Tâm thư mẹ bỉm sữa: Tôi không ghét Hà nhưng đau nỗi đau của Vân Anh

Tôi thấy đau cho Vân Anh, người vợ tào khang của Chu Đăng Khoa, thực sự thấm thía nỗi đau của chị, như nó là của mình.

Mấy ngày nay, ngập tràn truyền thông và mạng xã hội là chuyện tay ba Khoa Kim cương – Hồ Ngọc Hà – Vân Anh; nhiều người ném đá Hồ Ngọc Hà, có người thương chị Vân Anh, có người chỉ trích Chu Đăng Khoa. Tôi thì quan niệm “mình không mang giày của người ta, đi qua đoạn đường của người ta đã đi thì đừng lên tiếng phán xét ai”, kể cả đại gia kim cương, người vợ tào khang hay cô nhân tình nổi tiếng. Nhưng tôi thấy đau cho Vân Anh, thực sự thấm thía nỗi đau của chị, như nó là của mình.

Tâm thư của mẹ bỉm sữa: Tôi không ghét Hà nhưng đau nỗi đau của Vân Anh!
Vợ chồng Chu Đăng Khoa - Vân Anh ngày còn mặn nồng

Là một người mẹ với 2 con nhỏ, trải qua cuộc hôn nhân 11 năm, tôi hiểu cái tình yêu tha thiết ngày nào không còn như trong các tiểu thuyết ngôn tình thường mô tả; còn lại chỉ là nghĩa tình và nghĩa vụ. Bao năm tháng bên nhau, rồi giận hờn, rồi chia tay, ly thân, rồi tái hợp là những gia vị đắng cay, ngọt bùi mà đôi vợ chồng nào cũng trải qua. Càng trí thức càng phải chịu đựng, kín kẽ; nụ cười thì ngoài môi còn nước mắt thì cầm lại, nỗi đau nén lại vào tim. Giá như có thể lồng lên, đánh nhau chửi nhau để rồi tối về lại ôm nhau thì đã chả có gì để nói nữa.

Tôi thương chị Vân Anh vì cùng là người vợ, người mẹ. Gia đình đến thế này, chẳng ai đau bằng chị, cái đau sẵn có từ tâm khảm và cái đau từ miệng lưỡi người đời. Họ nói chúng tôi là “đàn bà ngu ngốc không biết giữ chồng”, “không biết cư xử”, “không đủ bình tĩnh và đẳng cấp”. Họ trách chị ghen mù quáng, nhiều lời, không giữ được “cái đầu lạnh”. Tôi đọc hết những lời bình luận, những status đó mà càng thương chị. Đau trong gia đình, đau trong dư luận.

Người ta có câu “Mắt không thấy, tim không đau”. Tôi tin, chuyện ong bướm không chỉ mới lần đầu; người vợ mắt nhắm, mắt mở làm ngơ mọi thứ; giả mù giả điếc cũng chỉ để giữ gìn gia đình. Tôi tin, chị đã ít nhiều chấp nhận cái sự đã rồi là chồng chị không còn là của mình chị nữa. Rồi một ngày, người ta bắt gặp chồng chị đi với nhân tình, ảnh chụp đôi uyên ương tình tứ tay trong tay lan truyền khắp mặt báo, người người xầm xì, liệu có người vợ nào có thể tiếp tục ngồi yên?

Chuyện nhẽ chỉ sôi sục chốc lát rồi dừng ở đó, cái tôi ấm ức và đầy tự ái của một người vợ nhìn chồng hạnh phúc bên người đàn bà khác cũng chỉ gắng gượng ngẩng cao đầu và cười vào mặt nhân tình bằng lời mỉa mai “chị thua em rồi đó”. Tôi thấy trong lời nhiếc mạ ấy là cả sự chua chát tủi hờn tận đáy lòng của chị. Chắc chỉ những ai từng qua cái cảnh ấy mới hiểu, hôn nhân đổ vỡ vì người thứ ba, rủa người cũng chỉ để gạt đi nỗi hờn trách chính mình mà thôi.

Mỗi một con người đều có lòng tự tôn làm đáy cho mọi ngưỡng chịu đựng, nín nhịn. Một khi tấm màn chắn cuối cùng liên tục bị tấn công và cào rách, mọi thứ sẽ vỡ òa. Một Vân Anh ngoa ngoắt là thế, ghê gớm là thế nhưng khi Chu Đăng Khoa lên báo bảo vệ nhân tình và một mực khẳng định quan hệ với vợ đã không thể cứu vãn được nữa thì chị đã hoàn toàn sụp đổ. Người phụ nữ trong cảnh tan nát bẽ bàng ấy có lẽ chỉ mong nếu chồng mình lên tiếng thì đó là một lời xin lỗi dành cho chị, hoặc chí ít là ghi nhận những gì chị đã vun đắp bao năm qua cho cuộc hôn nhân này. Nhưng không, người đàn ông đầu ấp tay gối của chị giờ đây chỉ xem chị là một người đàn bà mãi mãi “không còn tiếng nói chung” nữa, điều ấy quả là tàn nhẫn. Nếu Hà Hồ “ngạo nghễ chọc vào nỗi đau” của chị một, thì có lẽ Chu Đăng Khoa đã cào xé nỗi đau ấy của chị đến ngàn lần.


Tâm thư của mẹ bỉm sữa: Tôi không ghét Hà nhưng đau nỗi đau của Vân Anh!
Hồ Ngọc Hà

Cuối cùng chính Vân Anh là người tự kể về cuộc tình và cuộc hôn nhân của mình, tự nhận phần nhu nhược về mình và giãi bày mọi chuyện. Cuối cùng, chẳng còn ai ngoài chính chị phải tự ghi nhận cho mình, tự bảo vệ chút tự tôn của một người vợ bị chồng rũ bỏ. Đó là hành động bị đẩy tới đường cùng. Cuộc chiến xảy ra giữa một bên là lời tự sự thống thiết của người vợ và những hình ảnh tình tứ của cô bồ. Cả hai cũng đều tự bảo vệ mình.

Chấp nhận lấy một người chồng đào hoa, đồng nghĩa chịu cảnh chồng chung suốt một kiếp. Cay đắng ấy bao nhiêu người thấu hiểu. Chấp nhận, làm ngơ, đồng thuận,... vẫn không đủ cho một cô bồ. Lên tiếng thì bảo già mồm. Kêu gọi nghĩa tình thì bảo níu kéo, dùng con làm áp lực. Đối với người phụ nữ, quan trọng nhất vẫn là chồng và con. Dạy con thì phải dựa chồng. Níu chồng thì phải dùng con. Đó là việc đương nhiên và là quyền lợi của người vợ sót lại mà chị còn sử dụng được. Những quyền lợi khác, ít nhiều, cả anh, cả ả đều đã không màng rồi còn đâu.

Người trong cuộc thì tối, ngoài cuộc thì sáng. Có thể bạn đứng bên ngoài theo dõi diễn biến và “bình tĩnh sống” nhưng nơi này có người phụ nữ đau nỗi đau mất chồng, khóc cho sự tự tôn bị chà đạp thì hãy dịu dàng với cô ấy hơn trong lời nói mình buông ra.

Tình yêu sẽ chiến thắng. Hãy cứ đấu tranh cho tình yêu. Vẫn cứ chiến thuật, sách lược cho tình yêu với lý do “có yêu mới bất chấp, không yêu thì buông tay”. Tùy! Trên đời còn có chữ “Duyên”. Đi với nhau được bao lâu cũng tùy vào duyên phận mỏng hay dày. Bớt tổn thương nhau là được.

Theo Afamily/Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao