- Chị có kinh nghiệm gì khi giải ngân tiền từ thiện để được khán giả tin tưởng quyên góp cho các hoạt động của mình suốt nhiều năm liên tục?
Riêng việc nhìn thấy những gì tôi chia sẻ trên trang cá nhân, các phương tiện thông tin đại chúng và chia sẻ của những người từng trực tiếp tham gia các chương trình do tôi khởi xướng đã đủ để mọi người tin tưởng việc tôi làm, những khoản tôi tiêu đều hoàn toàn chính đáng.
Tôi tin rằng không chỉ có mình mà tất cả các nghệ sĩ đều không quá giỏi giang trong việc chi ly, tính toán số má như một nhà khoa học hay những doanh nhân.
Có rất nhiều cách để minh bạch chuyện giải ngân khi làm từ thiện nhưng quan trọng nhất vẫn là người thật việc thật. Nhìn tôi làm chương trình tình nguyện cho hàng nghìn người với chi phí hơn 100 triệu đồng thì chẳng ai buồn hỏi xem bà này đã tiêu chính xác từng đồng cho những việc gì. Tôi thậm chí còn được mọi người khen là làm rất rẻ so với chi phí thực tế trên thị trường.
Điều thứ hai mà người làm từ thiện cần nhớ là phải thông báo rõ ràng về tình trạng giải ngân, đặc biệt nếu chậm trễ so với kế hoạch vì hoàn cảnh bắt buộc.
Ca sĩ Thái Thùy Linh.
- Chị làm gì để chắc chắn rằng tiền mình quyên góp được chuyển đến đúng người đúng việc?
Đợt lũ lụt miền Trung năm ngoái, tôi không huy động được số tiền lớn nên không thể giải ngân bằng tiền mà chỉ có thể giúp đỡ một điểm trường ở vùng sâu vùng xa, hết sức khó khăn.
Khi đã cầm tiền của mọi người ủng hộ, tôi phải có trách nhiệm tiêu sao cho đúng, trực tiếp khảo sát tình hình trước khi giải ngân. Tôi biết mọi đồng tiền được gửi cho mình đều đáng quý nên bình thường tôi tiêu cho mình thì chẳng bao giờ mặc cả nhưng tiêu cho mục đích từ thiện thì phải xem xét rất kỹ, trả giá từng đồng và thậm chí còn xin thêm để làm sao giúp được nhiều người nhất có thể.
- Khi rơi vào trường hợp không thể triển khai giải ngân tiền từ thiện ngay, chị làm thế nào?
Tôi có kế hoạch giúp đỡ một trường mầm non ở miền Trung sau đợt lũ lụt, đã đi khảo sát rồi nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện được vì đường sạt lở, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp... Hết yếu tố khách quan thì đến yếu tố chủ quan. Thế nhưng, tôi không chỉ thông báo một lần mà nhiều lần trên trang cá nhân về về tình hình khảo sát, thời gian dự kiến tiếp tục triển khai.
Dư luận giờ rất quan tâm đến câu chuyện từ thiện của anh Hoài Linh. Tôi thực sự cảm thấy rất đau xót và cho rằng đó là một cú ngã khá nặng nề với anh ấy.
Cá nhân tôi không suy đoán hay nghi ngờ anh ấy có hành động khuất tất với tiền từ thiện. Có thể anh ấy xao nhãng, thiếu quyết tâm và hành động cụ thể trong việc giải ngân chứ chắc chắn không làm những chuyện như dư luận suy luận. Kể cả có tham đi chăng nữa, anh ấy chắc chắn sẽ không ngây ngô đến mức biển thủ số tiền lớn kèm theo danh sách rõ ràng tên người quyên góp như thế.
Người làm hoạt động xã hội phải cầm tiền từ thiện giống như đang mang một món nợ. Khi chưa đi miền Trung được, tôi cũng cảm giác mình đang mang một món nợ lớn của xã hội. Dù không bị đòi nhưng chẳng ai thích mang nợ cả, nhất là nó lại chẳng mang lại lợi ích gì cho cá nhân mình.
Tuy nhiên, anh Linh chưa đúng trong việc không đưa ra bất kỳ một thông báo nào về việc chậm giải ngân hay chứng tỏ rằng mình đang trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy, anh ấy giờ rơi vào tình trạng nói ra thì đã muộn.
Tôi tin rằng, suốt mấy chục năm làm nghề, anh ấy chắc chắn chưa bao giờ có một cú ngã vì bất cẩn như vậy nên mới lúng túng, đưa ra câu trả lời không thuyết phục được dư luận.
Hoài Linh lên tiếng về việc chậm giải ngân 14 tỷ đồng tiền ủng hộ miền Trung.
- Chị nghĩ gì về phản ứng của cộng đồng mạng với nghệ sĩ Hoài Linh những ngày qua?
