Tết Nguyên Đán - Xuân Mậu Tuất 2018

Tâm sự của những người trẻ Tết này xa quê

Chẳng ai muốn ăn Tết một mình nơi không có gia đình, nhưng thực tế là vẫn luôn có những người trẻ đón Tết xa quê với hàng ngàn cảm xúc khác nhau.

Tết Nguyên Đán là dịp lễ mà ai cũng mong đợi nhất trong năm bởi đây là ngày để mỗi người có thể trở về tổ ấm sau một năm học hành, làm việc vất vả. Cứ mỗi độ gần đến Tết, ai nấy cũng tất bật hoàn thành nốt công việc trong năm cũ, sửa soạn, sắm sửa tinh tươm để nhanh nhanh trở về nhà đón năm mới cùng gia đình.

Thế nhưng, không phải ai cũng có thể gác hết mọi phiền muộn, lo âu trong năm cũ để đón chuyến xe về nhà ăn Tết. Dù trong lòng luôn tồn tại nỗi nhớ nhà, những cảm xúc ngậm ngùi, những nỗi niềm khó tả nhưng vì hoàn cảnh, vì điều kiện không cho phép, hay thậm chí vì bất đắc dĩ mà một số bạn trẻ cũng không thể đoàn tụ cùng gia đình trong ngày năm mới tết đến.

Lựa chọn ở lại thành phố để kiếm thêm thu nhập

Trong những ngày Tết như thế này, nhu cầu nhân lực và việc làm tăng lên rất nhiều, đi kèm với đó là một mức lương vô cùng hấp dẫn, thậm chí là cực lớn so với thu nhập làm thêm ngày thường.

Ngay trước Tết, những công việc làm thêm 'hot' nhất phải kể đến như bán hàng, đứng quầy siêu thị, gói quà, tiếp thị,... Vào những ngày này, tiền công trả cho người làm cũng cao gấp đôi, gấp rưỡi bình thường, chưa kể thưởng doanh số. Một ngày lao động có thể đạt được mức lương 250.000 - 400.000 đồng. Đây là cơ hội kiếm tiền không phải lúc nào cũng có với các bạn sinh viên.

Tâm sự của những người trẻ Tết này xa quê-1
Nhiều bạn trẻ lựa chọn ở lại làm thêm dịp Tết để có khoản thu nhập đáng kể

Ngoài ra, sau Tết cũng là lúc phải trang trải thêm các khoản như: tiền nhà, phí sinh hoạt, học phí,... nên những bạn có hoàn cảnh khó khăn thường 'cắn răng ngậm ngùi' ở lại làm thêm Tết để đỡ đần gánh nặng tài chính cho bố mẹ.

Trong khi các bạn cùng trường đang hăm hở khăn gói về nhà ăn Tết thì Thủy Hằng - cô sinh viên năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền vẫn miệt mài đi làm thêm hàng ngày.

Cô bạn tâm sự: 'Dịp Tết ai mà chẳng muốn về nhà với bố mẹ nhưng vì điều kiện không cho phép, quê lại xa nên đành ở lại kiếm thêm chút tiền, phụ giúp cho bố mẹ đỡ vất vả. Nhiều khi gọi điện về thấy bố mẹ buồn, mình cũng chạnh lòng lắm chứ! Nhưng biết làm sao được, tiền vé xe về quê xa thì đắt, Tết xong còn bao nhiêu khoản chi tiêu, giờ mà về thì hôm sau lo liệu sao được!'.

Cũng không về quê ăn Tết như Hằng nhưng chàng trai Thanh Tùng (sinh viên đại học Thương Mại) lại mang tâm trạng khác vì lý do muốn ở lại làm thêm Tết là để có thêm trải nghiệm chứ không quá đặt nặng tiền lương.

Tùng chia sẻ: 'Thực ra nhà mình chỉ cách thành phố 60km, có thể đi xe máy về trong ngày được nên ở lại làm thêm cũng là chuyện bình thường. Vừa có thêm thu nhập mà lại còn được trải nghiệm nhiều, làm dịch vụ ngày Tết cũng cho mình những kinh nghiệm liên quan đến ngành học.'

