Lối ăn uống không giống ai
Ẩm thực Việt Nam nổi tiếng về sự phong phú và đa dạng. Không khó để kể tên hàng loạt những món ngon độc đáo, mang đặc trưng của từng vùng miền. Nhiều món ăn được khuyến khích sáng tạo để phù hợp với khẩu vị của du khách đến từ các nền văn hóa khác nhau.
Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, sự độc đáo, sáng tạo trong ẩm thực có xu hướng bị bôi xấu bởi nội dung dạy nấu ăn quái dị trên mạng xã hội.
Cách thức chế biến món ăn càng độc, lạ càng dễ trở thành xu hướng trên mạng xã hội.
Hàng loạt chủ tài khoản mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và Facebook đua nhau đăng tải video clip chế biến những thảm họa ẩm thực như trà sữa hành lá, kem trộn mắm tôm, cà phê trứng bắc thảo, mỳ tôm nấu cùng trà sữa, ăn kèm trân châu,…
Để “câu” lượt xem, lượt tương tác, nhiều người bất chấp vệ sinh an toàn thực phẩm, biến tấu công thức các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số. TikToker vừa trải nghiệm món ăn vừa bình luận rôm rả, thậm chí coi đó như một trò thách đố, đồ ăn càng quái dị, càng thu hút người xem.
Món cá nhảy của dân tộc Thái bị nhiều người hiểu sai.
Món trà sữa hành lá này được một quán trà sữa ở TPHCM ra mắt hồi tháng 4.
Một phần đồ uống bao gồm trà sữa, trân châu, thạch phô mai, củ năng, thạch, một hộp hành lá thái nhỏ và một gói mì với giá 49 nghìn đồng. Ai chấp nhận thử thách có thể bỏ hành lá vào trong trà sữa như video do quán đã đăng tải.
Năm 2022, một tài khoản TikTok tên L.S thực hiện thử thách ăn kem với bún bò. Theo như người này giới thiệu, món ăn “nghe đã thấy đau bụng nhưng không thể bỏ qua trend (xu hướng) này”.
Video của L.S nhận hơn 25 nghìn lượt tương tác. Phần lớn bình luận cho rằng, món ăn này không tốt cho sức khỏe. Cách ăn không giống ai của TikToker này cũng khiến nhiều người thấy sợ, từ đó không thể thưởng thức món kem hoặc bún bò một cách bình thường.
Trên kênh Sa Pa TV chuyên về ăn uống, du lịch, văn hóa Sa Pa và các tỉnh miền núi phía Bắc, một nhóm thanh niên gây bức xúc với video bắt cá dưới ao và làm món cá nhảy.
Họ trộn một số loại rau sống, gia vị, mù tạt, nước cốt chanh và thả những con cá còn sống nguyên vào trong chậu. Nhóm thanh niên gọi món này là cá nhảy, có người cầm cá sống to bằng bắp chân đang quẫy đuôi cho lên miệng cắn, giới thiệu đó là món ăn truyền thống của người dân tộc Thái.
Như vậy, món cá nhảy của người Thái bị biến tướng nghiêm trọng.
Thực tế, đồng bào dân tộc thường chọn cá nhỏ ở suối nước trong và sạch, là loại cá nhỏ, ruột nhỏ, loại cá ít tiếp xúc với bùn… về thả vào chậu 1-2 ngày và thay nước liên tục cho cá phun hết bùn, sau đó lại rửa sạch thả tiếp vào chậu nước sạch.
Trước khi ăn phải chuẩn bị pha chế nước chấm và không thể thiếu các loại lá gia vị, chống tanh, chống đau bụng.
Không thể mượn cớ sáng tạo
Ẩm thực truyền thống cần được tôn vinh.
Sự sáng tạo trong ẩm thực là điều nên được khích lệ, nhưng phải được xây dựng trên nền tảng vững chắc của kiến thức, ý thức tôn trọng nguyên liệu và trách nhiệm với cộng đồng.
Ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội dạy nghề và việc làm đầu bếp nhận định, sự sáng tạo trong ẩm thực luôn được khuyến khích. Tuy nhiên, yếu tố đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu.
“Nhiều video chế biến món ăn có phần bừa bãi, thiếu kiến thức ẩm thực được đăng tải trên mạng xã hội. Các nhóm thực phẩm kỵ nhau được chủ kênh vô tư chế biến trong cùng một món.
Cách phối trộn như vậy lan truyền rộng sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều người hiểu sai về ẩm thực Việt. Các công thức nấu ăn độc hại đang lan truyền trên mạng, rất cần cộng đồng lên án”, ông Quân nói.
Phân tích sâu hơn về ranh giới của sáng tạo và phá hoại ẩm thực truyền thống, chuyên gia khẳng định, việc sáng tạo không được phá hỏng, ảnh hưởng đến món ăn hàng trăm năm nay của dân tộc.
“Món ăn truyền thống ra đời dựa trên nguyên tắc về sức khỏe, điều kiện tự nhiên mùa nào thức nấy và phù hợp với địa phương. Một món ăn phải đảm bảo nhiều yếu tố, có món ăn thành bài thuốc, đáp ứng nhu cầu của đời sống. Món ăn truyền thống bị tấn công là điều rất nguy hại. Cà phê, kem không thể trộn với mắm tôm hay đồ mặn nhiều dầu mỡ, tác động không tốt cho hệ tiêu hóa”, ông Nguyễn Thường Quân nhấn mạnh.
Trong trường hợp này, khán giả, người dùng mạng xã hội cần nêu cao ý thức cảnh giác, lên án kịp thời những video có nội dung sai lệch, làm xấu hình ảnh ẩm thực truyền thống.
Tổng thư ký Liên chi Hội Đầu bếp Việt Nam Nguyễn Xuân Quỳnh cho rằng, việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội cần tuân theo những quy chuẩn về sức khỏe, đảm bảo sự an toàn cho người xem.
“Ẩm thực phản ánh văn hóa của cả quốc gia, vùng miền. Vì thế, cần phát huy cái hay, cái đẹp của ẩm thực truyền thống thay vì phát tán những nội dung thiếu lành mạnh. Người dùng mạng xã hội nên chọn lọc thông tin, sử dụng tính năng báo cáo đối với những video gây nhận thức sai lệch về ẩm thực Việt”, ông Quỳnh bày tỏ.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định văn hóa ẩm thực là dòng sản phẩm chủ đạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thương hiệu du lịch quốc gia. Khách quốc tế cũng có ấn tượng
Chuyên gia đề xuất chương trình quảng bá ẩm thực mang tầm cỡ quốc gia và đầu tư quảng bá sâu rộng trên quy mô lớn.
Các đơn vị lữ hành cần có những nghiên cứu để hiểu sâu, hiểu rõ về sản phẩm bản địa của từng địa phương. Đó cũng là giải pháp tôn vinh ẩm thực truyền thống, đẩy lùi những nội dung sai lệch liên quan đến ẩm thực.
Theo Tiền Phong