Thêu dệt về chống dịch Covid-19 ở Việt Nam: Ảo ảnh của 'ánh sáng cuối đường hầm'

Những hành động đơn lẻ, cá biệt đi ngược lại sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng sẽ không có nhiều giá trị. Và rất có thể, sau này, khi nghĩ và soi chiếu lại, họ sẽ nhận ra rằng “ánh sáng cuối đường hầm” ở thời điểm hiện tại chỉ là ảo ảnh

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã trải qua 2 làn sóng về dịch Covid-19 và được nhiều nước, tổ chức trên thế giới đánh giá cao về tính hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Có được kết quả này, trước hết là do sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống, từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước đến sự vào  cuộc của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội. Nhưng trên hết là sự đồng lòng, đồng sức của tất cả người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước bằng tất cả sự tận tâm, tử tế.

Trong đợt dịch thứ nhất, có thể nói đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp xúc với một loại dịch bệnh nguy hiểm, có tính chất lây lan kinh khủng mà đến tận bây giờ, nhiều nước phát triển vẫn đang lao đao và chịu tổn thất vô cùng nặng nề với cả triệu người chết và hàng chục triệu người mắc bệnh dịch. Trước những khó khăn như vậy, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã nhiều lần khẳng định thông điệp, ưu tiên cứu chữa người bệnh là nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất, kể cả sự hy sinh, đánh đổi về kinh tế. Và đến nay, chúng ta vẫn thực hiện xuyên suốt quan điểm đó trong việc phòng chống dịch bệnh. Tất cả các ngành, các cấp và đến từng người dân, đều đoàn kết một lòng, chia sẻ cùng nhau trong việc đẩy lùi dịch bệnh.

Thêu dệt về chống dịch Covid-19 ở Việt Nam: Ảo ảnh của ánh sáng cuối đường hầm-1
Có thể khẳng định một trong những nguyên nhân quan trọng khiến công tác phòng chống dịch không chỉ ở nước ta và nhiều nơi trên thế giới là việc công khai, minh bạch dịch bệnh.

Chúng ta cũng đã từng chứng kiến khi dịch mới bắt đầu ở Vũ Hán (Trung Quốc), việc không công khai, minh bạch đã khiến dịch lây lan không kiểm soát không chỉ ở nước này mà lan ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chỉ đến khi, Chính phủ Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào cuộc, công khai, phong tỏa Vũ Hán thì dịch bệnh ở Trung Quốc mới dần được kiểm soát.

Còn ở Việt Nam, trong đợt dịch thứ nhất, khi 16 ca mắc đầu tiên trung thực khai báo ngay từ đầu, chúng ta đã khoanh vùng, kiểm soát tốt dịch bệnh và không có trường hợp nào tử vong. Và điểm nóng về dịch đầu tiên của cả nước là Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) cũng được kiểm soát, khống chế một cách hiệu quả phần lớn nhờ vào sự tự giác khai báo của người dân. Để rồi sau 20 ngày cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế, Sơn Lôi không có thêm ca nhiễm mới và được xóa cách ly.

Còn nhớ, vào đêm mùng 6/3, sau gần chục ngày cả nước không có ca nhiễm thì cả Hà Nội gần như không ngủ, mọi người lo lắng, hoang mang khi có trường hợp lây nhiễm là bệnh nhân số 17 (cô gái tên N.H.N ở Trúc Bạch, Hà Nội) mắc Covid-19. Lo lắng một phần vì đây là ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội, nhưng lo lắng nhất vẫn là việc khai báo không trung thực của bệnh nhân này khiến các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương rất vất vả khi kiểm soát dịch bệnh. 

Và thực tế đúng như vậy, chỉ sau 4 ngày sau khi phát hiện bệnh nhân số 17 (BN17), đã có thêm 14 ca bệnh mới, phần lớn là những người bị lây nhiễm trên cùng chuyến bay với ca bệnh này. Và sau đó số bệnh nhân mắc dịch không chỉ dừng ở con số đó vì sự khai báo không trung thực của BN17 khiến cho việc kiểm soát dịch của những người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân trở nên khó khăn, vất vả và thiệt hại lớn về kinh tế trong việc kiểm soát, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.

Ở thời điểm đó, nhiều người đã rất bức xúc, thậm chí phẫn nộ vì hành động thiếu trách nhiệm, đi ngược lại sự nỗ lực của cả cộng đồng. Trên nhiều nhóm, trang mạng xã hội, nhiều người đã dẫn quy định của luật pháp đề nghị xử lý hành vi vi phạm của bệnh nhân này vì đã giấu dịch… Nhưng trên hết, bằng sự tận tâm, tử tế và bao dung, những người làm công tác phòng chống dịch, trong đó có các bác sỹ tuyến đầu luôn tận tâm cứu chữa, chăm sóc tận tình người bệnh với hơn 100% sức lực..

