Thú vị câu chuyện săn lùng túi xách hàng hiệu vintage

Đã là túi xách hàng hiệu thì mãi mãi là túi xách hàng hiệu, kể cả đồ cũ



Nhà bán lẻ kỳ cựu Seth Weisser đứng giữa không gian rộng hơn 350m² ở phố Rodeo Drive thuộc khu Beverly Hills, California, Mỹ để giới thiệu về cửa hàng mới của mình: “Đây là một nơi vô cùng thanh lịch. Toàn bộ cửa hàng được lát đá cẩm thạch cao cấp, phụ kiện đồng bộ và sẽ có những sản phẩm lừng danh của Cartier. Đây là nơi để khách hàng trải nghiệm mua sắm cao cấp đặc biệt”. Thế nhưng, điều đặc biệt tại cửa hàng mới cực kỳ sang trọng này của Seth Weisser so với “hàng xóm” trên con phố mua sắm Rodeo Drive, nơi tập trung các nhà mốt hàng đầu thế giới là sẽ bán đồ thời trang của các thương hiệu nổi tiếng nhưng đã qua sử dụng.

Cuộc chiến của những website vintage

Cửa hàng ở Rodeo Drive là “tiền đồn” thứ năm thuộc What Goes Around Comes Around (WGACA), chuỗi cửa hàng chuyên bán những món đồ cũ hay nói chính xác hơn là bán đồ cũ thuộc các thương hiệu cao cấp. Chưa bao giờ thế giới lại bùng nổ với thời trang vintage như lúc này và những cửa hàng như WGACA đang cực kỳ ăn nên làm ra.

Trong số đó, những chiếc túi xách cũ chính là thương vụ béo bở nhất trong chiếc bánh đồ cũ cao cấp này. Để thu hút các tín đồ thời trang, ông chủ cửa hàng cho biết đã gom được vô số những món đồ xa xỉ, thuộc các thương hiệu cao cấp để phục vụ các tín đồ thời trang.

Ngoài WGACA, trên phố Rodeo Drive còn có những cửa hàng như Indeed, Fashionphile cũng bán mặt hàng này. Họ đã hiện diện ở con phố hàng hiệu này từ năm 2008. Cửa hàng bán đồ cũ nhưng sang trọng không kém những cửa hàng của các thương hiệu hàng đầu thế giới khác. Khác biệt duy nhất là bên kia bán đồ mới, bên này bán đồ vintage.

Thú vị câu chuyện săn lùng túi xách hàng hiệu vintage

Chưa bao giờ thị trường túi xách cao cấp cũ lại sôi động như hiện nay. Theo số liệu thống kê của một công ty tư vấn đồ hiệu ở Ý, riêng năm 2014, thị trường túi xách, đồng hồ và trang sức hàng hiệu vintage đạt con số gần 18 tỷ đô-la Mỹ. Điều này cho thấy thị trường này đang ngày càng phát triển lớn mạnh.

Khác với những món đồ tầm thường khác. Ưu điểm của hàng hiệu là càng dùng càng đẹp nếu như chủ sở hữu biết cách sử dụng và bảo quản cẩn thận. Những sản phẩm túi này ngoài các giá trị như sử dụng những nguyên liệu cao cấp nhất thế giới, gắn những viên đá quý lên túi xách, mạ vàng các chi tiết… các thương hiệu còn tạo nên những giá trị vô hình từ sự khan hiếm của món hàng trên thị trường.

Khách hàng phải chờ đợi mòn mỏi trong nhiều năm mới có thể cầm chiếc túi trên tay, hay như kiểu túi được khâu tay bởi các nhà sư Tây Tạng dưới của ánh sáng vầng trăng non… Dù là vô hình hay hữu hình, rõ ràng các nhà mốt luôn có cách khiến chị em phụ nữ bị mê đắm với những giá trị đặc biệt đó. Họ chấp nhận chọn đồ cũ khi không thể chờ đợi hay mua được món đồ mới.

Theo Tradesy, website nổi tiếng chuyên bán hàng cũ cao cấp cho biết nếu những chiếc túi của các nhà mốt hàng đầu vẫn ở trong tình trạng tốt, không thấy rõ trầy xước, khi bán lại, chủ sở hữu có thể lấy về 63% giá trị ban đầu. Ví dụ, khi mua chiếc túi hàng hiệu trị giá 1.100 đô-la Mỹ, nếu bán lại trên Tradesy, giá của nó là 700 đô-la Mỹ.

Những thông tin như thế càng khiến nhiều người có thêm lòng tin để đầu tư vào những chiếc túi hiệu. Họ tự nhủ: Mua đi, không lỗ đâu, rồi có thể bán nó mà chẳng mất bao nhiêu tiền. Với một thị trường mua đi bán lại quá béo bở, nhiều công ty, cá nhân đã nhanh chóng vào cuộc. Vô số các website bán hàng hiệu cao cấp gắn mác vintage đã tạo nên một thị trường cạnh tranh đầy sôi động với có con số tăng trưởng ấn tượng.

Yann Le Floc’h, người sáng lập InstantLuxe thu về lợi nhuận gấp đôi từ năm 2013 đến 2014 giải thích về sự tăng trưởng của mặt hàng đồ cũ cao cấp: “Ngày nay quan điểm của mọi người về sản phẩm cao cấp đã thay đổi. Tâm lý được sử dụng một sản phẩm cao cấp vẫn quan trọng hơn việc trước đó nó đã từng thuộc về ai”.

Hermès Birkin, ông vua của túi xách cũ

Đầu năm nay, Baghunter, trang web chuyên bán túi xách cao cấp cho biết: “Việc mua một chiếc túi Hermès Birkin còn ít rủi ro hơn so với đầu tư vàng hay thị trường chứng khoán”. Thông báo này được đưa ra sau một nghiên cứu của riêng Baghunter khi họ so sánh kênh đầu tư vàng và thị trường chứng khoán trong suốt 35 năm qua.

Theo đó, website này đưa ra giả định nếu bạn mua vàng hoặc chứng khoán mà không bán ra trong 35 năm thì chứng khoán tăng trung bình khoảng 11,66%, còn vàng có mức lợi nhuận 1,9%/năm và lợi nhuận thực sự sau 35 năm là -1,5%. Cùng khoảng thời gian trên, một chiếc túi Hermès Birkin bán lại có giá tăng thêm 14,2%. Trong khi cổ phiếu chứng khoán và vàng có thể có những biến động tăng giảm nhiều lần thì túi Hermès Birkin chỉ càng ngày càng có giá trị hơn. Đỉnh điểm năm 2001, giá của chiếc túi này tăng lên đến 25%.

Thú vị câu chuyện săn lùng túi xách hàng hiệu vintage
Chanel Boy, một trong những chiếc túi hàng hiệu được tín đồ thời trang săn lùng

Dẫu nghiên cứu của Baghunter không được đánh giá cao vì dù sao nó cũng chỉ là một website thương mại. Nghiên cứu này cũng có thể có chút thiên vị để phục vụ cho mục đích bán hàng nhưng với những người am hiểu thời trang cao cấp, thông tin này không phải là không có lý. Chiếc túi mang tên ngôi sao điện ảnh Jane Birkin đến nay chỉ được sản xuất với số lượng vô cùng ít ỏi và không phải cứ có tiền là được sở hữu.

Mỗi năm, danh sách khách hàng chờ mua túi Hermès Birkin ngày càng dài hơn bởi việc sản xuất một chiếc túi phải mất đến vài tháng. Bên cạnh đó, Hermès luôn khống chế lượng sản phẩm bán ra. Với những khách hàng có những yêu cầu riêng như màu sắc hay những chi tiết cá nhân, thời gian chờ đợi còn lâu hơn.

Những người nổi tiếng và giàu có thường bày dãy túi Hermès Birkin, chụp ảnh rồi đưa lên mạng xã hội như một minh chứng cho việc: “Tôi giàu và tôi đẳng cấp”. Có thể nói thương hiệu này đã cực kỳ thành công khi giúp những người phụ nữ nuôi dưỡng khát vọng được sở hữu túi Hermès.

Giữa năm 2015, chiếc Hermès Birkin 2014 màu hồng may từ da cá sấu, nạm kim cương đã trở thành chiếc túi xách đắt nhất được một nhà bán đấu giá bán ra thị trường. Được biết, chiếc túi được bán với giá hơn 222.000 đô-la Mỹ cho một khách hàng giấu tên người châu Á tại nhà đấu giá Christie’s ở Hồng Kông.

