Khác với hình ảnh các nhân viên công sở mặc đẹp long lanh trong phim, nhiều nhân viên Gen Z ở Trung Quốc hiện tại đang theo trào lưu mới nhất là “mặc đồ đi làm cực xấu”. Trào lưu này đang phủ sóng khắp các mạng xã hội ở xứ Trung.

Cư dân mạng cho rằng trend này bắt đầu từ khoảng 2 tháng trước, sau khi một người có biệt danh là Kendou S đã lên mạng Douyin kể rằng cô vừa bị sếp “nhắc nhở”.

Vị sếp này bảo, trang phục mà cô mặc đi làm trông thật “ghê người” và phê bình rằng cô không quan tâm đến hình ảnh của công ty. Câu chuyện của Kendou S nhận được hơn 750.000 lượt thích và được chia sẻ đến 1,4 triệu lượt.

Tại sao nhiều nhân viên Trung Quốc hưởng ứng trào lưu mặc đồ thật xấu đi làm?-1
Kendou S mặc thật xấu đi làm sau khi bị sếp phê bình. Ảnh: Douyin.

Từ sau khi biết chuyện của Kendou S, ngày càng nhiều nhân viên Gen Z ở Trung Quốc đăng ảnh mình mặc những bộ trang phục lôi thôi lếch thếch, như thể tham gia một cuộc thi (vui) xem ai có thể mặc đồ xấu nhất đến công ty.

Trang phục mà các bạn nhân viên này lựa chọn rất đa dạng, từ áo khoác độn vai kiểu cũ, đến quần nỉ, đến pyjama…, về cơ bản là toàn đồ mà người ta hay mặc ở nhà, được phối hợp một cách bừa bãi để tạo ra vẻ ngoài thiếu chỉn chu.

Tại sao nhiều nhân viên Trung Quốc hưởng ứng trào lưu mặc đồ thật xấu đi làm?-2
Một cô gái ăn mặc lôi thôi đi làm. Ảnh: Douyin.

Những netizen Trung Quốc làm theo trào lưu này nói, họ muốn thể hiện rằng họ theo đuổi lối sống chậm, thoải mái hơn, thay vì lúc nào cũng chấp nhận những sức ép, đòi hỏi trong công việc.

Một số bạn Gen Z thì nói, họ mặc xấu cũng là để cho thấy tiền lương rất ít, khó có thể mua đồ mặc đẹp được, cũng chẳng có mong muốn mặc đẹp.

Một netizen kể, lương tháng của cô là 3.000 tệ (10,7 triệu đồng), nên cô chỉ chải đầu trước khi đi làm thôi chứ chẳng buồn thay quần áo, chẳng trang điểm gì cả.

Tại sao nhiều nhân viên Trung Quốc hưởng ứng trào lưu mặc đồ thật xấu đi làm?-3
Netizen có biệt danh Xiaoxiaoxiaoxiaole đăng ảnh lúc cô đi làm (trái) và đi chơi (phải), cho thấy cô đã mặc lôi thôi và không trang điểm khi đến công ty. Ảnh: Douyin.

Nhà tâm lý học Xiao Xueping nói với trang The New York Times (Thời báo New York) rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy Gen Z ở Trung Quốc đang ưu tiên cho những cảm xúc của mình hơn là chạy theo kỳ vọng của người khác.

Việc này cũng có thể coi là một kiểu “phản đối nhẹ nhàng” đối với sự khắt khe ở nhiều công ty, vì thực tế là các bạn nhân viên vẫn hoàn thành công việc, nhưng họ sẽ lựa chọn cách ăn mặc thoải mái nhất, còn khi đi chơi thì họ vẫn có thể chưng diện rất đẹp chứ không phải lúc nào cũng mặc đồ xuề xòa như khi đi làm.

Theo Tiền Phong