Đã tham gia "trò chơi" thì phải chấp nhận luật chơi
Thời điểm các trường Đại học bắt đầu "rục rịch" công bố điểm chuẩn xét tuyển vào trường, nhiều học sinh cuối cấp "đứng ngồi không yên".
Hồi hộp chời đợi, vui mừng vì đạt được nguyện vọng hay hụt hẫng, tiếc nuối bởi hoài bão không thành sự thật là những tâm trạng khác nhau của các em.
Mới đây, Phan Minh Trí, cậu học trò lớp 12A2, trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã An Khê, Gia Lai đã có tâm sự buồn về kết quả thi của mình và nhận được sự quan tâm, sẻ chia của nhiều người.
Ước mơ của cậu học sinh vùng núi là thi đỗ vào đại học trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
"Dẫu biết đã tham gia 'trò chơi' thì phải chấp nhận luật chơi, thưng tại sao lại cay đắng thế này?
Gửi những người đã, đang quan tâm tới tôi. Không cần nhắn tin, gọi điện hỏi, đừng đến gặp trực tiếp và nhìn thấy bộ dạng thảm hại này của tôi, bởi vì tôi sẽ thông báo cho mọi người kết quả: Rớt đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh!
Cảm giác đau đớn như chà xát trái tim. Đau đớn như chặt đứt cái viễn cảnh đã vẽ trong tâm trí từ lâu lắm rồi. Bạn thử nghĩ xem, một điều gắn bó với bạn, thôi thúc bạn học tập và rèn luyện.
Cho đến khi bạn nghĩ rằng bạn đã đủ sức để làm được, và đúng thật, bạn có hi vọng rất cao để đạt được. Thế nhưng...
Trưa hôm qua, nhấn F5 liên tục chưa có thông báo.
Chiều tối hôm qua, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh lấy 29,25 điểm. Lý trí cho rằng nếu mọi việc đang diễn biến theo chiều hướng xấu, nó sẽ xảy ra theo chiều hướng xấu nhất có thể. Nhưng ai không có quyền hi vọng?
3 giờ chiều hôm nay, đi dạy kèm, một vài giờ nữa thôi là sẽ nhận được điểm chuẩn rồi. Vừa hồi hộp, vừa lo lắng. 4 giờ chiều, còn 1 tiếng nữa là về nhà. Chắc chắn lúc đó sẽ có kết quả. Nhưng có cần đợi tới đó không?
Có người cho xem bảng điểm vừa mới cập nhật ít phút. Nhìn. Thẫn thờ. Sốc.
Thẫn thờ xin lỗi cậu bé học trò. Chào mọi người. Về nhà. Thông báo kết quả cho bố mẹ. Trốn vào phòng…"
Cậu học trò miền núi khao khát trở thành bác sĩ vì "mẹ từng suýt chết khi sinh ra mình"
Tâm sự của Minh Trí đã nhận được sự quan tâm cùng nhiều lời động viên, khích lệ của người đọc. Được biết, Phan Minh Trí hiện đang sống tại huyện vùng núi Đăkpơ, Gia Lai. Thi đại học với số điểm khá cao: 27.6 điểm, Trí còn được cộng 1.5 điểm ưu tiên.
Thế nhưng, với số điểm 29.1, cậu học trò vẫn không thể hoàn thành giấc mơ trở thành tân sinh viên Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.
Trí bộc bạch: "Nghĩ lại về con đường học tập của mình. Khóe mắt cay cay, đột nhiên vài giọt nước mắt lăn xuống.
Gia đình mình từ nhỏ đã rất khó khăn rồi. Cấp 1, nhìn bạn bè đi học phụ đạo, sao mà vui đến vậy. Về nhà xin và kết quả là: Không!
Ngoài những bài học trên lớp ra, còn lại mình luôn tự mày mò. Lúc ấy còn nhỏ, chưa hiểu hết hoàn cảnh khó khăn nên trách bố mẹ lắm, cứ nghĩ vì cái gì mà mình không được như bạn bè cùng trang lứa?
Lớp 5, thi học sinh giỏi môn Toán cấp huyện, toàn bộ có giải, tệ nhất khuyến khích, riêng mình lại rớt.
Cấp 2, nhìn bạn bè đi học thêm, về nhà lại xin và kết quả là vì hoàn cảnh, nhà đông con, học tốt như vậy thì ở nhà tự học cũng được. Có phải gia đình đánh giá cao bản thân mình cao quá không? Năm lớp 6, học kì I rớt học sinh giỏi.
Lại nghe bố mẹ nói này nói kia, mệt, lúc ấy muốn chống đối lắm. Nhưng vẫn phải tự vực mình lên, cày cuốc, thậm chí phải mua sách giải để hiểu rõ hơn về bài học. Không hiểu thì cố hiểu.
Lớp 7, được vào lớp chọn, chưa lần nào thấy quá nhiều người tài giỏi như lần này. Đuổi theo, đuổi theo, mãi đuổi theo, đến cuối cùng, vẫn nằm phía dưới.
Lớp 8, vẫn ở lại lớp chọn, nhưng lần đầu tiên học môn Hóa. Sao mà nó khó đến vậy? Kết quả lại tụt hạng, nản và không muốn học Hóa nữa.
Lớp 9, ôi ác mộng môn Hóa. Phải xem lại sách giáo khoa lớp 8. Mua thêm cuốn sách giải bài tập để làm. Cày cuốc, và lần đầu tiên nhận được điểm 10 môn Hóa. Xúc động!
Đây cũng là năm đầu tiên mình đạt giải quốc gia môn Toán. Vui lắm".
Sinh ra trong gia đình có đến 6 anh chị em, với điều kiện kinh tế hạn hẹp, từ nhỏ đến lớn, cậu hiếm khi đi học thêm, đa số đều là tự học và nỗ lực bằng chính sức lực của mình.
Minh Trí cho biết, những năm học cấp 2, cậu yêu thích ngành Công nghệ thông tin, thế nhưng, bố mẹ Trí lại muốn con trai học Y Dược và ra sức định hướng, thuyết phục.
Điều khiến Trí e ngại chính là để thi đậu nghành Y, phải học giỏi 3 môn Toán, Lý, Hóa – những môn học mà khi vừa "chân ướt chân ráo" vào cấp 3, cậu vô cùng tự ti và áp lực bởi chúng đều rất "khó nhai".
Thế nhưng, sau một thời gian nỗ lực "cày cuốc", Minh Trí ngày càng tự tin hơn rất nhiều khi điểm số ba môn học này dần tăng lên. Và đây cũng chính là thời điểm cậu học trò cần mẫn xác định được ước mơ của mình: trở thành một bác sĩ giỏi trong tương lai.
Minh Trí tâm sự: "Lớp 11, lần đầu tiên mình tự nguyện học và nghiêm túc với ngành Y. Một phần vì đến tuổi này mới hiểu được những việc xảy ra hồi nhỏ, và nghe kể mẹ đã từng suýt mất mạng khi sinh ra mình! Cũng hiểu được tại sao từ nhỏ không được học thêm, học phụ đạo
Lớp 12, lần đầu tiên "liều mạng" đi thi bảng A môn Toán, quyết tâm, đến mức bị đau đầu, bố mẹ phải chạy về gấp rút từ Sài Gòn, nhờ người quen mua thuốc cho uống ngay trong sáng sớm. Kết quả: Rớt.
Chưa từ bỏ. Lần đầu tiên có giải nhất cấp Tỉnh, rồi lần thứ 3, lần thứ 4 có giải Quốc gia môn Toán.
Không hiểu: Cố gắng có thua kém gì ai, nhưng sao mà luôn có người. vượt trội hơn, giỏi hơn gấp trăm lần vậy?
Lần đầu tiên cày xuyên màn đêm, đề THPT Quốc gia chất đống. Thế nhưng… kết quả là: Rớt!
Lần đầu tiên có người yêu, và kết quả? Yêu xa? Có quá tàn nhẫn không?"
Như có nhắc đến ở tâm sự trên, Minh Trí và bạn gái cùng tuổi quen biết nhau đã 4 năm nay nhờ lần gặp gỡ trong một cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Quyết tâm đậu Đại học để được vào Sài Gòn học chung với cô bạn gái, nhưng cuối cùng, với kết quả hiện tại, Minh Trí sẽ là tân sinh viên ngành Y Đa khoa, Đại học Y Dược Huế.
Ban đầu, chàng tân sinh viên không khỏi thất vọng, hụt hẫng vì mục tiêu bấy lâu không thể hoàn thành: "Người ta nói "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Thế nhưng mình muốn trách ông trời quá, có quá tàn nhẫn không? Lúc nào cũng muốn mình phải vấp ngã là thế nào? Mình không đủ tốt à, không đủ cố gắng sao?
Nhưng Ông trả lời: "Tưởng như vậy là "ngon" à, tưởng giỏi lắm à, tưởng hoàn cảnh thê thảm lắm à? Rớt thì vẫn là rớt, chấp nhận sự thật đi, ngoài kia vẫn có người giỏi hơn, nỗ lực hơn nữa cậu bé à"
Mình phản kháng: "Ông có biết tôi nuôi hi vọng này như thế nào không? Tôi muốn chăm sóc sức khỏe cho gia đình tôi, muốn lăn lộn ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi muốn cùng học một nơi với người tôi thương"
Tuy đây là một trải nghiệm buồn trong cuộc đời, nhưng hiện tại, Minh Trí cho biết cậu đã bình tâm trở lại và cảm thấy không còn quá hụt hẫng nữa. Bởi dù sao, cậu vẫn còn có thể bước tiếp trên con đường trở thành bác sĩ tương lai, mong ước được chữa bệnh cho những người thân của mình vẫn còn đó.
Chàng tân sinh viên Đại học Y Dược Huế chia sẻ, cậu sẽ nỗ lực hết mình trong khoảng thời gian sắp tới trên giảng đường đại học, để có thể trở thành một bác sĩ giỏi sau này.
Theo Thời Đại