Ăn Tết xa nhà vì đang học tập tại nước ngoài

Với những bạn sinh viên học tập ở các thành phố lớn thì bằng cách này hay cách khác vẫn có thể về quê ăn Tết, nhưng với các du học sinh thì muốn về nhà ăn Tết lại là điều chẳng hề dễ dàng.

Cô bạn Vũ Hồng Hạnh – du học sinh tại Saint Peterburg, Nga bày tỏ: 'Đã 2 năm rồi mình không về nhà ăn Tết được. Thời điểm này là lúc kết thúc học kỳ nên rất nhiều bài tập và báo cáo phải làm. Trường học cũng không có lịch nghỉ nên mình đành đón Tết xa nhà, chỉ có thể gọi video về cho đỡ nhớ gia đình thôi'.

Tâm sự của những người trẻ Tết này xa quê-2
Cô bạn Hồng Hạnh – du học sinh tại Nga

Cuộc sống du học sinh không phải lúc nào cũng 'màu hồng' như mọi người vẫn tưởng tượng. Học phí, tiền sinh hoạt hàng tháng cao, chưa kể mỗi lần đi lại vé máy bay vô cùng đắt đỏ cũng là khó khăn rất lớn khiến nhiều bạn du học sinh đành 'ngậm ngùi' đón Tết xa nhà.

Là du học sinh năm đầu tiên, Bùi Trang – du học sinh tại Seoul, Hàn Quốc cũng có những cảm xúc rất đặc biệt: 'Đây là lần đầu tiên mình không được đón Tết Nguyên Đán cùng gia đình. Thực sự rất nhớ nhà nhưng may mắn là ở đây mình cũng có những người bạn rất tốt. Bọn mình đều là du học sinh nên đã lên kế hoạch cùng nhau tự chuẩn bị đón Tết xa nhà theo kiểu của du học sinh. Cũng rất thú vị!'.

Tâm sự của những người trẻ Tết này xa quê-3
Với Trang, đây là năm đầu tiên mà cô xa nhà .

Có lẽ phải thực sự là những người con xa quê, những người tự lập nơi đất khách quê người trong ngày Tết đến xuân về mới thấu trọn những cung bậc tình cảm của họ. Bởi lẽ, Tết cổ truyền là dịp để vui chơi thỏa thích thì với những người trẻ tuổi xa xứ, cái Tết của họ chỉ là nỗi nhớ nhung.

Tết trải nghiệm cùng những hành trình thú vị

Khác với những người ở lại làm thêm hay những du học sinh xa quê, có nhiều bạn trẻ chon Tết là dịp để thực hiện những chuyến đi tình nguyện ý nghĩa.

Bạn Nguyễn Gia Tiến (sinh viên Học viện Quân Y) cho hay, Tết này cũng không thể về nhà cùng gia đình do phải ở lại bệnh viện theo lịch trực. Anh chàng tâm sự: 'Không được ăn tết bên gia đình cũng buồn lắm, nhưng do đặc thù của sinh viên ngành y nên mình đành theo lịch nhà trường phân công thôi. Đây là lần đầu mình trực tết, nhưng nghe mấy anh chị khóa trước nói thì ăn tết ở bệnh viện cũng có những cái hay riêng'.

Còn đối với Đức Minh, chàng sinh viên Học viên Báo chí và Tuyên truyền lại chọn điểm đến của mình trong những ngày Tết là chuyến đi tình nguyện lên các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Minh chia sẻ: 'Vì đã học năm cuối rồi, thời gian để dành cho những đam mê, sở thích không còn nhiều nữa nên mình phải tranh thủ những dịp như Tết để có thêm những kỷ niệm thú vị trong quãng đời sinh viên. Hơn nữa, đón Tết ở những nơi lạ cũng là một trải nghiệm rất đặc biệt và ý nghĩa'.

Tết là ngày sum vầy, đoàn tụ, nhưng biết làm sao được khi không phải ai cũng có thể tận hưởng trọn vẹn cái Tết bên những người yêu thương. Tin rằng, dù có những bạn trẻ không thể về nhà đón Tết, nhưng chắc chắn trong lòng mỗi người đều có những nỗi niềm riêng và luôn hướng về gia đình của mình.

 

Theo Baodatviet

 


Tết Nguyên Đán

Tin tức mới nhất

Bạn đang xem bài viết trong sự kiện: Tết Nguyên Đán - Xuân Mậu Tuất 2018