Thủ tướng: 'Thực hiện Chỉ thị 16 không nghiêm, hậu quả sẽ nặng nề'

Thủ tướng cho rằng khi thực hiện Chỉ thị 16, một số ngành, địa phương chưa lường hết được khó khăn, nên chỉ đạo, thi hành biện pháp phòng, chống dịch còn lúng túng.

Ngày 15/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với 27 địa phương phía Nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại khu vực này đặc biệt phức tạp, biến chủng Delta đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh, thành. TP.HCM với số ca mắc tăng nhanh từ 300 ca/ngày hồi tháng 6, lên 2.000 ca/ngày ở thời điểm hiện tại.

Thủ tướng: Thực hiện Chỉ thị 16 không nghiêm, hậu quả sẽ nặng nề-1
Thủ tướng Phạm Minh Chính trong hội nghị trực tuyến với 27 địa phương sáng 15/7. Ảnh: VGP.

Hàng chục triệu liều vaccine sắp về Việt Nam

Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã điều động khoảng 10.000 cán bộ y tế, tình nguyện viên chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Bộ ban hành hướng dẫn giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Trong đợt dịch thứ 4, tổng số trường hợp F1 ghi nhận tại 58 địa phương là trên 162.000, phần lớn đã được xét nghiệm, đang điều trị 26.935 người bệnh. Công tác hậu cần, lưu thông hàng hóa, an sinh xã hội cho người dân được đảm bảo. Bộ Y tế đang xây dựng phương án cho tình huống 100.000 người mắc Covid-19.

Về thực hiện chiến lược vaccine, ông Long nói Việt Nam đã có cam kết viện trợ, ký hợp đồng cung ứng khoảng hơn 105 triệu liều trong năm 2021. Trong tháng 7, khoảng 9 triệu liều vaccine về Việt Nam, đến hết quý III/2021 là khoảng 30 triệu liều.

Lãnh đạo Bộ Y tế thông tin đã có 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga và Mỹ hỗ trợ các đơn vị sản xuất trong nước đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng và đảm bảo tuân thủ đúng quy trình. Tính đến 13/7, cả nước đã phân bổ hơn 8,7 triệu liều vaccine và tiêm được 4,1 triệu liều.

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh đã lây lan rộng, nhiều ổ dịch xảy ra tại chợ đầu mối, khu công nghiệp, khu dân cư nên TP.HCM sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao, trước khi ổn định và từng bước kiểm soát tình hình khi hết thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

Tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cần sự phối hợp giữa các ngành, địa phương để công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn. Ưu tiên số 1 là phòng, chống dịch, nhưng những nơi an toàn, điều kiện cho phép thì vẫn duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.

Xuất hiện tình trạng lúng túng, bất ngờ

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến tâm huyết, chất lượng, thể hiện tinh thần xây dựng cao của các phó thủ tướng, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, chưa có tiền lệ, còn nhiều khó khăn, song bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, đạt thành quả nhất định trong phòng, chống dịch. Phát triển kinh tế và an sinh xã hội được đảm bảo, hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng có bộ, ngành, địa phương, có lúc, có nơi chưa bám sát, chưa dự báo trước được tình hình nên còn lúng túng, bất ngờ khi đối phó với những vấn đề phát sinh.

Một số người dân lơ là, mất cảnh giác, chấp hành chưa nghiêm các quy định phòng, chống dịch, kết quả chống dịch chưa cao như mong muốn.

Thủ tướng chỉ ra khi thực hiện Chỉ thị 16, một số ngành, địa phương chưa lường hết được khó khăn nên đáp ứng yêu cầu về y tế còn lúng túng, thiếu hụt; lưu thông hàng hóa ách tắc; có nơi, có lúc khan hiếm hàng hóa. Hướng dẫn của các bộ, ngành còn chưa kịp thời, đầy đủ khiến người dân hoang mang.

Thủ tướng cho rằng với diễn biến dịch như hiện nay, thực hiện Chỉ thị 16 không nghiêm sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng bị tác động. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân bị ảnh hưởng…

Thủ tướng nêu rõ 6 mục tiêu trong thời gian tới. Theo đó, quyết tâm ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh tại TP.HCM, các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.

Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân là trên hết, trước hết, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết trong cuộc sống; tập trung cứu chữa các ca bệnh, hạn chế thấp nhất các ca tử vong.

Ông yêu cầu giữ vững tình hình an ninh trật tự, bảo đảm an sinh xã hội trong bất cứ hoàn cảnh nào; kiểm soát chặt chẽ biên giới và các khu cách ly, phong tỏa; nhanh chóng ổn định tình hình để nhân dân trở lại sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường. Bên cạnh đó là việc bảo vệ vững chắc nhà máy, khu công nghiệp, chuỗi cung ứng toàn cầu và toàn quốc.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thành lập ngay trung tâm cứu trợ, đường dây nóng, tổ tình nguyện để hỗ trợ người dân mọi lúc, mọi nơi, mọi vấn đề.

Bộ, ngành phối hợp với địa phương không để ách tắc giao thông, cung ứng đầy đủ hàng hóa, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế trong chi tiêu, mua sắm phục vụ phòng, chống dịch đảm bảo đúng chế độ nhưng linh hoạt, sáng tạo.

Các địa phương chủ động chuẩn bị phương án ứng phó khi dịch diễn biến xấu. Địa phương phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục triển khai thật tốt Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, dịch Covid-19 sẽ sớm được kiềm chế, đẩy lùi, thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/thu-tuong-thuc-hien-chi-thi-16-khong-nghiem-hau-qua-se-nang-ne-post1239245.html

COVID-19

Tin tức mới nhất