Sự tận tâm, tử tế đó đã được chính những người trong cuộc, những người bệnh ghi lại bằng những hình ảnh, bằng những lời cảm ơn được thốt ra tự đáy lòng. Đó là hình ảnh những chiến sỹ ăn rừng ngủ núi, rải tấm bìa cát tông giữa trời mưa lạnh để nhường chỗ cho bệnh nhân, là những bữa cơm ăn vội ở góc đường, là hình ảnh các bác sỹ kiệt sức phải thở oxy khi trong thời gian dài làm việc quá sức… 

Nhiều bệnh nhân người nước ngoài, người Việt Nam khi được cách ly, điều trị ở các cơ sở tại Việt Nam khi chia tay đã không khỏi xúc động “sự tận tâm, tử tế của đội ngũ phục vụ đã giữ lại sự bình yên trong tâm hồn hoảng loạn, lo sợ vì dịch bệnh của họ”. Có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài, du học sinh về nước cách ly, tận mắt chứng kiến sự hy sinh của những người làm nhiệm vụ ở trong nước, đã thốt lên rằng “con cúi đầu xin lỗi Tổ quốc vì đã mang gánh nặng về đất nước”…

Cũng chính sự tận tâm, tử tế đó đã giải thoát nhiều bệnh nhận thoát khỏi lưỡi hái tử thần, tạo ra điều kỳ diệu, trong đó có cả người bác của BN 17 và bệnh nhân phi công người Anh. Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19, khi khỏi bệnh đã mong muốn có sự đóng góp sức mình vào công cuộc chống dịch trong nước, như con gái của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn, cũng là bạn của BN17 ở nước ngoài, cô đã về nước chữa bệnh và khi xuất viện, cô đã chia sẻ trên Instagram rằng: "Sinh con ra, lo lắng và hy sinh cho con lúc bình yên cũng như sóng gió là cha mẹ. Mở rộng vòng tay đón con trở về trong lúc hoạn nạn là quê hương, là Tổ quốc Việt Nam. Cứu con, chữa trị và chăm sóc con qua cơn bạo bệnh là các y bác sĩ và điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Con xin tri ân và trân trọng cảm ơn".

Thêu dệt về chống dịch Covid-19 ở Việt Nam: Ảo ảnh của ánh sáng cuối đường hầm-2
Báo The NewYorker hôm 21/9 đăng tải một bài viết về bệnh nhân số 17 của Việt Nam trên Instagram.

Vậy mà, có những trường hợp cá biệt, sau khi được cứu chữa bằng cả sự tận tâm, tử tế đó, với sự bao dung của cả xã hội thì lại quay lại có những lời lẽ không chính xác, phủ nhận sự nỗ lực, hy sinh của mọi người, cho rằng việc công khai dịch là vi phạm quyền riêng tư của mình.

Người này cho rằng, thông tin cá nhân của mình đã bị lan truyền trên mạng ngay sau khi bị xác định mắc Covid-19 khiến phải chịu sự miệt thị của xã hội. Tuy nhiên, cũng trong trả lời tờ báo, cô này lại không nói tới quá trình di chuyển của mình sau khi tiếp xúc dịch ở nước ngoài cũng như việc không khai báo y tế, tiếp tục di chuyển tới các điểm công cộng trong nước ngay khi đã có các dấu hiệu của việc bị mắc Covid-19... 

Họ cho rằng đã đau khổ khi phải điều trị ở Việt Nam, thêu dệt phương pháp chống dịch ở trong nước, thậm chí cho rằng bị "xâm phạm đời tư" và việc một tờ báo nước ngoài làm "sáng tỏ" câu chuyện của họ khiến họ luôn có “ánh sáng cuối đường hầm”.

Với nhiều người Việt Nam, nhất là những người ở xa Tổ quốc, luôn đau đáu hướng về quê hương và muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho đất nước. Nhiều người ở ngay vùng tâm dịch trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Pháp… vẫn đóng góp sức mình, may khẩu trang gửi về trong nước, kêu gọi mọi người chấp hành các quy định khi về nước cách ly, điều trị. 

Vì thế, những hành động đơn lẻ, cá biệt đi ngược lại sự nỗ lực, cố gắng của tất cả mọi người sẽ không có giá trị và sẽ sớm rơi vào quên lãng. Và rất có thể, sau này, khi nghĩ lại và soi chiếu với những gì mình nhận được từ đất nước, những người thiếu thiện chí như vậy sẽ nhận ra rằng “ánh sáng cuối đường hầm” ở thời điểm hiện tại chỉ là ảo ảnh.

Theo VOV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/xa-hoi/theu-det-ve-chong-dich-covid-19-o-viet-nam-ao-anh-cua-anh-sang-cuoi-duong-ham-780774.vov#utm_source=lotus&utm_campaign=lotus&utm_medium=lotus&ltclid=ehLOsv7hMTf6K2423chRFRYdwb6T4z0/+yNlM97IVBMcFcm//+U6

Bệnh nhân covid số 17 COVID-19

Tin tức mới nhất