Tuy có giá kỷ lục nhưng đây vẫn không phải là chiếc túi đắt nhất thế giới. Danh hiệu này có thể thuộc về túi Himalayan Nilo crocodile Birkin 30cm. Chiếc túi được một khách hàng cá nhân đặt riêng này có giá lên đến 300.000 đô-la Mỹ và sau đó được bán lại trên 1stdibs.com, một trang web thương mại chuyên bán những món đồ độc và hiếm trên toàn thế giới với giá 432.000 đô-la Mỹ.

Thú vị câu chuyện săn lùng túi xách hàng hiệu vintage
Túi xách Matte White Himalaya Niloticus Crocodile Diamond Birkin của Hermès do nhà
đấu giá Christie’s, Hồng Kông giới thiệu

Một trong những yếu tố khiến túi Birkin được săn lùng ráo riết ở những cửa hàng đồ cũ và trở nên khan hiếm một phần nhờ giới nhà giàu Trung Quốc. “Người Trung Quốc đang quyết định thị trường túi Birkin. Hai năm trước những mẫu túi Birkin 35cm mới được xem là chuẩn mực thì giờ đây túi 30cm lại là món hàng hiếm bởi nhiều người châu Á thích kích thước này”. Dường như đây cũng là lý do để nhà đấu giá Christie’s chỉ “nhăm nhe” bán chiếc túi Birkin da cá sấu tại Hồng Kông chứ không phải ở Mỹ hay Châu Âu.

Hermès Birkin có thể là chiếc túi được săn lùng nhiều nhất nhưng chưa chắc đã là chiếc túi giá trị nhất để đầu tư. Theo Tradesy, đứng đầu phải là chiếc túi tote của thương hiệu Goyard, một thương hiệu làm túi rất nổi tiếng ở Pháp. Những chiếc túi Goyard hiện nay khi được bán lại có giá gấp 1,3 lần so với giá mua ban đầu. Cũng theo Tradesy, chỉ mất năm ngày rao bán, những chiếc túi vintage của Goyard đã tìm được chủ nhân mới. Hy vọng một ngày nào đó Her World sẽ có dịp giới thiệu đến bạn thương hiệu này.

Túi xách cao cấp vintage đổ bộ đến Việt Nam

Nếu thị trường túi xách cao cấp cũ được bán qua các website lớn cho các khách hàng đến từ Trung Quốc và Nga thì nhiều người Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc chơi này. Nhật Bản, quốc gia tiêu thụ túi xách cao cấp gần một thập kỷ qua giờ là thị trường chuyên cung cấp túi xách vintage. Nhiều người Việt Nam có dịp qua Nhật Bản đã tìm đến những cửa hàng dạng này.

Thậm chí, gần đây một thương hiệu mời nhóm nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam đến Nhật Bản cũng đã sắp xếp chương trình đưa họ đến thăm cửa hàng bán túi xách cao cấp vintage. Thế mới thấy người Nhật dường như cũng đánh hơi được thị trường béo bở này ở Việt Nam.

Một số người Việt ở châu Âu cũng tìm được nguồn hàng túi xách và đưa về Việt Nam. Dĩ nhiên những chiếc túi này không phải là hàng quá cao cấp như Hermès, Chanel, Louis Vuitton mà chủ yếu là các thương hiệu xếp sau vài bậc hoặc thương hiệu nhỏ có xuất xứ từ châu Âu. Để bán lại túi hàng hiệu ở Việt Nam, nhiều người thường thông qua một cửa hàng trung gian hoặc rao trên mạng xã hội.

Thú vị câu chuyện săn lùng túi xách hàng hiệu vintage
Nhân viên may túi Hermès trình diễn tại buổi workshop của nhà mốt Pháp

Nếu như yếu tố “độ tin cậy” của cửa hàng bán đồ cũ luôn được người nước ngoài chú trọng thì việc mua túi xách cũ tại Việt Nam chủ yếu dựa vào yếu tố “tin nhau là chính”. Không có giấy tờ chứng minh hàng xịn, không có kiến thức về hàng cao cấp nên đã có những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra. Điển hình có thể kể đến vụ án chiếc túi Dior mà một fashionista mua lại của một người chuyên bán đồ trên Facebook.

