Wang Zhenyao, Viện trưởng Viện nghiên cứu nhân đạo Trung Quốc thừa nhận.

Cơ quan trên đã phối hợp với Tổ chức UNICEF để thực hiện các Báo cáo về chính sách phúc lợi dành cho trẻ em Trung Quốc hàng năm.

Theo Báo cáo được đưa ra năm 2014, số trẻ em mồ côi, khuyết tật đã tăng từ 30.000 trẻ lên đến 50.000 trẻ. Khoảng 878 tổ chức phi chính phủ đã nhận tài trợ chăm sóc trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi tại nước này.

Một thực tế nữa được báo cáo, đó là trại trẻ mồ côi và nhà tình thương ở Trung Quốc đón nhận ngày càng nhiều các bé gái. Các em được cho là hậu quả của chính sách “một con” được thực hiện nghiêm ngặt.

“Trước đây, trẻ em bị bỏ rơi nhiều là do chính sách “một con”, quan niệm về giới tính, và điều kiện sống nghèo nàn ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay, vấn đề về sức khỏe của các bé là nguyên nhân chính đến tình trạng các em bị bỏ rơi gia tăng”, ông Wang cho biết.

Mặc dù luôn chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhưng các nhà phúc lợi xã hội cho biết Trung Quốc đang thiếu một mạng lưới an toàn xã hội thích hợp.

Điều này được thể hiện ở việc hàng trăm ngàn trẻ em mồ côi trên 14 tuổi không được nhận làm con nuôi.

Được ăn như thế này cũng đã là "hạnh phúc" đối với những đứa trẻ vô tội, bị chính cha mẹ đẻ vứt bỏ.

“ Chúng không đáng có một cuộc sống như thế này”.

Trong những số phận bi thảm của những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Trung Quốc, có lẽ, câu chuyện về một bé gái 18 tháng tuổi là ám ảnh phóng viên CNN nhất.

Cô bé Yuanyu xinh đẹp có một nụ cười ngọt ngào này bị mắc bệnh bại não. Em bé không bao giờ nặng quá 5 kg này đã qua đời cuối tháng 7 vừa qua.

“Bây giờ, chúng ta biết rằng cô bé đang được sống ở một nơi tốt đẹp hơn”, Christina Weaver 17 tuổi, một tình nguyện viên người Canada tại Ngôi nhà của Alenah tâm sự.

Bức ảnh của cô bé Yuanyu sẽ được treo trên một bức tường phía sau của ngôi nhà. Cùng đồng hành cùng với bé Yuanyu trên bức tường này là những em bé cũng đã ra đi mãi mãi.

Tình nguyện viên Weave chia sẻ: “Tất cả những đứa bé đều cần tình yêu. Chúng xứng đáng sống trong tình yêu thương. Chúng không đáng có một cuộc sống như thế này”.

Theo Trí thức trẻ


Tin tức mới nhất