Trong ẩm thực Việt Nam, vịt là một món ăn gần gũi với đời sống văn minh lúa nước. Tuy nhiên vịt thường không phổ biến như gà. Vịt không phải là linh vật thờ cúng nên trong các dịp lễ, tết, thịt vịt thường không xuất hiện. Tuy nhiên dịp tết Đoan Ngọ thì thịt vịt lại trở thành món ăn truyền thống và có những địa phương không thể thiếu thịt vịt trong ngày này.

Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn vịt? Ý nghĩa của tục ăn thịt vịt và ngày Tết Đoan Ngọ-1
Dịp tết Đoan Ngọ thì thịt vịt lại trở thành món ăn truyền thống. Ảnh minh họa: Internet

Tết Đoan Ngọ là gì?

Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Đây là ngày tết ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc... Đoan nghĩa là bắt đầu, Ngọ tức là chính trưa. Theo đó Đoan Ngọ chỉ thời gian nắng nóng cao điểm bắt đầu. Đoan Ngọ là lúc thời tiết hè nắng nóng. Theo đó thì sâu bọ phát triển, phấn hoa gây dị ứng có thể bay khắp nơi. Người xưa tin rằng dịp tết Đoan Ngọ là lúc nắng nóng cao điểm, tà khí khắp nơi tà ma hoành hành. Thế nên Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết giết sâu bọ, trừ tà.

Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn thịt vịt?

Ở Việt Nam có nhiều quan niệm ăn thịt vịt vào cuối tháng để "xả xui", trong ngày Tết Đoan Ngọ nhiều tỉnh miền Trung ăn thịt vịt quay hoặc thịt vịt luộc. Tết Đoan Ngọ ở các nước phương Đông đều mang ý nghĩa cầu an, cầu phúc. Nếu như Tết Đoan Ngọ, người Trung Quốc tặng nhau trứng vịt lộn, ăn trứng vịt muối, ăn thịt vịt thì ở nước ta nhiều nơi cũng ăn thịt vịt. Bởi vịt trong tiếng Hán là "áp". Vịt đồng âm với "áp" nên mang nghĩa trấn áp sự xâm nhập của bệnh tật, tà khí. Đây cũng là lời chúc người thân, bạn bè luôn an lành.

Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn vịt? Ý nghĩa của tục ăn thịt vịt và ngày Tết Đoan Ngọ-2
Tết Đoan Ngọ ở các nước phương Đông đều mang ý nghĩa cầu an, cầu phúc. Ảnh minh họa: Internet

Xét về thực tế chăn nuôi thì vào dịp tết Đoan Ngọ là lúc "đuổi đồng", lúa gặt xong, vịt no béo đủ để bán, thịt ngon, béo, không còn hôi. Đây là lúc ăn vịt ngon nhất và cũng là lúc nông dân gặt hái xong nên có thể sum họp liên hoan cùng nhau ăn uống. Vịt lúc này cũng rất rẻ nên thành ra đó là một lựa chọn có nhiều phù hợp: phù hợp thời điểm mùa màng, giá cả, sức khỏe... Từ đó ăn thịt vịt trở thành thói quen của nhiều người mỗi khi tết Đoan Ngọ tới.

Dân ta ăn thịt vịt thường luộc chấm mắm gừng, vịt quay/nướng chấm nước tương, xì dầu, nấu cháo vịt, vịt om sấu,... Hoặc mang vịt tiềm với hạt sen, táo đỏ cùng các nguyên liệu tốt khác gọi là vịt tiềm thuốc Bắc.

Thịt vịt bổ dưỡng và có tính mát

Theo Y học cổ truyền, thịt vịt có vị ngọt hơi mặn, tính hàn, có tác dụng làm tăng thêm sinh lực, bồi bổ cơ thể cho người bị suy nhược. Theo sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân: "Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thuỷ đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng,...".

Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn vịt? Ý nghĩa của tục ăn thịt vịt và ngày Tết Đoan Ngọ-3
Thịt vịt còn có tác dụng giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Ảnh minh họa: Internet

Thịt vịt còn có tác dụng giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Vào dịp Tết Đoan Ngọ, thời tiết nóng nực, oi bức. Gió hoạt động mạnh trên biển tạo nên sự ngưng tụ hơi nước dẫn đến mưa lớn kéo dài hoặc bão lũ thiên tai. Đồng thời vào tiết khí Hạ chí, lúc này, thời tiết thay đổi thất thường, dễ khiến con người nhiễm bệnh cảm cúm, ho sốt, say nắng, sốt xuất huyết,... Cho nên, việc ăn thịt vịt sẽ giúp cân bằng nhiệt, dưỡng thân tốt hơn.

Các món ăn khác trong ngày Tết Đoan Ngọ

Hằng năm, cứ đến 5/5 âm lịch, người dân lại nô nức diễn ra các hoạt động văn hóa trong ngày Tết Đoan Ngọ. Theo truyền thống, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn từng miền cũng có sự khác nhau.

Người miền Nam đã quá quen với sự xuất hiện của dĩa bánh tro, bánh ú và các chén rượu nếp, cùng với hai loại trái cây phổ biến vào mùa hè (mận, vải thiều,…) được bày trên mâm cỗ bàn thờ tổ tiên.

Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn vịt? Ý nghĩa của tục ăn thịt vịt và ngày Tết Đoan Ngọ-4
Ảnh minh họa: Internet

Thế nhưng, mâm cỗ của đồng bào miền Trung lại có điểm rất khác biệt so với mâm cỗ của người miền Nam. Chẳng hạn, cơm rượu nếp của người miền Trung rất khác so với cơm rượu của người miền Nam. Người miền Trung thường gói cơm rượu nếp trong một lá chuối chứa ba viên cơm rượu hình vuông, rất thơm ngọt.

Trước khi ăn, họ tháo lớp lá chuối bên ngoài, xếp những viên cơm rượu vào chén sao cho vuông vức, rồi đổ nước rượu vào. Đợi sau một ngày, cơm rượu đó mới được đem ra ăn và thường kèm với xôi vò.

Theo Gia Đình Việt Nam