Sau khi bỏ cả chục triệu đồng để mua lại chiếc túi mà chủ cửa hàng cho biết bán giúp một người bạn, cô gái về nhà và phát hiện dường như đây không phải là hàng thật. Câu chuyện trở nên ầm ĩ khi cả hai không ai chịu nhường ai, chủ cửa hàng cũng không đưa được bằng chứng chứng minh đó là hàng thật.

Sẽ chẳng ai đòi hỏi người bán hàng túi xách bình thường phải có quá nhiều kiến thức về túi. Thế nhưng, một khi đã bước chân vào thị trường túi xách cao cấp, người bán phải có trình độ nhất định. Khi chiếc túi không còn giấy tờ để chứng minh nguồn gốc, trong khi giờ đây hàng nhái thậm chí đã bắt kịp khả năng làm giả gần như thật thì trình độ chuyên môn của người thẩm định phải được đặt lên hàng đầu. Đó chính là lý do đằng sau mỗi website chuyên bán túi cũ luôn có một đội ngũ các chuyên gia thẩm định, đánh giá sản phẩm sẵn sàng đấu trí với công nghệ làm giả.

Luca Solca, một nhà phân tích cho biết, người châu Âu giờ đây đang nghi ngờ rằng nhiều người thu gom túi xách cũ cao cấp ở châu Âu rồi tút tát và đưa sang bán cho giới trung lưu ở châu Á với giá thành như đồ mới. Liệu trong danh sách này có Việt Nam không, chúng ta chưa thể biết.

Với các tín đồ thời trang Việt Nam, việc mua túi xách từ các website nước ngoài khá khó khăn bởi rào cản xuất nhập khẩu. Nếu thực sự muốn sở hữu một chiếc túi xách xịn từ người bán đồ cũ cao cấp tại Việt Nam, bạn chỉ có hai cách: hoặc là đặt niềm tin vào người bán hoặc là để mặc cho số phận. Nếu không, bạn hẵng tạm hài lòng với những chiếc túi xách đến từ các thương hiệu bình dân hơn.

Những chiếc túi đáng để đầu tư nhất

Với người giàu, họ có thể mua bất kỳ chiếc túi hàng hiệu nào nếu thích. Thế nhưng, với đa số, đầu tư vào một chiếc túi xịn cần phải cân nhắc rất nhiều thứ. Dựa trên dữ liệu của trang web túi cũ Tradesy, ba chiếc túi sau đáng được bạn đưa về nhà nhất dựa trên tiêu chí giá trị bán lại gồm: Hermès Birkin, Chanel 2.55 và Louis Vuitton Neverfull.

Thú vị câu chuyện săn lùng túi xách hàng hiệu vintage
Hermès Birkin

Thú vị câu chuyện săn lùng túi xách hàng hiệu vintage
Louis Vuitton Neverfull

Thú vị câu chuyện săn lùng túi xách hàng hiệu vintage
Chanel 2.55

Theo Tradesy, ngoại trừ túi Goyard có thể bán với giá hơn gấp 1,3 lần so với giá bán lẻ, bạn đừng hy vọng có thể bán túi ngang giá vốn hay có lời. Tuy nhiên, nếu bán lại ba chiếc túi trên bạn sẽ ít bị lỗ nhất. Trong đó túi Chanel bán lại với giá 86% của giá gốc, Hermes thu về 72% và Louis Vuitton thu về 70% so với giá gốc.

Túi của Givenchy, Chanel và Louis Vuitton thường mất khoảng hai tuần để bán. Trong khi đó túi của Marc Jacobs thường xuyên phải giảm giá và trung bình phải mất 6 tuần mới có người mua.

Bên cạnh đó, có những chiếc túi dù mang trên mình một thương hiệu cao cấp nhưng lại khó có thể bán nhanh hay có giá hời. Túi xách của các thương hiệu như Balenciaga, Bottega Veneta, Dior, Fendi, Prada, và Saint Laurent sẽ mất hơn nửa giá khi bán lại. Dior, Fendi và Prada là ba tên tuổi khiến người mua thất thu nhất khi bán lại.

Theo herworldvietnam.vn


hiệu vintage túi xách

Tin tức mới nhất