Tôi theo dõi câu chuyện của anh Hoài Linh rất kỹ. Anh ấy sai ở chỗ không thông báo gì về kế hoạch giải ngân cũng không đưa ra được bằng chứng về việc đã liên hệ, trao đổi với địa phương để chứng minh mình đang triển khai công việc.
Công bằng mà nói, ở thời điểm này, anh ấy nói gì cũng không thể thuyết phục được đám đông. Tôi biết mọi người khó thông cảm với anh Hoài Linh nhưng đừng vùi dập quá đáng.
Ở đâu đó có người trách anh Hoài Linh rằng không có thời gian đi làm từ thiện nhưng vẫn chạy show, đi sự kiện nhưng thực chất, đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tôi mong mọi người phân định được công việc và làm thiện nguyện, không thể bắt chúng tôi bỏ hết công việc để đi làm thiện nguyện.
Hãy nhìn một cách công bằng, chúng tôi cũng có cuộc sống riêng. Tất cả những người đi làm thiện nguyện đều phải hy sinh thời gian, công việc riêng của mình.
Suốt 10 ngày nay bận bịu với chương trình Vitamin tháng 5 tiếp sức cho các y bác sĩ chống dịch, tôi gần như không làm được việc gì cho riêng mình.
Tôi mong nước mình bớt khó khăn, chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn, không ai phải khổ đau hay thiếu ăn thì chẳng ai phải nghĩ đến làm từ thiện. Bản thân tôi cũng muốn có thời gian chăm con, học nhảy, xây nhà, yêu đương... thay vì hy sinh tất cả những điều đó để cống hiến cho xã hội.
Hãy nhìn nhận mọi thứ bằng con mắt công bằng và hãy biết nghĩ cho nhau. Người làm từ thiện là đang nghĩ cho những người thiệt thòi, thiếu thốn nhưng xã hội cũng phải nghĩ cho người làm từ thiện nữa.
Cứ cho là người ta có một chút sai lầm đi nhưng dư luận cứ đánh đồng tất cả, đưa ra những lời thóa mạ quá đáng thì sau này chẳng ai dám làm từ thiện nữa vì sợ ôm rơm rặm bụng. Tôi đứng ở ngoài nhìn vào còn thấy xót xa lắm.
Qua dịp này, tôi mong mọi người nhìn câu chuyện nhiều chiều, cái gì chưa đúng thì nhìn nhận nhưng cũng đừng vùi dập kiểu yêu thì cho lên mây, ghét thì dìm xuống tận đáy.
Thủy Tiên và ông xã Công Vinh từng bị anti-fan nói nhận vơ công trình nhà chống lũ vì không gắn tên trên tường.
- Từ câu chuyện của danh hài Hoài Linh, chị rút kinh nghiệm gì cho mình trong việc làm từ thiện?
Tôi hiểu việc một nghệ sĩ lớn như anh Hoài Linh bất cẩn có thể khiến nhiều người làm thiện nguyện bị đánh đồng và tổn thương. Tôi không thể bênh vực anh Linh trong chuyện này nhưng ngoài kia vẫn còn rất nhiều người vẫn bền bỉ hoạt động xã hội, mọi người đừng phủ nhận tất cả. Trường hợp của anh Hoài Linh cũng là bài học sâu sắc cho chúng tôi.
Trước đây, câu chuyện của Thủy Tiên cũng khiến tôi và nhiều người phải rút kinh nghiệm. Thuỷ Tiên không thích đề tên mình ở những ngôi nhà tình nghĩa nhưng một số thành phần anti-fan lại cho rằng cô ấy nhận vơ.
Tôi từng chứng kiến 1.000 cái áo phao được gửi đến đồng bào chịu ảnh hưởng trong đợt lũ lụt miền Trung nhưng cả ba đơn vị đều nhận được ảnh thông báo rằng đó là hàng do mình ủng hộ. Người có lòng nhân ái thì tin tưởng người mua hộ, chẳng thể ngờ những hóa đơn khống đã hợp thức hóa mọi chuyện.
Chính vì vậy, việc để tên khi làm từ thiện không phải là đánh bóng tên tuổi mà là tránh cho những kẻ muốn lợi dụng tiền quyên góp của người khác để tư lợi cá nhân.
Việt Nam chưa có các tổ chức thiện nguyện chuyên nghiệp, người làm công tác xã hội không được trả lương. Cứ bảo làm từ thiện là phải bỏ hết thời gian, tiền của của mình mãi thì khó lắm.
Các nhà nghiên cứu, luật sư... giờ lao vào mổ xẻ, chuyện đã rồi nói thì dễ nhưng làm ra sao thì lại là việc khác. Nghệ sĩ mà đòi hát hay, diễn kịch giỏi, viết kịch bản tốt, có lòng nhân ái, văn hay chữ tốt, biết dùng sức ảnh hưởng lại giỏi làm kế toán, quản lý tài chính thì chắc thành tiên hết (cười).
Theo Ngoisao.net