Nhiều lần trên đường vừa đi vừa khóc vì lo lắng
Bà T.T.K. (mẹ đẻ của chị T. ) chăm sóc con gái
Chia sẻ với Dân Việt về nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột suýt mất đi mạng sống của mình, chị T nghẹn ngào: "Có ai bỗng dưng lại muốn chết đâu hả chị, nhất là em còn chồng, ba đứa con thơ dại, bố mẹ hai bên đều đã già yếu mà em thì chưa báo hiếu được các cụ. Nhưng quá uất ức do bị hành lên hành xuống không biết bao lần, làm đủ mọi thứ theo yêu cầu, kể cả việc rút đơn khiếu nại, làm hồ sơ từ A đến Z, khám sức khỏe, phô tô bằng cấp các loại, cuối cùng cũng không có kết quả gì. Nguyện vọng của em chỉ nhỏ nhoi là được dạy ở trường THCS An Đồng vì nó vừa gần nhà lại gần trường tiểu học".
Chị T chia sẻ tiếp: "Năm nay cháu bé nhà em vào lớp 1, học xong cháu có thể tự đi sang trường cấp 2 nơi mẹ dạy để chơi với cháu thứ hai nhà em (năm nay lên lớp 6) trong lúc chờ mẹ tan giờ làm. Chỉ thế thôi.
Còn trường THCS Quốc Tuấn thì vừa xa nhà, xa nơi hai cháu nhỏ học, em một thân một mình không thể xoay sở việc đưa đón các cháu đi học, nhất là việc đón hai cháu tan trường đúng giờ là rất khó khăn.
Chồng đi làm biền biệt ở ngoài đảo xa có đận đằng đẵng hàng năm trời. Hai bên ông bà nội ngoại đều ở xa vì quê em và quê chồng đều ở Tiên Lãng, mà các cụ cũng đều đã già yếu, bệnh tật nên em không nhờ vả được mà còn suốt ngày ân hận vì không làm tròn được nghĩa vụ làm con vì lúc nào cũng bận bịu, không về chăm sóc các cụ được.
Từ ngày chuyển trường lên Quốc Tuấn, nhiều lần em phải bỏ họp ở trường để vội vàng về đón con. Nhiều hôm vừa đi đường vừa khóc vì lo lắng không biết con có chuyện gì xảy ra khi mẹ đón muộn hay không, con có làm sao không, có bị bắt cóc không…"
Uất ức vì bị hành lên hành xuống
"Khi trường thông báo sẽ chọn 5 người để điều động đi nơi khác, em không nghĩ mình lại trong diện phải chuyển đi vì em là con thương binh, nhiều năm công tác đạt giáo viên loại giỏi, đạt lao động tiên tiến, chồng em là cảnh sát biển thường xuyên phải công tác ngoài đảo xa, con em còn nhỏ. Không có lý do gì để chuyển em đi nơi khác.
Dù thế nào thì với những điều kiện như vậy, em nghĩ lãnh đạo nhà trường sẽ quan tâm, tạo điều kiện để em có thể làm tròn được bổn phận của người mẹ, người vợ và người con để chồng em yên tâm công tác.
Đến khi công bố kết quả, em không ngờ mình lại là một trong năm người phải chuyển. Ngay trong cuộc họp hôm đó, em đã trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng của mình để Ban giám hiệu nhà trường xem xét. Nhưng những lời trình bày của em đã bị bỏ qua.
Chỉ một ngày sau, khi vừa viết xong lá đơn kiến nghị chưa kịp nộp lên cấp trên thì chúng em choáng váng nhận quyết định điều chuyển. Chúng em đã gửi đơn khiếu nại và sau đó được cấp trên về xem xét, động viên chúng em đến nhận công tác tại trường mới, chờ một thời gian sau sẽ nhận lại trường cũ.
Năm học này, Trường cũ THCS An Đồng có 3 giáo viên nghỉ hưu, sĩ số học sinh tăng thêm một lớp. Em rất hy vọng sẽ được chuyển về. Ngay từ đầu tháng 5 em đã lên Phòng giáo dục để hỏi về việc chuyển trường nhưng cứ nơi nọ đổ cho nơi kia, người nọ đổ cho người kia mà không ai giải quyết. Đơn từ em gửi đi rất nhiều nơi nhưng tất cả đều chuyển về huyện.
Mãi đến đầu tháng 7, người ta mới bố trí cho chúng em gặp và làm việc với Chủ tịch UBND huyện An Dương. Tại buổi gặp gỡ này, lãnh đạo huyện có nói rằng: Trường THCS An Đồng hiện chỉ thiếu một giáo viên Sinh, vậy trong hai cô (dạy môn Sinh - Toán) chỉ có một cô được về THCS An Đồng, còn một cô phải về THCS Đồng Thái. Khi đó, cô giáo P.T.T.T đứng dậy nói, vì hoàn cảnh gia đình của chị T. rất neo đơn nên tôi xung phong về Trường THCS Đồng Thái, nhường cho chị T. được về dạy ở Trường THCS An Đồng", chị T cho biết.
"Sau cuộc họp đó, cô P.T.T.T đã có quyết định điều động về Trường THCS Đồng Thái, còn em cứ chờ để được về Trường THCS An Đồng nhưng không thấy gì. Cuối tháng 7 em lại lên huyện để hỏi. Lúc này người ta yêu cầu em phải rút đơn khiếu nại, rồi sang phòng Nội vụ xin mẫu đơn, hồ sơ khai lại. Em răm rắp làm theo.
Cô hiệu trưởng trường em dẫn em lên huyện để nộp đơn, nhưng người ta lại nói phải có chữ ký nháy của Chủ tịch huyện. Chủ tịch huyện bận suốt nên em không xin được chữ ký nháy. Thế là cứ người nọ đổ cho người kia, nơi nọ đổ cho nơi kia. Em bị đá đi đá lại như quả bóng. Cứ hẹn nay lại mai, chờ hết tháng 8, người ta lại bảo chờ cho ông hiệu trưởng cũ trường em là ông Tiến chuyển đi thì họ sẽ cho em chuyển về. Đến khi ông Tiến chuyển đi rồi cũng không thấy gì, lên hỏi họ lại bảo chờ sau khai giảng.
Đến hôm 6.9 vừa qua, sau ngày khai giảng, em lên gặp Chánh văn phòng huyện cũng vẫn là một câu nói: cứ chờ đã. Em sang Phòng giáo dục huyện, nói phải chờ bên ủy ban. Bao nhiêu ngày trời đi đi lại lại, lên xuống lên xuống, em thấy mình như bị lừa, chẳng còn thiết gì nữa, cuộc sống như thế chẳng còn gì mà nói nữa.
Trong cơn uất ức do bị dồn nén mấy tháng trời, em lên cơn quẫn trí thế là làm điều dại dột. May là trời còn thương có cô Thuận đến và cứu em, các bác sỹ ở đây tận tâm cứu chữa nên giờ em mới có thể ngồi đây, còn được trở về với chồng con và gia đình… Em thật sự ân hận vì em mà mọi người lo lắng, nhất là bố em khi biết tin này đã bị sốc mà đổ bệnh…"
Cần trả lại sự công bằng
Khi PV Dân Việt hỏi, ngoài những bức xúc do không được chuyển về trường cũ, còn uất ức gì khiến chị phải tìm đến cái chết hay không, cô giáo T. nức nở: “Gia đình em sống hạnh phúc. Chồng em rất yêu vợ và các con. Anh ấy đi công tác xa mấy tháng trời rồi.
Em chỉ vì uất ức do bị chuyển trường một cách vô lý, bây giờ họ đã sai nhưng lại cố tình không sửa sai, đẩy em đến chỗ tuyệt vọng, khiến em nghĩ, mình chết đi để sau này họ không làm khổ những giáo viên khác nữa. Ngoài những điều đó ra, em không có lý do nào để đến nỗi phải hành động dại dột như vậy”.
Về việc không chấp nhận chuyển đến công tác tại Trường THCS thị trấn An Dương, cô giáo T. nói, đúng là họ có đưa ra phương án này nhưng cô giáo T. không chấp nhận vì như chị đã nói, chị muốn dạy ở Trường THCS An Đồng là nơi đứa con thứ 2 của chị năm nay học lớp 6 ở đó, cháu thứ 3 học lớp 1 ở trường tiểu học bên cạnh có thể tự đi sang trường THCS An Đồng sau khi tan trường.
Có như vậy, chị mới vừa làm tốt nhiệm vụ của một giáo viên, vừa có thể đưa, đón và quản lý các con của mình. Ngoài ra, chị cũng cho rằng, năm học trước chị và một số đồng nghiệp của chị đã bị điều động đi khỏi trường một cách vô lý, thì năm nay các cấp, ngành chức năng cần sửa sai và trả lại cho các cô giáo sự công bằng.
Theo Dân Việt