Thành phố này chưa từng chứng kiến một thảm họa thiên nhiên nào có quy mô lớn như vậy, và sự tàn phá mà nó để lại chỉ trở nên rõ ràng sau khi cơn bão tan đi. Trong vòng 24 giờ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đã hứng chịu lượng mưa tương đương hơn một năm. Mưa lớn khiến cuộc sống của nhiều người ở trung tâm tài chính và du lịch hào nhoáng này gần như dừng lại.
Thành phố chìm trong nước
Các dịch vụ khẩn cấp làm việc suốt ngày đêm và may mắn là không có trường hợp tử vong nào ở Dubai được báo cáo. Sự hỗn loạn tuy tồn tại trong thời gian không dài, nhưng đủ để cho thấy Dubai thực sự mong manh trước thiên tai.
Khi đường băng chìm dưới nước, các chuyến bay tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới ở Dubai đã bị hủy. Các trung tâm thương mại sang trọng ngập trong nước mưa, thang máy trong các tòa nhà chọc trời ngừng hoạt động, buộc người dân phải leo cầu thang bộ lên hàng chục tầng. Không thể trở về nhà, một số tài xế phải ngủ trong xe do đường tắc.
Một tuyến đường ở Dubai bị ngập. Ảnh: AP
Ảnh: Getty Images
Những hình ảnh này khiến nhiều người bị sốc, vì nó diễn ra ở một thành phố công nghệ cao, một địa điểm du lịch quốc tế hàng đầu với cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới. Các nguyên nhân chính được xác định là do quy hoạch đô thị không tính đến khả năng xảy ra bão, và vùng Vịnh Ba Tư vốn hiếm khi có mưa lớn.
Dubai có mô hình nhân khẩu học độc đáo. Trong số 3,5 triệu dân, có tới 92% là người nước ngoài từ 200 quốc gia đến sống và làm việc tại thành phố này.
Theo một báo cáo, đây là điểm du lịch hấp dẫn thứ hai trên thế giới, đón hơn 17 triệu du khách vào năm ngoái. Nơi đây nổi tiếng với ánh nắng quanh năm, những quán ăn ngon và khu mua sắm sang trọng.
Sự gián đoạn vì mưa lớn trong tuần trước đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi người ở Dubai, từ khách du lịch và người lao động nhập cư đến cư dân thành phố. Chính quyền kêu gọi người dân ở nhà, nhưng nhiều người vẫn mạo hiểm ra ngoài và không thể quay về nhà do đường phố ngập nước.
"Điều đáng sợ là bạn không thể đi đâu cả", Sofie - một cư dân nước ngoài nói. Cô bị mắc kẹt trên những con đường ngập nước trong gần 12 giờ. Có lúc thiếp đi trong xe vì mệt.
Ảnh: Reuters
Trên tuyến đường cao tốc 16 làn Sheikh Zayed, các tài xế cho biết một số khu vực gần như tắc nghẽn hoàn toàn, buộc nhiều người phải đi ngược chiều. Tại quận tài chính - nơi đặt trụ sở nhiều ngân hàng lớn, những chiếc xe hơi sang trọng gần như hoàn toàn chìm trong nước khi đường phố biến thành hồ. Tại Dubai Marina - điểm đến ưa thích của du khách phương Tây và Nga, đồ đạc của các nhà hàng và quán cà phê gần đó bị dòng nước cuốn trôi.
Thiệt hại đáng kể
Khi nước lũ rút đi, các tuyến phố ở Dubai ngổn ngang mảnh vụn. Hàng loạt xe hơi bị bỏ không trên đường cao tốc. Avinash Babur - Giám đốc điều hành của InsuranceMarket.ae, một công ty môi giới bảo hiểm ở UAE cho biết, thiệt hại kinh tế do cơn bão gây ra có thể lên tới hàng tỷ dirham (1 dirham tương đương 0,27 đô la Mỹ ̣, ảnh hưởng đáng kể đến phương tiện, tài sản và cơ sở hạ tầng. "Tuy Dubai từng trải qua những cơn bão trong quá khứ, cường độ đặc biệt lớn của trận bão lần này đã đặt ra những thách thức thực sự".
