Vượt qua nỗi đau mất mẹ ngay trước kỳ thi trọng đại; làm bảo vệ, chạy việc đám cưới kiếm tiền học phí
Nguyễn Mạnh Trường, chàng trai đến từ Thanh Hóa vốn là một sinh viên vô cùng nghị lực khi đạt những thành tích xuất sắc dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Mẹ Trường mất khi Trường đang học lớp 12, trước khi kỳ thi đại học diễn ra.
Bố Trường khi ấy tuổi đã cao, chỉ sống dựa vào lương hưu. Trường có một người anh trai không may gặp phải tai nạn khiến cơ thể bị liệt toàn thân. Từ nhỏ, Trường đã luôn nỗ lực học tập để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
"Thời điểm mẹ mất là quãng thời gian vô cùng khó khăn với mình. Hồi đó nhà mình có trồng rau đem bán để kiếm thêm thu nhập.
Lúc ấy anh trai mình đã lấy vợ, nhưng chị ấy cũng là người khuyết tật. Chị mình sinh non nên bố mình lên Hà Nội để giúp anh chị mình chăm cháu", Mạnh Trường kể.
Hình ảnh Mạnh Trường (đứng giữa) trong buổi lễ tốt nghiệp (Ảnh: NVCC).
"Mẹ mình vốn có bệnh nền là nhồi máu cơ tim, sức khỏe không tốt, thế nên khi làm việc quá sức, mẹ mình lên cơn nhồi máu cơ tim rồi mất.
Khoảng thời gian đó mình cảm thấy rất buồn, nhưng sau đó mình cũng cố gắng nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành kỳ thi đại học.
Hồi đó mình còn nghĩ, nếu như mình không học trường chuyên, không học xa nhà, thì mình đã có thể chăm sóc mẹ nhiều hơn, có lẽ mọi chuyện đã khác", Trường chia sẻ.
Trong gia đình Trường, bố và anh trai chính là động lực lớn giúp nam sinh nỗ lực hàng ngày vượt qua những khó khăn.
Trải qua cảm giác mất mẹ đã là một cú sốc lớn với Trường, nhưng bố Trường còn trải qua cảm giác mất vợ, mất con, con trai lớn thì bị liệt nhưng ông vẫn vững vàng để vượt qua mọi sóng gió cuộc đời.
Anh trai Trường dù bị liệt toàn thân nhưng cũng nỗ lực và giúp đỡ trang trải cho gia đình rất nhiều qua các dự án khởi nghiệp. Điều này luôn thôi thúc Trường vượt qua những trắc trở trong cuộc sống và lo toan cho gia đình.
Để trang trải chi phí học đại học, Trường tranh thủ làm một số công việc như chạy việc đám cưới, làm bảo vệ. Có những ngày, Trường đi làm liên tục tới hơn 35 giờ để nhận hơn một triệu đồng tiền công.
Dù mệt nhưng công việc này đem lại cho Trường niềm vui, được gặp các bạn sinh viên có cùng hoàn cảnh.
Đạt thành tích cao và nỗ lực để nhận học bổng suốt 4 năm đại học
Trong năm học đầu tiên tại Hà Nội, Trường khá hoang mang với việc đóng học phí và phí sinh hoạt trên Hà Nội vô cùng đắt đỏ.
Những kỳ học sau, Trường đã nỗ lực rất nhiều trong học tập để dành được hàng loạt các học bổng hỗ trợ đến từ nhà trường và các tập đoàn, giúp cho cuộc sống của chàng sinh viên trẻ trở nên "dễ thở" hơn.
Sau khi nhận được tài trợ từ các quỹ học bổng, Trường không còn phải lo lắng quá nhiều về tiền bạc. Vì vậy, anh dành thời gian để khám phá bản thân, tìm ra lĩnh vực phù hợp nhất với mình.
Vì có phương pháp học tập đúng, Trường không tốn nhiều thời gian để duy trì thành tích tốt trên lớp.
Ngoài thời gian học, Trường cũng tham gia thêm các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu khoa học, các hoạt động tình nguyện và một số phong trào như "Sinh viên 5 tốt",...
Trường chia sẻ, quá trình này khá thú vị vì nó giúp anh khai phá được tiềm năng và tìm ra đam mê, hỗ trợ cho việc định hướng nghề nghiệp sau này.
