BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược - Cơ sở 3 cho biết, trong y học cổ truyền rau muống vị ngọt, tính hơi hàn (nấu chín làm giảm tính hàn), công dụng thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể (nấm độc, sắn độc).

"Rau muống là loại phổ biến và được nhiều người yêu thích. Đây là loại thực phẩm tuyệt vời cho những người cần chế độ ăn giảm cân và giảm cholesterol, nồng độ đường trong máu tự nhiên", bác sĩ Vũ nói và cho biết rau muống giàu sắt nên hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, giúp phụ nữ mang thai bổ sung chất sắt, bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hóa chất gây ra nhờ các enzyme giải độc.

Một số công dụng chữa bệnh của rau muống

Thanh nhiệt, cầm máu

Rau muống 150g, Cúc hoa 12g, nước vừa dùng, đun sôi lửa to 20 phút, lọc lấy nước uống, có thể cho thêm chút đường.

Say sắn, ngộ độc sắn (khoai mì):

Dùng một nắm rau muống rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống, hoặc lấy 100g rau muống cắt đoạn, cám gạo tẻ 50g, trộn vào giã nhuyễn, thêm nước cho loãng để uống.

Tác dụng chữa bệnh của rau muống-1
 Rau muống là món ăn ngon, tốt cho sức khoẻ.

Giải các chất độc trong thức ăn (ngộ độc thức ăn)

Giã rau muống tươi lấy nước cốt uống ngay.

"Đây là kinh nghiệm dân gian được ghi lại trong nhiều sách thuốc. Tuy nhiên, ngày nay chỉ nên dùng phương pháp này để sơ cứu tức thời nhằm hạn chế độc tính, sau đó phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu", bác sĩ Vũ nói.

Say nắng

Dùng nước ép rau muống với chút muối, hoặc nước rau muống luộc cho thêm ít chanh hoặc muối uống sẽ cảm thấy dễ chịu, tiêu khát nhanh chóng. Có thể dùng thường xuyên trong mùa hè.

Rôm sẩy, mẩn ngứa, sởi, thủy đậu ở trẻ em

Dùng nước nấu rau muống xoa, rửa, tắm.

Nhuận tràng

Do nhiều chất xơ nên rau muống hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa, giúp hạn chế những rắc rối liên quan đến đường tiêu hóa. Chúng tác dụng nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón. Tuy nhiên nó không tốt cho tiêu hóa trong trường hợp sử dụng rau không hợp vệ sinh.

Những người không nên ăn rau muống

Bác sĩ Vũ lưu ý, dù nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ, nhưng rau muống chống chỉ định với những người bệnh huyết áp, nhịp tim chậm, suy nhược nặng, hư hàn. Đặc biệt với vết thương, mụn nhọt đang trong quá trình lành, rau muống có thể làm sẹo lồi xấu.

Đang uống thuốc Đông y, nếu ăn rau muống sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) và sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.

Rau muống tốt nhưng bạn nên ăn đa dạng các loại rau. Khi chế biến rau muống cần rửa sạch từng ngọn, ngâm rau vào nước muối loãng trước khi nấu, không nên ăn rau muống sống (rau muống chẻ ngọn).

Lựa chọn mua rau rõ nguồn gốc, tránh mua phải rau còn tồn dư hóa chất tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật.

Theo VTC