Xuất giá thì phải tòng phu, cuộc sống hiện đại nhiều thứ thay đổi nhưng câu nói này vẫn còn nguyên giá trị.
Con gái lấy chồng vẫn phải về nhà chồng, và trước sau gì thì vẫn thành "con nhà người ta", quá nửa cuộc đời hi sinh cho gia đình nhỏ của riêng mình.
Đi làm dâu, có nhiều điều phải học, phải nhớ, phải làm, nàng dâu nào may mắn thì được gả vào nhà chồng tâm lý, chiều chuộng, có cuộc sống sung sướng, còn không có điều kiện thì cái gì cũng phải tự giác làm.
Vừa mới lấy chồng được nửa năm, cũng xếp vào hàng may mắn có gia đình chồng tâm lý, nhưng nàng dâu mới Nguyễn Thị Huyền (20 tuổi) vẫn cười ra nước mắt khi trải qua đám giỗ lớn đầu tiên ở nhà chồng.
“Họ nhà chồng toàn cháu trai. Em là dâu trưởng, năm đầu về làm dâu 17 mâm giỗ, to quá chị em ạ. Tự chuẩn bị từ hôm trước luôn. Ở nhà chỉ có ăn, giờ lăn ra làm không biết kêu ai”.
Nhìn bức ảnh Huyền ngồi lọt thỏm giữa đống bát đĩa ngổn ngang, hết thảy chị em đều đồng cảm sâu sắc vì cảnh ngộ ấy cô gái nào cũng trải qua ít nhất 1 lần.
“Ôi, dâu thì dâu chứ phải osin đâu mà để một mình làm hết, không ai san sẻ chút nào như thế. Là mình thì nhất quyết không làm nhé, bị mắng chửi cũng kệ”. Một mẹ bỉm tâm sự khá thẳng thắn.
Một cô gái cũng vừa lấy chồng như Huyền hiến kế rằng: “Lần sau nhà có giỗ cứ mặc váy ngắn với bó vào chị ạ, hoặc giả bộ đi làm về không kịp thay đồ, ngồi rửa bát sao được”.
Nhiều chị em vui tính cũng nhảy vào chia sẻ cho nhau đủ loại bí kíp trốn rửa bát, thời buổi nào rồi mà phải nhường nhịn, ngoan ngoãn ngồi làm hết việc nhà, trong khi những người khác ngồi chơi xơi nước.
Không phải là “xui” nhau chống đối, lười biếng, mà trong tình huống này thì rõ ràng Huyền hơi thiệt thòi một chút, chịu rửa hẳn… 17 mâm, chẳng có ai phụ giúp ngoài chồng, nên chị em mới đồng lòng thương cô như thế, bày cách cho sau này đỡ vất vả hơn.
Mọi người bàn tán khá vui vẻ quanh chuyện rửa bát khi về nhà chồng, đa phần vì lấy lòng họ hàng, còn lại thì bất đắc dĩ, giống như Huyền, dâu khác trong nhà kiếm cớ bận rộn không đến ăn cỗ, thành ra có mỗi mình cô là phận con cháu, đành hì hục ngồi dọn dẹp cả bãi chiến trường.
“Em cũng thấy nản lắm. Mọi người cứ bảo làm dâu trưởng sao không nhắc nhở những chị em khác trong nhà, nhưng em mới cưới, nghĩ cũng không thể làm vậy được.
Mệt lắm, em ngồi giữa sân hơn 2 tiếng mới chiến đấu xong với đống nồi niêu bát đũa, may chồng thương nên phụ dọn dẹp cũng nhiều.
Lần đầu tiên trong đời em rửa nhiều bát đến thế, may mà 1 năm có 1 đám giỗ to thế này thôi, không tính đám nhỏ. Nhưng cứ nghĩ cảnh 15-17 mâm, em cũng sợ”. Huyền tâm sự.
Cô vợ trẻ vẫn rất vui vẻ, không giận dỗi gì, lại còn đùa vui rằng sau này rút kinh nghiệm, thuê người dọn dẹp cho nhàn, để thời gian đó đi chơi với chồng sướng hơn.
Một mình làm dâu xứ người, Huyền may mắn được chồng yêu thương hết mực.
Biết cô làm dâu trưởng phải gánh vác nhiều trách nhiệm, lo toan đủ thứ không tên trong gia đình, nên chồng cũng thường xuyên xắn tay phụ giúp, không nề hà gì.
Cách đây lâu lâu, cư dân mạng cũng từng phát sốt với cô dâu xinh đẹp mặc nguyên áo dài cưới ngồi rửa bát trong ngày đầu tiên về nhà chồng.
Cứ nhìn thấy bức ảnh nào giống thế này, chị em cũng đều nhìn thấy chính mình ở trong đó, bên cạnh những niềm vui và nụ cười thì đâu đó vẫn ẩn chứa nỗi lòng tủi phận.
Làm phụ nữ là vậy, không biết làm việc nhà, xông xáo tranh dọn dẹp quét dọn thì bị nói là lười
Nhà ai mà chẳng có cỗ bàn giỗ chạp, họ hàng ít không sao, nhưng đông đúc là kiểu gì cũng sinh chuyện, ăn thì chẳng ai than nhưng đến lúc dọn dẹp thì chạy hết.
Ai đi làm dâu cũng chứng kiến cảnh đùn đẩy nhau rửa bát năm này qua năm khác, vừa ngán ngẩm vừa buồn cười, nhưng tránh làm sao được!
Thôi thì cố gắng kiếm tiền nhiều nhiều, để thuê người về làm giúp. Chứ không cuối năm rồi, sắp Tết đến nơi, ăn chơi cả tháng, ngày nào cũng mỉm cười ngồi rửa bát thì chịu sao được hả chị em?
Theo TTVN