Ý tưởng khởi nghiệp mà Trường yêu thích nhất và mang đi dự thi đó chính là dự án "Thùng rác thông minh", Trường đảm nhiệm vị trí nghiên cứu thị trường.
Ý tưởng này bắt nguồn từ nhận thức rằng, rác thải tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đang chưa được tận dụng hết do rác thải đều được đem đi đốt.
Thực chất, từ những rác thải đó, chúng ta cũng có thể tạo thành những chế phẩm mới và tạo ra lợi nhuận. Nhóm của Trường đã chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này là do phân loại rác chưa tốt.
Sản phẩm của nhóm sẽ có chức năng tự động phân chia các loại rác thải thành rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế, từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường.
Mạnh Trường (bên trái) xuất sắc nhận được loạt học bổng suốt 4 năm học đại học (Ảnh: NVCC).
Chọn công việc khiến mình thoải mái để tối ưu hóa thời gian làm việc
Sau khi tham gia các hoạt động nghiên cứu và các cuộc thi, Trường nhận ra mình có khả năng phân tích và tổng hợp vấn đề tốt, khá phù hợp với vị trí nghiên cứu thị trường.
Bởi rèn luyện nhiều kỹ năng này rất nhiều nên dù ứng tuyển vào các công việc yêu cầu từ 2 đến 3 năm kinh nghiệm, Trường vẫn đáp ứng được.
Trường từng từ chối những lời mời phỏng vấn, làm việc tại một số công ty lớn để làm việc tại những công ty có quy mô nhỏ hơn nhưng có môi trường làm việc thoải mái hơn, vì Trường biết rằng việc gò bó về thời gian khiến Trường làm việc kém hiệu quả.
"Phần lớn sinh viên ra trường sẽ lựa chọn làm việc tại một công ty lớn. Nhưng vì mình có con đường riêng và công việc hiện tại vẫn đảm bảo được mức lương ổn định, không tốn quá nhiều thời gian, vậy nên mình chọn làm việc tại công ty hiện tại.
Để cân bằng thời gian, trước khi đưa ra quyết định làm gì, mình sẽ tính toán trước xem mình sẽ tốn bao nhiêu thời gian cho công việc đó, mình có khả năng đảm nhiệm được không.
Thứ hai, muốn hoàn thành tốt công việc, mình luôn cần giữ lửa và hết mình với các nhiệm vụ được đề ra, mấu chốt của việc này xuất phát từ sự thoải mái. Nếu có sự thoải mái, hiệu quả công việc sẽ tốt và mình luôn nhiệt huyết.
Nếu mình cảm thấy bị chèn ép nhiều quá, mình lúc nào cũng sẽ cảm thấy cực kỳ mệt mỏi mỗi khi về đến nhà", Trường bộc bạch.
Trường cho hay, bản thân mình khi đi học, đi làm gặp khá nhiều áp lực, nhưng đối với Trường, áp lực chỉ xấu khi nó trở thành một điều độc hại. Nếu như áp lực trở thành động lực khiến mình trở nên cố gắng hơn, thì đó lại là điều tốt.
"Trong quỹ học bổng của mình, có rất nhiều các bạn đạt thành tích giỏi, thủ khoa và các bạn sở hữu mức lương cao cũng rất nhiều, và đương nhiên trong một môi trường với nhiều bạn xuất sắc như thế thì mình cũng gặp nhiều áp lực.
Nhưng mỗi người đều có định hướng và con đường khác nhau, nếu so sánh thì sẽ luôn có người khác hơn mình ở mọi khía cạnh, vậy nên nếu người ta xuất sắc, mình cũng cần học tập và cố gắng lên. Mình có mục tiêu riêng và cũng có thời điểm tỏa sáng của riêng mình", Trường chia sẻ về cách bản thân vượt qua những áp lực.
Trong tương lai, Trường mong muốn có thể du học Thạc sĩ ngành Phân tích dữ liệu, sau đó trở về Việt Nam và tìm công việc yêu thích.
Trường cho biết, anh cũng khá thích việc chia sẻ và giảng dạy cho sinh viên, vì vậy anh cũng mong muốn có thể trở thành giảng viên đại học trong tương lai.
Theo Dân Trí