Theo Babur, số lượng cuộc gọi đến các công ty bảo hiểm đã tăng gấp 10 lần, cùng với nhu cầu về bảo hiểm nhà ở tăng cao.
Khi một số cư dân bị mắc kẹt trong nhà không có điện, họ đã chọn cách bơi qua nước lũ để sơ tán. Với việc sử dụng điện thoại cố định ngày càng hiếm, những người không có điện phải dựa vào sạc dự phòng để sử dụng điện thoại thông minh.
Nước ngập đến chân tòa chung cư. Ảnh: Reuters
Đối với nhiều người, việc bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình gợi nhớ đến đợt phong tỏa vì COVID-19. Để phục hồi nền kinh tế hậu COVID-19, Dubai là một trong những thành phố đầu tiên dỡ bỏ lệnh phong tỏa, đồng thời UAE là một trong những quốc gia đầu tiên đạt được tỷ lệ tiêm chủng 100% vào tháng 11/2021.
Babur cho biết tình hình hiện tại mang đến cơ hội cho Dubai “thể hiện khả năng phục hồi nhanh chóng, tương tự sau đại dịch COVID-19“.
Sự phụ thuộc vào điện thoại thông minh
Với việc các ứng dụng thực phẩm tạm dừng giao hàng trong và sau cơn bão, một số cư dân đã phải dùng đến thực phẩm đóng hộp hoặc bất cứ thứ gì còn sót lại trong tủ lạnh để sống sót qua cơn đói. Những người không có điện buộc phải dùng bếp nướng để làm chín số thực phẩm bị rã đông trong tủ lạnh.
Theo các video được chia sẻ trên phương tiện truyền thông địa phương, một số ngôi nhà còn bị ngập trong nước, có khi ngập tới thắt lưng, khiến nhiều đồ đạc bị hư hỏng.
UAE là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới, ở mức 96% (Mỹ là 90%, trong khi Trung Quốc là 72%). Người dân chủ yếu dựa vào việc giao hàng tận nhà, từ đồ tạp hóa, nhiên liệu cho xe hơi đến kem và dịch vụ chăm sóc móng, chỉ bằng cách chạm vào màn hình.
Vào một ngày bình thường, các tuyến phố ở Dubai tràn ngập những người đạp xe đổ xô đi giao hàng với lời hứa hẹn giao hàng trong 20 phút cho hàng tạp hóa và 40 phút cho thực phẩm. Nhưng đầu tuần trước, hầu hết các ứng dụng giao hàng đều không hoạt động. Điều đó buộc mọi người phải tự xuống đường đến các quán ăn và siêu thị lân cận. Trong một số trường hợp, họ phải xếp hàng dài hàng giờ để mua đồ ăn. Một số nhà hàng vẫn mở cửa đến tận sáng sớm để đáp ứng nhu cầu.
Người dân dùng xuồng để sơ tán đồ đạc. Ảnh: Reuters
Ali Salem - 55 tuổi, một cư dân đã nghỉ hưu nói rằng ông bị mắc kẹt trong nhà ở quận Jumeirah cao cấp của Dubai kể từ khi cơn bão đổ bộ hôm 16/4. Suốt bốn ngày sau đó, ông phải sống trong cảnh không có nước và điện. “Tôi đã rút ra bài học. Một chiếc máy phát điện sẽ thực sự hữu ích trong hoàn cảnh này,“ ông Salem nói.
Niềm vui nhỏ bé
Mưa lớn có thể bất tiện với nhiều người, nhưng không phải là nỗi khốn khổ đối với giới trẻ Dubai. Các trường học chuyển sang hình thức học từ xa, nhưng một số học sinh có lý do chính đáng để “cúp“ học vì nhà không có điện.
Loạt ảnh chế bắt đầu xuất hiện trên mạng khi người dân tìm thấy niềm vui trước sự bất tiện của hiện tượng 75 năm mới có một lần. Một số video cho thấy trẻ em vui vẻ nghịch nước, và những người lao động nhập cư chơi bóng chuyền khi nước ngập sâu đến mắt cá chân.
Một video khác quay cảnh các bé trai trượt mô-tô nước với tốc độ tối đa trong một khu dân cư với chú thích: “Chỉ có ở Dubai”.
Dubai trước và sau khi bị ngập. Ảnh: CNN
Theo Tiền Phong