Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), ngôi làng xa xôi hẻo lánh Atulie'er còn được mệnh danh là “ngôi làng vách đá” nằm ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc.
Những người dân sinh sống trong làng vẫn phải trèo lên và xuống trên vách đá cao 800 m để đi học hoặc thậm chí đi tới bệnh viện để sinh đẻ. Song gần đây, 84 hộ dân trong “ngôi làng vách đá” đã đi tái định cư tới nơi sinh sống mới.
Video: "Thót tim" trước cảnh học sinh đi học, phụ nữ đi đẻ trèo vách đá cao 800 m
Cuộc sống trên “ngôi làng vách đá” quả thực không dành cho những người yếu tim. Bởi người dân hàng ngày phải trèo lên trèo xuống bên vách đá cao 800m lơ lửng giữa không trung.
“Khi vợ tôi sinh con, cả nhà chúng tôi đã phải xuống núi một tuần trước ngày dự sinh. Chúng tôi đã có hai con và chúng tôi trở về nhà chỉ sau một tuần vợ sinh con”, anh Mose Labo, người dân trong làng chia sẻ.
Trèo lên đã khó, việc xuống núi cũng quả thực không dễ dàng đối với người già và trẻ nhỏ. Nhiều cụ già đã không rời khỏi làng trong vài năm qua.
Tuy nhiên, chiếc thang ghép từ các thanh thép là phương tiện chính giúp người dân trong “ngôi làng vách đá” kết nối với thế giới bên ngoài. Từng có một phóng viên òa khóc khi cô bước trên những bậc thang lơ lửng giữa không trung để xuống chân núi.
Người dân tại "ngôi làng vách đá" phải trèo lên trèo xuống bên vách núi cao 800 m. (Ảnh minh họa)
“Ngôi làng vách đá” hiện nằm danh sách những vùng nghèo đói nhất tại Trung Quốc. Thời gian gần đây, 84 hộ dân trong làng đã được di chuyển tới nơi sinh sống mới nằm cách “ngôi làng vách đá” khoảng 75 km. Những căn hộ mới này được trang bị đồ đạc từ nguồn trợ cấp của chính phủ Trung Quốc.
Gia đình anh Mose là một trong những người đầu tiên được nhận nhà của chính phủ. Hiện tại, anh Mose đã có thể dễ dàng đưa vợ đi khám thai lần thứ ba tại bệnh viện.
“Việc kiểm tra trong quãng thời gian vợ tôi mang thai hai lần trước rất khó khăn. Chúng tôi phải xuống núi từ trước khi trời sáng và khi kiểm tra thai xong, chúng tôi phải về trèo thang ngay mới kịp và lúc đó trời cũng đã bắt đầu tối.
Giờ mọi thứ đã thuận tiện hơn, chúng tôi chỉ mất 7 – 8 phút di chuyển bằng xe đạp điện để tới bệnh viện kiểm tra”, anh Mose chia sẻ.
Theo Infonet